Hàng loạt 'ông trùm' giang hồ ở Thanh Hóa sa lưới

Cũng như nhiều đêm trước, đêm 14/9, nhiều phòng làm việc ở Công an Thanh Hóa không tắt đèn; đặc biệt, tại phòng Cảnh sát hình sự, Thiếu tướng Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh; Đại tá Trịnh Văn Giang, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT cùng với Thượng tá Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng ngồi rất lâu, tính toán kỹ từng phương án để tổ chức bắt giữ Bùi Quốc Ý (tức Ý "ẻng"), một trong những đối tượng giang hồ cộm cán lâu năm ở Thanh Hóa.
Đêm không ngủ ở Công an Thanh Hóa
Ý và anh trai là Bùi Quốc Đạt, tức Đạt "ma" được biết đến là trùm giang hồ có số má, ngang ngửa Tuấn "thần đèn", Vi "ngộ" trong "bộ tam" nổi tiếng. Mặc dù là tội phạm hình sự, Ý và đồng bọn không có biểu hiện vi phạm pháp luật về hình sự như gây thương tích, đòi nợ thuê, gây rối TTCC… Những hành vi trên đã được Đạt, Ý cũng như các "ông trùm" thực hiện từ vài chục năm trước, khi còn đang trong thời "lấy số".
Sau khi đã "đứng vững" trong giới giang hồ, anh em Đạt, Ý thành lập công ty, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, thuê người làm và chỉ điều hành phía sau. Chúng thuê luật sư để tư vấn, sử dụng đàn em đe dọa, đặc biệt, anh em Đạt, Ý nổi lên là "trùm bảo kê đấu thầu".
Trong các cuộc đấu thầu trên khắp địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đàn em của Đạt, Ý đều có mặt, dùng đủ mọi chiêu thức để làm lũng đoạn trong các phiên đấu giá và can dự vào các hoạt động kinh tế tại địa phương được ngụy trang dưới hoạt động kinh tế.
Chính vì vậy, làm thế nào để có chứng cứ, tài liệu phạm tội để bắt giữ các đối tượng là bài toán rất khó với Cơ quan điều tra. Phải nghiên cứu, làm thế nào "đánh" vào những sai phạm về kinh tế và tìm những kẽ hở mà các đối tượng che giấu. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện Bùi Quốc Ý gây ra vụ bắt giữ người trái pháp luật và cướp tài sản, nên đã vận động bị hại khai báo, thu thập chứng cứ đấu tranh.
![]() |
Đại diện cơ quan Công an tiến hành các hoạt động tố tụng của vụ án. |
Sau khi tính toán kỹ lưỡng, ngày 15/7, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc, Phó Giám đốc Công an tỉnh, các lực lượng Công an Thanh Hóa đã tiến hành triệu tập, khám xét khẩn cấp công ty BĐS Đạt - Ý và nơi ở của Bùi Quốc Ý cùng một số đối tượng, thu giữ nhiều tài liệu quan trọng. Đối với băng nhóm tội phạm này, đến ngày 18/7, Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa đã triệu tập 6 đối tượng để đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội.
Hành vi phạm tội của "ông trùm" Ý "ẻng"
Ý "ẻng" tức Bùi Quốc Ý, sinh năm 1981, trú tại 381A, Quang Trung, phường Hạc Thành, tỉnh Thanh Hóa. Với 2 tiền án, 1 tiền sự về các hành vi cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật đã được xóa án tích, Bùi Quốc Ý nổi lên như một doanh nhân thành đạt ở Thanh Hóa, làm chủ Công ty BĐS Đạt Ý chuyên kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, đây chỉ là bình phong để Ý và anh trai là Bùi Quốc Đạt thể hiện vai trò "ông trùm" khi can thiệp vào các hoạt động đấu thầu bất động sản và hoạt động kinh tế khác ở địa phương.
