Hải quân Mỹ có đủ sức duy trì năng lực chiến đấu trong xung đột kéo dài?

Lãnh đạo Hải quân Mỹ thừa nhận, các chiến hạm Mỹ làm nhiệm vụ chiến đấu quanh khu vực Trung Đông đã và đang dựa quá nhiều vào các tên lửa đạn đạo tối tân nhất và tốn kém nhất.
Chia sẻ với tờ Business Insider, Đô đốc James Kilby, quyền Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ cho rằng phương thức này sẽ không bền vững trong các hoạt động chiến đấu có nhịp độ cao, vốn có thể nhanh chóng tiêu tốn những loại đạn dược quan trọng. Do đó, ông cho rằng Hải quân Mỹ cần có các giải pháp phòng không thay thế, giá rẻ hơn để bảo toàn kho dự trữ đạn dược quan trọng.
Từ tháng 10/2023, tại Biển Đỏ và vịnh Aden, các tàu chiến Mỹ đã bắn hạ hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái (UAV) do nhóm vũ trang Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen phóng vào các tuyến đường vận tải thương mại. Tại Đông Địa Trung Hải, dàn chiến hạm Mỹ cũng đã đánh chặn hàng loạt tên lửa đạn đạo do Iran phóng vào Israel.
Theo ông Kilby, Hải quân Mỹ đã sử dụng "lượng lớn đạn dược tiên tiến" để hỗ trợ các hoạt động trên. Ông nhấn mạnh, “mặc dù Hải quân Mỹ vẫn hoàn toàn đủ khả năng và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bất ngờ hiện nay, nhưng tốc độ và khối lượng tiêu tốn cho những vũ khí cao cấp này không nằm trong dự đoán của Hải quân cũng như ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Hậu quả là kho vũ khí đánh chặn hiệu quả nhất của Mỹ đã bị giảm và đòi hỏi phải tăng tốc độ chuyển giao đạn dược".
Các quan chức và nhà phân tích nhận định, Hải quân Mỹ cần thêm nhiều tên lửa đánh chặn tốt nhất để đối phó với những mối đe dọa lớn hơn ở Thái Bình Dương như kho tên lửa đạn đạo đang ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Một số nhà quan sát cũng bày tỏ lo ngại, các tàu chiến Mỹ đang nhanh chóng tiêu hao nhiều loại đạn dược thiết yếu mà không có kế hoạch thay thế đầy đủ.
Một trong những vũ khí quan trọng đối với Hải quân Mỹ hiện nay là tên lửa đánh chặn Standard Missile-3 hay SM-3. Loại vũ khí này có thể tiêu diệt các tên lửa tầm ngắn đến tầm trung trong giai đoạn giữa hành trình bay. Đáng nói, SM-3 còn có thể đối phó với các mối đe dọa trong không gian.
Các tàu chiến Mỹ ở Đông Địa Trung Hải đã sử dụng tên lửa SM-3 để bảo vệ Israel khỏi đòn tấn công bằng tên lửa của Iran. Không chỉ được đánh giá là tên lửa đánh chặn vô cùng hiệu quả, SM-3 còn nổi tiếng về độ đắt đỏ với mức giá từ 10 - 30 triệu USD/tên lửa.
Một tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo khác của Hải quân Mỹ là SM-6 cũng có giá khoảng 4 triệu USD/quả, phù hợp để chống lại máy bay và tên lửa hành trình cũng như phòng thủ giai đoạn cuối trước các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.
"Việc Hải quân Mỹ hiện phụ thuộc vào các tên lửa đánh chặn đắt tiền như SM-6 và SM-3 là không bền vững trong những hoạt động chiến đấu cường độ cao", ông Kilby cảnh báo. Ông nói thêm, quân đội Mỹ "phải chuyển sang sử dụng các giải pháp thay thế có chi phí thấp hơn, trong khi vẫn duy trì hệ thống phòng thủ đắt đỏ cho vũ khí chiến lược hoặc có nguy cơ thiếu hụt khi cần nhất”.
Giới lãnh đạo Hải quân Mỹ chỉ ra rằng, xung đột ở Biển Đỏ là minh chứng rõ nhất về vấn đề này. Tại đó, các tàu chiến Mỹ buộc phải phóng loạt tên lửa trị giá hàng triệu USD chỉ để tiêu diệt UAV giá rẻ của Houthi vốn chỉ có giá vài nghìn USD.
Khi xung đột ở Biển Đỏ kéo dài, Mỹ đã chuyển sang một số giải pháp thay thế có chi phí thấp hơn để bảo vệ loạt tên lửa đắt tiền. Ví dụ, trong Chiến dịch Rough Rider kéo dài nhiều tuần nhắm vào nhóm vũ trang Houthi hồi đầu năm nay, các chiến đấu cơ của Mỹ đã sử dụng tên lửa dẫn đường bằng laser giá rẻ để tiêu diệt khoảng 1/2 số UAV do Houthi phóng đi.
Cụ thể, Mỹ đã dùng hệ thống vũ khí tiêu diệt chính xác tiên tiến AGR-20A (APKWS), loại tên lửa có giá 25.000 USD/quả và rẻ hơn nhiều so với tên lửa không đối không trị giá 500.00 USD/quả hay tên lửa đánh chặn SM-2 phóng từ tàu chiến vốn có giá hơn 2 triệu USD/quả.