'Hà Nội nên triển khai làm việc tại nhà hai ngày mỗi tuần'

Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng, hạ tầng đô thị quá tải, môi trường sống ở các thành phố lớn ngày càng ô nhiễm, việc triển khai một chính sách tiết kiệm năng lượng và cải thiện chất lượng sống là yêu cầu cấp thiết. Một đề xuất từng được áp dụng thử nghiệm trong giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 – làm việc và học tập trực tuyến – nay lại được đặt lên bàn thảo luận với một cách tiếp cận mới: duy trì làm việc, học tập tại nhà hai ngày mỗi tuần trên diện rộng.
Ý tưởng tưởng chừng đơn giản này, nếu triển khai hợp lý, có thể mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế, giao thông, môi trường, sức khỏe cộng đồng, thậm chí cả tăng năng suất lao động. Đặc biệt với một đô thị như Hà Nội – nơi hội tụ hầu hết các vấn đề đô thị hóa nóng – bài toán này càng đáng được cân nhắc một cách nghiêm túc.
Với dân số khoảng 8,5–8,8 triệu người, Hà Nội hiện là thành phố đông dân thứ hai cả nước, chỉ sau TP HCM. Trong số này, khoảng 4,5–5 triệu người tham gia giao thông hằng ngày để đi làm, đi học, vận chuyển hàng hóa, cung cấp dịch vụ vận tải, du lịch, nhu cầu cá nhân khác... Riêng số lượng xe máy đã vượt con số 6 triệu chiếc (số liệu từ CSGT Hà Nội). Với số lượng xe máy xăng, dầu tham gia giao thông mỗi ngày và tính 5 ngày làm việc, mỗi người điều khiển một xe thì sẽ có khoảng 15-20 triệu xe tham gia giao thông.
Nếu giả định: mỗi xe máy tiêu hao trung bình 0,5 lít xăng/ngày (tương đương 2 lượt đi và về quãng ngắn trong nội đô); mức giá xăng RON 92 trung bình hiện nay khoảng 20.000 đồng/lít; người dân sử dụng xe máy đi lại trung bình 5–6 ngày/tuần, thì tổng mức tiêu hao nhiên liệu cho riêng xe máy mỗi ngày có thể lên đến: 3 triệu lít xăng/ngày, tương đương 60 tỷ đồng.
Nếu duy trì làm việc, học tập tại nhà 2 ngày/tuần, giả sử lượng phương tiện tham gia giao thông giảm khoảng 5 triệu xe (không tính những trường hợp cần di chuyển thiết yếu), thì tổng lượng xăng tiết kiệm sẽ là: 2,5 triệu lít xăng/ngày; tương đương 50 tỷ đồng/ngày. Từ giả định trên cho thấy tổng chi phí nhiên liệu tiết kiệm được có thể lên đến hơn 5.200 tỷ đồng mỗi năm chỉ riêng với Hà Nội. Đây là con số cực kỳ lớn, chưa kể hiệu ứng giảm chi phí y tế do giảm ô nhiễm không khí, giảm tai nạn giao thông và một số hiệu ứng tích cực khác.
>> 4 bước giải bài toán cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 Hà Nội
Không chỉ tiết kiệm chi phí xăng dầu, việc giảm khoảng 60–65% lưu lượng xe máy trong 2 ngày cao điểm (thứ hai và thứ sáu mỗi tuần) sẽ giúp: giảm ùn tắc tại các tuyến phố trọng điểm (Trường Chinh, Giải Phóng, Láng, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Tây Sơn...); giảm ô nhiễm bụi mịn PM2.5 – vốn đang vượt ngưỡng nhiều ngày/năm ở Hà Nội; giảm tai nạn giao thông (đặc biệt vào giờ cao điểm; tăng hiệu quả lưu thông của các phương tiện công cộng và xe cứu thương, xe chở hàng hóa thiết yếu.
Nghiên cứu từ Viện Quy hoạch và Phát triển Giao thông (2023) cho thấy, nếu mỗi ngày giảm 1 triệu xe máy lưu thông sẽ giúp nồng độ PM2.5 giảm khoảng 8–10% ở trung tâm Hà Nội. Nếu giảm tới 5 triệu xe trong 2 ngày, tác động tích cực lên chất lượng không khí là rất đáng kể.
Ngoài tiết kiệm chi phí xăng dầu, Hà Nội còn có thể đạt được những lợi ích sâu rộng như: giảm chi phí y tế: Theo WHO, ô nhiễm không khí tại đô thị lớn như Hà Nội gây ra thiệt hại y tế tương đương 1–1,5% GDP/năm; tăng thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, góp phần cải thiện sức khỏe và năng suất làm việc; tiết kiệm chi phí xã hội gián tiếp như: hao mòn phương tiện, mất mát trong tai nạn giao thông, tiêu hao năng lượng điện, xăng dầu ngoài giờ hành chính.