Quá trình nắm tình hình, Công an Thanh Hóa đã nhận diện được phương thức hoạt động của băng nhóm này nên đã lập chuyên án đấu tranh. Theo tài liệu của Cơ quan Công an, Bùi Quốc Ý và anh Phùng Bá D, là hàng xóm cạnh nhà nhau. Nhiều lần, Ý hỏi mua anh D thửa đất ở địa chỉ số 383 Quang Trung 2, phường Hạc Thành, tỉnh Thanh Hóa, nhưng anh D không bán nên Ý tức tối chèn ép, gây sự dẫn đến 2 bên mâu thuẫn.
Biết các sai phạm của Ý, tháng 7/2024, anh Phùng Bá D đã liên hệ nhà báo để phản ánh, tố cáo các sai phạm trong lấn chiếm hành lang công cộng của công ty BĐS Đạt - Ý và gặp được anh Khuất Duy T, sinh năm 1989, ở xã Thạch Thất, TP Hà Nội - là cộng tác viên chuyên trang Pháp luật để phản ánh, đề nghị viết tin bài.
Ngày 15/8, anh T đi ôtô một mình từ Hà Nội vào Thanh Hóa, chủ động mang giấy giới thiệu của tòa soạn đến UBND TP Thanh Hóa và UBND phường Đông Vệ (cũ) để đặt lịch làm việc. Sau đó, anh T đến nhà Ý (công ty BĐS Đạt - Ý) ở 381A Quang Trung, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa (nay là phường Hạc Thành, tỉnh Thanh Hóa) để liên hệ làm việc.
![]() |
Công an Thanh Hóa thực hiện khám xét tại Công ty bất động sản Đạt - Ý do Ý "ẻng" cầm đầu. |
Lúc này, tại tầng 1 của công ty BĐS Đạt - Ý có 8 đối tượng gồm Bùi Quốc Ý, Đào Duy Dũng (Dũng "cà mau"), Bùi Khắc Phan, Lê Đức Anh, Trịnh Tuấn Anh, Lê Đăng Trung, Trần Văn Cường (Cường "trắng") và Nguyễn Quốc Đông đang có mặt ở đây.
Thấy anh T giới thiệu là nhà báo, đặt giấy giới thiệu ở bàn, thì Bùi Khắc Phan đã xem và yêu cầu xuất trình thẻ nhưng anh T không xuất trình được (anh T chỉ là cộng tác viên), nên Bùi Khắc Phan, Lê Đăng Trung và Đào Duy Dũng đã tra hỏi, dùng tay chân đánh đấm vào đầu, mặt và vào người anh T, còn các đối tượng khác đóng cửa kính, kéo cửa cuốn của nhà Ý xuống.
Sau khi Phan giật được điện thoại của anh T và kiểm tra thì phát hiện anh Phùng Bá D nhờ anh T viết bài, nên Ý và các đối tượng đã tra hỏi, ép anh T phải khai ra sự việc mới cho về. Vì bị đánh đau, nên anh T buộc phải khai về việc được anh D nhờ viết bài.
Lập tức, các đối tượng đã đánh "hội đồng" anh T khiến nạn nhân chỉ biết chịu trận. Nguyễn Quốc Đông đã giật luôn chiếc bút của anh T đang để trên bàn (vì nghi có ghi âm), rồi đưa cho Ý kiểm tra, do phát hiện có thẻ nhớ, nên Ý đã bẻ thẻ nhớ và cầm luôn chiếc bút không trả lại cho anh T.
Sau đó, mặc dù anh T không đồng ý đi gặp anh D, nhưng Ý yêu cầu phải đi gặp và không cho anh T tự đi ôtô, ép nạn nhân phải lên xe máy do Cường “trắng” chở, còn Dũng “cà mau” ép sau rồi các đối tượng cùng nhau đưa anh T đi gặp anh D để dằn mặt.
