GS.TS Furuta Motoo ra mắt sách kết tinh nửa thế kỷ nghiên cứu về Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 18/7, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức lễ ra mắt cuốn sách "Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản" của GS.TS Furuta Motoo.
GS Furuta Motoo hiện là Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật - Việt, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội), là một nhà nghiên cứu kỳ cựu, thông thạo tiếng Việt.
Bắt đầu hành trình học thuật từ cuối thập niên 1960, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, ông đã chọn Cách mạng tháng Tám 1945 làm đề tài luận văn tốt nghiệp.
Gần nửa thế kỷ sau, ông trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về Việt Nam học tại Nhật Bản, với nhiều công trình nghiên cứu được xuất bản tại Việt Nam.
PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - cho biết, Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản là thành quả của hơn 50 năm nghiên cứu và gắn bó sâu sắc với Việt Nam của GS Furuta Motoo.
Theo ông, tác phẩm không chỉ đề cập toàn diện đến các vấn đề về lịch sử, thể chế chính trị, kinh tế - xã hội của Việt Nam, mà còn tái hiện sống động đời sống thường nhật của người dân qua góc nhìn học thuật kết hợp với trải nghiệm cá nhân của một học giả nước ngoài.
“Cuốn sách được xuất bản vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, trong bối cảnh hai nước đang là "đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới".
Đây không chỉ là một công trình khoa học công phu, mà còn là biểu tượng sống động cho mối quan hệ hữu nghị bền chặt và chân thành giữa hai quốc gia”, ông Lâm nhấn mạnh.
Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản, dựa trên bản tiếng Nhật Kiến thức cơ bản về Việt Nam (2017), được ông viết lại với sự hỗ trợ của các nhà sử học Việt Nam như GS Vũ Minh Giang, GS Nguyễn Văn Khánh, GS Phạm Hồng Tung, để phù hợp hơn với độc giả Việt.
Cuốn sách gồm 10 chương, bao quát toàn diện các khía cạnh lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, và quan hệ đối ngoại của Việt Nam từ thời dựng nước đến cuối thập niên 2010.
Người đọc được dẫn dắt qua những vùng đất đặc trưng như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Đông Nam Bộ, hay các đô thị tiêu biểu như Hà Nội, Huế, TPHCM, được mô tả sống động qua cảm quan và trải nghiệm thực tế của tác giả.
Không dừng ở các sự kiện vĩ mô như lịch sử dựng nước, kháng chiến chống ngoại xâm, hay phát triển kinh tế - xã hội, cuốn sách còn đi sâu vào đời sống thường nhật của người Việt, từ tín ngưỡng, ngôn ngữ, đến văn hóa giao tiếp.
Điểm đặc biệt khiến cuốn sách cuốn hút là cách GS Furuta Motoo kết hợp nghiên cứu hàn lâm với những câu chuyện đời thường. Cách tiếp cận “từ dưới lên” của GS Furuta Motoo giúp lý giải các đặc trưng xã hội Việt Nam.
Đặc biệt, chương cuối tập trung vào quan hệ Việt - Nhật, từ giao lưu thời phong kiến, qua giai đoạn chiến tranh thế kỷ 20, đến hợp tác toàn diện hiện nay, thể hiện thiện chí và chiều sâu tư duy của tác giả.
GS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá cao công trình này.
“Lần đầu tiên tôi thấy một người nước ngoài viết về Việt Nam chân thành và sâu sắc đến vậy. Cả cuốn sách là những trang viết công phu và hấp dẫn với bút pháp khá độc đáo.
Viết về lịch sử Việt Nam, với những biến chuyển phong phú, sinh động, giàu bản sắc và cũng hết sức phức tạp, là việc cực khó, ngay cả với học giả Việt Nam có kinh nghiệm lâu năm”, ông nhận xét.
Theo ông, cách tiếp cận liên ngành, kết hợp quan sát thực tiễn và phân tích chuyên sâu, mang lại góc nhìn mới mẻ, giàu cảm xúc và giá trị học thuật.
Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, ông Ito Naoki, khẳng định, việc xuất bản ấn bản tiếng Việt lần này là một dịp đặc biệt ý nghĩa, giúp người dân Việt Nam có cơ hội nhìn lại đất nước mình từ một góc nhìn mới - thông qua lăng kính của một học giả Nhật Bản giàu trải nghiệm.
Theo ông, cuốn sách không đơn thuần tái hiện Việt Nam dưới góc nhìn một chiều, mà mang đến những gợi mở sâu sắc để độc giả tiếp cận và hiểu Việt Nam một cách đa chiều, dựa trên bối cảnh lịch sử và xã hội cụ thể.
“Từ khi nhận nhiệm vụ tại Việt Nam vào năm ngoái và được GS Furuta tặng cuốn sách này, tôi đã nhận được vô số gợi ý sâu sắc từ nội dung tác phẩm. Không chỉ người Việt Nam, mà nhiều độc giả Nhật Bản cũng đã có cơ hội hiểu biết sâu rộng hơn về đất nước và con người Việt Nam thông qua cuốn sách này”, Đại sứ Ito Naoki chia sẻ.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một người nước ngoài, có một số phân tích, nhận định, đánh giá của GS Furuta Motoo về những sự kiện, vấn đề chính trị, lịch sử, nhân vật lịch sử mang ý kiến chủ quan, khác với quan điểm chính thống ở Việt Nam. Một số dữ liệu, sự kiện lịch sử dựa theo tư liệu sưu tầm của tác giả, chưa hoàn toàn chính xác.
Tôn trọng tác giả và để bạn đọc có thêm tài liệu trong việc tham khảo, nghiên cứu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cố gắng giữ nguyên một số ý kiến của tác giả và khẳng định những ý kiến đó không phản ánh quan điểm của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Cuốn sách không chỉ cung cấp tri thức, mà còn truyền cảm hứng về sự hiểu biết, lòng kính trọng và tình hữu nghị giữa các dân tộc; là một “cây cầu tri thức”, được xây bằng trải nghiệm, tấm lòng, và sự trân trọng của một học giả Nhật Bản dành cho đất nước Việt Nam.