Hàn Quốc: Số cử nhân thất nghiệp vượt số người chỉ học hết cấp II

(Dân trí) - Thông tin bất ngờ này cho thấy một số vấn đề ngày càng lộ rõ trong thị trường lao động tại nền kinh tế lớn hàng đầu châu Á.
Lần đầu tiên trong lịch sử, số người Hàn Quốc có bằng đại học nhưng không tham gia lực lượng lao động đã vượt qua nhóm người thất nghiệp mới chỉ học hết cấp II.
Số liệu mới nhất từ Cục Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 22/7 cho thấy dấu hiệu của sự mất cân bằng trong thị trường việc làm ở xứ kim chi.
Cụ thể, tính đến tháng 7/2025, có 3,048 triệu người Hàn Quốc có bằng cử nhân hoặc các bằng cấp cao hơn, nhưng đang trong trạng thái thất nghiệp.
Con số này đã vượt nhẹ so với mức 3,03 triệu người Hàn Quốc thất nghiệp với trình độ học vấn dừng lại ở tốt nghiệp cấp II.
10 năm trước, số lượng cử nhân thất nghiệp ít hơn nhiều so với nhóm người lao động thất nghiệp khi mới chỉ học hết cấp II. Khoảng cách chênh lệch giữa hai nhóm từng lên tới một triệu người lao động.
Sự đảo chiều trong tình hình hiện tại khiến giới chuyên gia tại Hàn Quốc nhìn nhận đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy tình trạng “cung vượt cầu” trong lĩnh vực giáo dục đại học.
Cụ thể, số lượng sinh viên Hàn Quốc tốt nghiệp đại học tăng cao, nhưng cơ hội việc làm không tăng theo mức tương ứng.
Hàn Quốc từ lâu đã được biết đến là một trong những quốc gia có tỷ lệ người học đại học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường rơi vào tình trạng khó tìm được việc. Sự bão hòa trong nhóm lao động trình độ cao đang tạo ra nhóm “cử nhân thất nghiệp” tại Hàn Quốc.
Một khảo sát tiến hành trong năm nay bởi Liên đoàn Doanh nghiệp Hàn Quốc cho thấy, chỉ 60,8% doanh nghiệp lớn có kế hoạch tuyển dụng, đây là mức tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2022. Nhiều sinh viên đại học nhắm đến những ngành như công nghệ hoặc tài chính, nhưng những lĩnh vực này đang tăng trưởng chậm lại, dẫn đến tình trạng “kẹt đầu ra” cho nhóm lao động trẻ.
Khối ngành dịch vụ tại Hàn Quốc, như bán lẻ và du lịch, từng được kỳ vọng sẽ hấp dẫn lực lượng lao động trẻ là các cử nhân đại học đang loay hoay tìm việc làm. Tuy nhiên, mức độ sử dụng lao động của khối ngành này tại Hàn Quốc gần như không thay đổi trong những năm qua, nên chưa thể giúp giảm số lượng cử nhân thất nghiệp.
Giới chuyên gia tại Hàn Quốc cho rằng tỷ lệ cử nhân thất nghiệp vượt số người thất nghiệp có học vấn thấp là lời cảnh báo cho hệ thống giáo dục tại Hàn Quốc. Dường như giáo dục đại học tại xứ kim chi mới chỉ giúp người học đáp ứng được những kỳ vọng về học vấn đến từ gia đình và xã hội, nhưng chưa giúp họ thích ứng tốt với thực tế.
Bằng cấp cao giờ đây không còn đồng nghĩa với việc làm ổn định. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường lao động tại Hàn Quốc lại đang cần nhiều lao động có kỹ năng tay nghề vững.