Do anh D đi vắng không gặp được, Ý tiếp tục chỉ đạo các đối tượng đàn em đưa anh T lên ôtô bán tải BKS 36 C-364.26 do Đông điều khiển, Cường “trắng” áp tải để đi đến cửa hàng in ấn của anh D (cách nhà Ý khoảng 2,5 km). Tại đây, các đối tượng Lê Đăng Trung, Bùi Khắc Phan và Đào Duy Dũng liên tục chửi bới, đe dọa chặt tay, chân, dằn mặt anh D không được cho báo chí viết bài về Ý.
Sau khi đe dọa khoảng 5 phút, thì các đối tượng chở anh T về nhà Ý, bắt nạn nhân phải xin lỗi Ý thì mới cho về. Sau khi anh T xin lỗi Ý xong thì các đối tượng trả điện thoại, ôtô. Vì bị đánh đau nên anh T đã lái xe đi thẳng đến bệnh viện Phúc Thịnh, tỉnh Thanh Hóa để chụp chiếu, nhưng may chỉ bị sưng nề, không có tổn thương bên trong. Lo sợ trước hành vi côn đồ, hung hãn của nhóm Bùi Quốc Ý nên anh T đã về Hà Nội, không dám tố cáo sự việc với Cơ quan Công an.
Quá trình nắm tình hình ổ nhóm tội phạm trên, Công an Thanh Hóa đã phát hiện sự việc nên đã tính toán đây chính là điểm để “đánh sập” băng nhóm tội phạm này nên đã huy động lực lượng tổ chức bắt giữ Ý và các đối tượng.
Đánh sập các băng nhóm tội phạm
Trước khi bắt Bùi Quốc Ý và đồng bọn, Công an Thanh Hóa đã tổ chức triệt phá 2 băng nhóm tội phạm lớn do Nguyễn Văn Vi (tức Vi "ngộ") và Nguyễn Huy Tùng (con trai Mạnh "gỗ"), đều là những "ông trùm" có máu mặt lớn ở Thanh Hóa. Bên cạnh đó, Công an Thanh Hóa phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế bắt giữ Nguyễn Anh Tuấn (Tuấn “thần đèn”), Lê Chung Tài (Tài “bu”), con nuôi Tuấn “thần đèn” và một số tay chân đắc lực trong băng nhóm.
Được biết các băng nhóm tội phạm trên hoạt động trên địa bàn khá lâu, có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng, thậm chí không loại trừ có cả dấu hiệu bao che, tiếp tay của một số cán bộ biến chất trên địa bàn. Chính vì vậy, Công an Thanh Hóa đã nhiều lần đấu tranh, bóc gỡ nhưng chưa thực sự hiệu quả. Như trường hợp Tuấn "thần đèn", Công an Thanh Hóa đã nhiều lần bắt giữ hắn, như vào tháng 10/2014, Nguyễn Anh Tuấn lĩnh án 5 năm tù cùng với vợ chồng chị gái về tội "Cố ý gây thương tích" và "Cho vay lãi nặng".
![]() |
Tòa nhà trụ sở Công ty bất động sản Đạt - Ý. |
Năm 2019, Tuấn lại bị bắt vì chỉ đạo hàng chục đối tượng sử dụng súng bắn nhau trên đường phố Thanh Hóa. Mặc dù Công an quyết tâm đấu tranh, khi ra tòa, Tuấn được tuyên mức án khá nhẹ nên chỉ đi thi hành án 1 thời gian ngắn rồi tiếp tục quay lại vai trò “ông trùm”.
Nguyễn Văn Vi (Vi “ngộ”) từng có bệnh án tâm thần, lợi dụng bệnh án này để trốn tránh việc bị bắt giam, Công an Thanh Hóa cũng đã kiên quyết đấu tranh, buộc phải giám định lại bệnh lý tâm thần, nên mới đưa được Vi vào tù. Tuy nhiên, với mức án nhẹ, chỉ một thời gian ngắn sau, Vi hết án. Đối tượng Bùi Quốc Đạt (Đạt “ma”, anh trai Ý “ẻng” cũng đã bị Công an Thanh Hóa bắt vào cuối năm 2024.
