Hai du thuyền Hạ Long bắn pháo hoa sau vụ lật tàu Vịnh Xanh 58: Ngành du lịch phản hồi

Màn bắn pháo hoa của hai du thuyền tại Vịnh Hạ Long ngay trong đêm tìm kiếm nạn nhân vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 (19.7) khiến nhiều người bất bình.
Màn bắn pháo hoa tranh cãi của 2 du thuyền ở Hạ Long
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II Bộ VH-TT-DL (diễn ra chiều 24.7), vấn đề liên quan đến màn bắn pháo hoa gây tranh cãi của 2 du thuyền tại Vịnh Hạ Long (Ambassador Cruise và Sea Octopus) trong buổi tối 19.7, cùng ngày vụ lật tàu Vịnh Xanh 58, đã được đưa ra bàn luận.
Cụ thể, sau khi tàu Vịnh Xanh 58 chìm trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vì giông lốc vào chiều 19.7, lực lượng chức năng, đội cứu hộ và đông đảo người dân đã tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn. Tối 19.7, khi đội cứu hộ vẫn đang vật lộn tìm kiếm trên vịnh và còi xe cứu thương vang inh ỏi trên đường phố, thì ngay gần đó, 2 du thuyền vẫn bắn pháo hoa và bật nhạc.
Vụ việc gây chú ý trên không gian mạng khi nhiều du khách đã chụp ảnh, livestream màn bắn pháo hoa. Nhiều người bất bình cho rằng màn bắn pháo hoa của 2 du thuyền là "vô cảm", "không thể chấp nhận". Đến ngày 20.7, cả 2 đại diện du thuyền phát đi thông báo xin lỗi, cam kết rà soát quy trình nội bộ, đặc biệt là khâu trao đổi thông tin khẩn cấp, đồng thời gửi lời xin lỗi tới cộng đồng và cam kết đồng hành cùng gia đình nạn nhân.
Chia sẻ tại họp báo, ông Phạm Văn Thủy, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nêu quan điểm: "Ông cha ta đã có câu 'Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn', hay 'Thương người như thể thương thân'. Cùng là con người với nhau, khi trải qua đau thương, có thể nói trên góc nhìn nào đó, hành động này (việc 2 du thuyền bắn pháo hoa) là không thể chấp nhận được".
Ông Phạm Văn Thủy phân tích thêm: "Nếu chúng ta tổ chức đám cưới, mà gia đình nhà bên cạnh có đám tang, thì tất nhiên chúng ta phải 'giảm nhẹ' khâu tổ chức cho phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở kinh doanh, người đứng đầu tổ chức chương trình, cần nêu cao trách nhiệm của cả các hành khách".
"Chúng ta cần giải pháp tuyên truyền với các cơ sở kinh doanh du lịch, yêu cầu giải pháp, trách nhiệm với các tour hành khách để đảm bảo tuyệt đối an toàn, đảm bảo hòa hợp với văn hóa địa phương, với những người xung quanh. Cần suy nghĩ thêm về góc nhìn của những người vì niềm vui cá nhân mà làm tổn thương đến người khác. Ngành du lịch nhận thức sâu sắc và tin rằng chúng ta cần nâng cao trách nhiệm giáo dục, tuyên truyền hơn nữa", ông Phạm Văn Thủy nói thêm.
Nâng cao công tác cảnh báo thiên tai
Như Thanh Niên đã đưa tin, lúc 12 giờ 55 ngày 19.7, tàu du lịch Vịnh Xanh 58, số hiệu QN-7105, xuất bến từ cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, chở theo 46 hành khách và 3 thuyền viên, tham quan vịnh Hạ Long theo tuyến số 2.
Khi đến khu vực phía đông hang Đầu Gỗ, vào khoảng 13 giờ 30, một trận giông lốc mạnh kèm mưa đá, sấm sét bất ngờ xuất hiện, khiến con tàu bị lật úp hoàn toàn. Tất cả những người có mặt trên tàu bị nhấn chìm xuống biển. Hậu quả, 37 người thiệt mạng và còn 2 người nữa vẫn mất tích.
Tỉnh Quảng Ninh đã huy động gần 350 người và gần 50 phương tiện đường thủy, bao gồm lực lượng bộ đội biên phòng, quân đội, công an tỉnh, cảnh sát biển, Hải quân Vùng 1… phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.
Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy chia sẻ: "Công tác cảnh báo, khuyến cáo và đảm bảo an toàn cho du khách luôn được triển khai theo các khía cạnh: phòng ngừa, chủ động ứng phó kịp thời và khắc phục theo nguyên tắc 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Sau sự cố ở Quảng Ninh, lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã họp trực tuyến, phân công trách nhiệm cho mỗi cán bộ phụ trách từng khu vực. Bộ VH-TT-DL cũng ra công điện chỉ đạo quyết liệt để Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và các bộ ban ngành phối hợp xử lý vấn đề".