Hào quang của Cannes lu mờ

Người săn phim mới giảm mạnh, nhà hàng vắng khách, loạt băng rôn khổng lồ từng phủ kín đại lộ Croisette nay biến mất, thảm đỏ thiếu vắng những bộ trang phục lộng lẫy... khiến ánh hào quang của Cannes phai nhạt.
Khi Liên hoan phim Cannes 2025 đi được nửa chặng đường, một tin tức gây sốt là Mubi - nhà phát hành trẻ từng ghi dấu tại Oscar với The Substance - vừa bỏ ra 24 triệu USD để giành quyền phát hành Die My Love.
Dù phim này gây tranh cãi dữ dội tại Cannes, song mức giá kỷ lục ấy phần nào được lý giải bởi sự hiện diện của hai ngôi sao nổi tiếng: Jennifer Lawrence và Robert Pattinson. Tờ Variety nhận định họ là những cái tên hiếm hoi còn đủ tầm để được gọi là "sao hạng A" trong thời đại ngày càng vắng bóng hào quang.
Hiện đa phần các hãng phim lớn đều tránh xa những buổi công chiếu hoành tráng. Ngoại lệ duy nhất là Tom Cruise, anh đích thân mang chiến dịch quảng bá toàn cầu của Mission: Impossible - The Final Reckoning đến Cannes.
Tuy nhiên phản ứng từ giới chuyên môn lẫn truyền thông chỉ ở mức trung bình. Các "bom tấn" hè, như F1 hay Bí kíp luyện rồng live-action sắp ra mắt, đều lặng lẽ rút lui khỏi sân chơi Cannes.
Chính trị khuấy đảo
Lễ khai mạc Liên hoan phim Cannes vốn thường được bao phủ bởi những mỹ từ ca ngợi điện ảnh như một nghệ thuật cứu rỗi nhân loại. Thế nhưng bầu không khí ấy năm nay nhanh chóng bị phủ bóng bởi những làn sóng bất ổn và xung đột trên toàn cầu.
Robert De Niro - người được vinh danh với giải thưởng thành tựu trọn đời - dùng bài phát biểu nhận giải để công kích Tổng thống Mỹ Donald Trump, gọi ông là "kẻ vô văn hóa". Robert cũng không quên gửi gắm lời kêu gọi đến cộng đồng nghệ sĩ: "Hãy lên tiếng, hãy đấu tranh và trên hết hãy đi biểu tình".
Juliette Binoche - chủ tịch ban giám khảo - cũng không né tránh những chủ đề nhạy cảm. Cô thẳng thắn đề cập đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza, chiến tranh, biến đổi khí hậu và sự bất bình đẳng giới.
"Chiến tranh, đau khổ, khủng hoảng khí hậu, cùng tư tưởng gia trưởng lỗi thời. Đó là những bóng ma của một thời đại man rợ đang bủa vây và không để lại cho chúng ta lối thoát nào" - cô phát biểu đầy cảm xúc.
'Thắt lưng buộc bụng'
Tinh thần thắt chặt chi tiêu hiện diện rõ rệt tại Cannes năm nay. Đại lộ Croisette - vốn nổi tiếng với các hoạt động quảng bá hoành tráng của các hãng phim lớn - năm nay trở nên vắng vẻ bất thường.
Nếu năm 2022 Paramount từng dựng hẳn mô hình mũ phi công khổng lồ để quảng bá cho Top Gun: Maverick, thì đến Mission: Impossible - The Final Reckoning năm nay, hãng chỉ lặng lẽ đặt vài màn hình lớn trước khách sạn Carlton. Những cầu tàu từng được thuê kín để làm nơi chụp ảnh giờ cũng để trống.
Danh sách tiệc tùng cũng kém hào nhoáng hơn hẳn. Không còn những đêm "không thể bỏ lỡ" như màn song ca huyền thoại Rocket Man của Elton John và Taron Egerton năm 2019, hay bữa tiệc với pháo hoa rực rỡ mừng Solo: A Star Wars Story năm 2018.
Trên mặt trận mua bán phim, ngoại trừ thương vụ lớn của Mubi với Die My Love, nhiều phim vẫn đang "tìm" nhà phân phối.
Dàn đạo diễn tân binh là các sao đình đám
Cannes từ lâu đã là miền đất hứa cho những đạo diễn lần đầu chạm ngõ điện ảnh, hy vọng ánh hào quang nơi đây sẽ phù phép cho sự nghiệp của họ. Tuy nhiên hiếm khi nào dàn "tân binh" lại sở hữu nhiều ngôi sao đình đám như năm nay, đặc biệt trong hạng mục Un Certain Regard.
Kristen Stewart (The Chronology of Water), Harris Dickinson (Urchin) và Scarlett Johansson (Eleanor the Great) - những cái tên vốn quen thuộc với Cannes với tư cách diễn viên - lần đầu tiên bước ra sau ống kính để trình làng vai trò đạo diễn trên thảm đỏ Croisette.
Bên cạnh đó, những phim đầu tay đáng chú ý khác như Pillion của Harry Lighton (với sự tham gia của Alexander Skarsgård) hay My Father's Shadow của Akinola Davies Jr. (có Sopé Dìrísù thủ vai chính) cũng nhận nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình lẫn khán giả.
Riêng với Kristen Stewart, tạp chí Variety ca ngợi phim của cô là "một tác phẩm đầy rung cảm, được kể bằng thứ cảm xúc thi ca mãnh liệt". Có thể nói, một ngôi sao mới của làng đạo diễn vừa chính thức chào đời tại Cannes.