Để đấu tranh được với các đối tượng, ngay từ khi được Bộ Công an phân công giữ chức vụ Giám đốc Công an Thanh Hóa, Thiếu tướng Tô Anh Dũng đã trăn trở rất nhiều, là làm thế nào để bóc gỡ được hoàn toàn các băng nhóm tội phạm gây bức xúc dư luận nhiều năm qua. Quan điểm là phải bóc gỡ tận gốc, bắt đối tượng cầm đầu theo đúng bản chất phạm tội của chúng.
Theo đó, Thiếu tướng Tô Anh Dũng đã cùng với Đại tá Trịnh Văn Giang, Thượng tá Nguyễn Hữu Thịnh nhiều đêm không ngủ, tìm biện pháp đấu tranh; xác định việc "đánh thẳng" vào việc phạm tội hình sự của các đối tượng sẽ rất khó, không "triệt tận gốc" được chúng mà phải đánh vào những sai phạm về kinh tế mới bóc gỡ được hoàn toàn.
Chính vì vậy, Công an Thanh Hóa đã mời chuyên gia kinh tế để tham vấn, hỗ trợ, tìm sơ hở của các đối tượng trong lĩnh vực này để đấu tranh. “Có những đêm, Giám đốc ngồi đến tận khuya ở phòng Cảnh sát hình sự đưa ra từng phương án, từng biện pháp đấu tranh, phân tích kỹ ưu điểm, nhược điểm từng phương án, kế hoạch", cán bộ phòng Cảnh sát hình sự chia sẻ.
Thượng tá Nguyễn Hữu Thịnh, trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết để đấu tranh với các băng nhóm tội phạm này, quan trọng là nhận diện được tội phạm, chúng không còn là tội phạm hình sự đơn thuần mà đã chuyển hóa, thành lập doanh nghiệp để núp bóng hoạt động kinh tế thực hiện hành vi phạm tội. Theo đó, phải thực hiện công tác điều tra cơ bản; nắm sâu, kỹ tìm được nút thắt, "huyệt đạo" của ổ nhóm để có thể "đánh đúng, đánh trúng".
Theo đó, Công an Thanh Hóa đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ là "đánh" thẳng vào đối tượng cầm đầu, chặn nguồn kinh tế nuôi dưỡng tội phạm khiến đối tượng cầm đầu giảm uy tín, các đối tượng đàn em cũng tự tan rã; đồng thời chọn đúng “điểm huyệt” của chúng để tổ chức bắt giữ.
Chia sẻ về biện pháp đấu tranh với tội phạm băng nhóm trong thời gian tới, Đại tá Trịnh Văn Giang, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT cho biết, Công an Thanh Hóa sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Công an cấp xã tổng rà soát, điều tra cơ bản từng đối tượng trong từng băng nhóm để có biện pháp quản lý, đấu tranh; thu thập thông tin về các hoạt động kinh doanh cụ thể của từng đối tượng, chú ý các mảng khai thác khoáng sản, mỏ đất cát, phối hợp với các sở, ngành thu thập dữ liệu. như các mỏ khai thác cát, trữ lượng khoáng sản để phục vụ đấu tranh với tội phạm.
"Chúng tôi xác định phòng ngừa là chính, không để phát sinh tội phạm với phương châm “bóp chết từ trong trứng nước, đánh thẳng vào đối tượng cầm đầu" và chặt đứt nguồn kinh tế nuôi dưỡng băng nhóm; đặc biệt, sẽ rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ bao che, tiếp tay, làm ngơ cho các hoạt động tội phạm có tổ chức", Đại tá Trịnh Văn Giang nhấn mạnh.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách chuyên khảo "Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình" phân tích các khía cạnh của việc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình một cách hợp lý, toàn diện; có so sánh với pháp luật một số nước trên thế giới, xem xét thực tiễn áp dụng tại Việt Nam; từ đó đưa ra một số kiến nghị, đề xuất có giá trị từ nhiều góc độ.