Dù mang lại lợi ích lớn, việc triển khai làm việc, học tập tại nhà 2 ngày/tuần không đơn giản. Một số thách thức bao gồm: hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng đều (đặc biệt ở cấp cơ sở, trường học vùng ven); một số dịch vụ thiết yếu không thể gián đoạn (y tế, hành chính một cửa, an ninh...); tâm lý e ngại thay đổi mô hình quản lý truyền thống; khó kiểm soát chất lượng làm việc từ xa nếu không có công cụ đánh giá phù hợp. Tuy nhiên, nhiều quốc gia và doanh nghiệp đã vượt qua trở ngại này nhờ chính sách linh hoạt và lộ trình rõ ràng:
Phân nhóm đối tượng áp dụng: Công chức, viên chức làm việc tại nhà 2 ngày cố định mỗi tuần theo kế hoạch của từng sở, ngành; học sinh học online theo cấp học hoặc khu vực vào thứ hai, thứ sáu; doanh nghiệp tư nhân khuyến khích linh hoạt làm việc từ xa, có thể khen thưởng nếu tổ chức hiệu quả.
Đầu tư hạ tầng số và bảo mật: Mở rộng hệ thống phần mềm họp, ký văn bản điện tử liên thông; cung cấp hỗ trợ kỹ thuật từ cấp Sở TT&TT tới phường, xã; ban hành hướng dẫn đảm bảo an toàn thông tin khi làm việc tại nhà.
Cơ chế giám sát - đánh giá chất lượng: Định kỳ đánh giá năng suất, hiệu quả làm việc từ xa; khen thưởng cơ quan, đơn vị triển khai tốt; xử lý nghiêm các đơn vị hình thức hoặc không bảo đảm tiến độ.
Lộ trình thí điểm và nhân rộng: Có thể tiến hành tại khu vực trung tâm, nhiều cơ quan công sở, trường đại học (trong vành đai 2). Sau sáu tháng, đánh giá kết quả và nhân rộng theo khu vực; lồng ghép vào kế hoạch hành chính công và mục tiêu chuyển đổi số của thành phố.
Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã có mô hình "telework" rất thành công: Nhật Bản khuyến khích các công ty cho nhân viên làm việc từ xa mỗi thứ sáu để giảm tải hạ tầng nội đô Tokyo. Singapore tích hợp mô hình "Work-from-home Wednesdays" nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm áp lực giao thông và tăng sức khỏe tinh thần. Sau dịch Covid-19, tỷ lệ nhân viên văn phòng làm việc từ xa một, hai ngày mỗi tuần ở Hàn Quốc luôn duy trì trên 40%. Việt Nam, cụ thể là thủ đô Hà Nội, TP HCM hoàn toàn có thể học hỏi và điều chỉnh linh hoạt mô hình phù hợp với đặc điểm dân cư và hạ tầng số.
Tôi cho rằng, đây không chỉ là một giải pháp giảm tải giao thông hay tiết kiệm nhiên liệu. Đó là bước đi chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số, phát triển đô thị xanh, nâng cao chất lượng sống đô thị. Với các con số tính toán rõ ràng, lợi ích kinh tế – xã hội cụ thể và tính khả thi ngày càng cao, đây là một chính sách hoàn toàn có cơ sở để thí điểm, đánh giá và triển khai rộng khắp trong tương lai gần.
>> 'Đã đến lúc người Việt dừng đánh cược mạng sống trên xe máy'
Hạn chế xe máy chạy xăng, dầu tại Hà Nội sắp tới đây là một giải pháp có tính đột phá, thể hiện mạnh mẽ, quyết liệt về bảo vệ môi trường đô thị. Để giải pháp này đem lại hiệu quả tốt nhất, giảm số lượng xe lưu thông là một vấn đề cần cân nhắc vì giúp: giảm phát thải tại chỗ, giảm bụi mịn, tiếng ồn nội đô; giảm áp lực lên kết cấu hạ tầng giao thông; tăng hiệu quả các phương tiện công cộng và khẩn cấp.
Chính sách làm việc, học tập tại nhà hai ngày mỗi tuần có thể: thí điểm nhanh, không cần đầu tư hạ tầng vật lý lớn, gắn với chuyển đổi số - là mục tiêu đã được Trung ương, Chính phủ xác định; đo lường kết quả và nhân rộng theo từng khu vực, ngành nghề.
Tóm lại, để giải bài toán giảm ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, nếu như áp dụng giải pháp điều chỉnh mô hình làm việc, học tập để giảm lưu thông xe , thì giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả cao và phù hợp hơn nhiều trong ngắn - trung hạn.
Trong khi chờ đợi hạ tầng năng lượng, cơ chế hỗ trợ tài chính đủ mạnh và thói quen sử dụng xe điện phổ biến, thì chính sách giảm lưu thông bằng cách tổ chức lại mô hình làm việc, học tập là hoàn toàn khả thi, tiết kiệm ngay hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm và góp phần thiết thực vào mục tiêu giảm ô nhiễm, phát triển đô thị xanh, chuyển đổi số.
Vinh Quang