Hà Nội có phố mới mang tên nhà văn từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam

TPO - Thành phố Hà Nội sẽ đặt tên 38 tuyến đường, phố mới, trong đó có phố Học Phi (phường Yên Hòa, đoạn từ ngã ba giao phố Vũ Phạm Hàm đến ngã ba giao phố Xuân Quỳnh). Phố Học Phi được đặt theo tên của nhà văn, nhà viết kịch Học Phi - cha của nhà văn Chu Lai.
Tại kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết về việc đặt tên, đổi tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn Hà Nội năm 2025.
Thành phố sẽ đặt tên 38 tuyến đường, phố mới, trong đó có phố Học Phi (phường Yên Hòa, đoạn từ ngã ba giao phố Vũ Phạm Hàm đến ngã ba giao phố Xuân Quỳnh).
Phố Học Phi được đặt theo tên của nhà văn, nhà viết kịch Học Phi - cha của nhà văn Chu Lai. Nhà văn Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, bút danh là Tú Văn. Ông sinh năm 1913 tại Hưng Yên.
![]() |
Nhà văn Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, bút danh là Tú Văn. |
Năm 14 tuổi, ông tham gia cách mạng và từng bị thực dân Pháp giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò vào năm 1933. Tại đây, ông tập tành viết văn.
Tác phẩm đầu tay của ông có tên Hai làn sóng ngược, sau đổi thành Xung đột. Ông cũng viết các tiểu thuyết Ðắm tàu, Dòng dõi, Yêu và thù. Năm 1943, ông chuyển sang viết kịch, với các tác phẩm Cà sa giết giặc (1946), Ngày mai (1951), Chị Hoà (1955), Lúa mùa thu (1955), Ni cô Đàm Vân (1976)... Vở Cà sa giết giặc được dàn dựng và công diễn tại Nhà hát Lớn năm 1946.
Năm 1943, nhà văn Học Phi tham gia vận động thành lập Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban lâm thời cách mạng tỉnh Hưng Yên. Sau đó, ông được điều động lên Hà Nội làm việc ở văn phòng Bộ Thông tin - Tuyên truyền.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhà văn Học Phi về phụ trách Hội Văn hóa khu II (sau là Liên khu III). Năm 1949, ông chuyển công tác sang Ban Tuyên huấn trung ương. Năm 1952, khi Ðoàn văn công nhân dân trung ương ở chiến khu Việt Bắc thành lập, ông được bổ nhiệm làm chính trị viên của đoàn.
Khi hòa bình lập lại năm 1954, nhà văn Học Phi giữ chức Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam. Ðại hội Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam lần thứ nhất năm 1957 bầu ông là Tổng Thư ký hội. Nhà văn Học Phi giữ vị trí này cho đến lúc về hưu.
![]() |
Đại gia đình nhà văn Học Phi. |
Ông từng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt đầu tiên, huân chương Ðộc lập hạng nhất và huy hiệu 80 năm tuổi Ðảng. Ở tuổi 90, ông vẫn viết kịch bản phim. Bộ phim Minh Nguyệt do ông viết kịch bản đã giành giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan truyền hình toàn quốc.
Nhà văn Học Phi qua đời năm 2014, thọ 102 tuổi.