Góc khuất bi ai chuyện diễn viên trầy trật, bị doạ đánh khi đòi nợ cát-sê

Bị quỵt cát-sê, nhiều diễn viên đến công ty đòi lại bị xúc phạm, chửi bới, thậm chí dọa đánh. Một số người từng suy nghĩ bỏ nghề vì lâm cảnh bế tắc.
Với nhiều diễn viên, gặp phải sự cố quỵt cát-sê, nợ lương như “chuyện thường ngày ở huyện”, không còn cách nào khác ngoài việc ngậm ngùi chấp nhận. Nhiều người có chung sự bức xúc nhưng đều lắc đầu ngao ngán bởi vụ việc đã tồn tại bao nhiêu năm vẫn không có cách giải quyết triệt để.
Muôn kiểu quỵt cát-sê, nợ lương
Một nhà làm phim chia sẻ với VietNamNet giữa diễn viên và đơn vị sản xuất thường ký kết một bản hợp đồng trước khi làm việc.
Tùy theo thỏa thuận giữa đôi bên, người lao động sẽ nhận được tỷ lệ % tiền lương tương ứng ở từng giai đoạn tiền kỳ, sản xuất và hậu kỳ.
Thông thường với 1 bộ phim truyền hình, diễn viên nhận khoảng 10% phí cát-sê cho lần thanh toán đầu tiên, sau đó tăng dần 20-30% cho tới khi phim đóng máy.
Do kinh phí phim truyền hình không nhiều nên quá trình thanh toán có thể nhanh - chậm tùy tình hình từng ê-kíp.
Với mảng điện ảnh, một tác phẩm quay trong khoảng 45 ngày nên cũng được chi trả linh động phụ thuộc điều kiện kinh tế đoàn phim.
Dù hợp đồng rõ ràng là thế, phần lớn nghệ sĩ cho rằng chuyện quỵt cát-sê, xin khất nợ diễn ra khá thường xuyên trong quá trình làm việc.
Diễn viên Ngọc Lan kể các đơn vị đa phần đều đổ thừa cho nhà đài với các lý do như "Đài chưa duyệt phim", "Chậm thanh toán"... nên họ không thể trả cát-sê đúng hẹn.
“Tuy nhiên thực tế có đúng hay không là câu chuyện khác. Còn những người làm công ăn lương như chúng tôi chỉ biết kêu trời vì không biết cầu cứu ai”, Ngọc Lan nói.
Chị T - nhân viên hậu trường có thâm niên nhiều năm kể quá trình làm việc, chị không ít lần bị quỵt nợ.
Theo chị, một số đơn vị sản xuất làm ăn theo kiểu hùn vốn, khi đi nửa chặng đường vì nhiều lý do, họ tách ra giao cho người khác vào làm thay thế vai trò sản xuất.
Khi hoàn tất dự án, chị T nhắn tin xin thanh toán phần còn lại thì nhận được phản hồi: “Người đầu tư đã rút vốn, phá sản nên không còn khả năng chi trả”, hoặc vài câu hứa hẹn từ năm này qua năm khác.
Kết quả, chị mất số tiền công sức làm lụng vất vả suốt nhiều tháng ròng.
Lần khác, chị T tham gia phim M.R, công ty đầu tư phim này cũng chậm trễ tiền bạc. Khi bị đòi ráo riết, họ chuyển qua trả nhỏ giọt, sau đó giật luôn phần tiền còn lại.
Một vài người bạn của chị T thậm chí mất hàng trăm triệu vì khi lên đến nơi đòi mới biết công ty đã giải thể, niêm yết phá sản.
Một phần nguyên nhân nằm ở việc nhiều đơn vị làm ăn theo kiểu chụp giật. Không đủ mạnh về tài chính lẫn kinh nghiệm, một số nơi thua lỗ, kéo theo sự sụp đổ của chuỗi dự án, còn người lao động gồm diễn viên, trợ lý diễn viên, make up, phục trang , hiện trường... “lãnh đủ”.
Ngoài phía nhà sản xuất, không hiếm trường hợp đạo diễn giật tiền ê-kíp, nổi bật là câu chuyện của đạo diễn H.V vừa diễn ra không lâu.
Một trong số các nạn nhân của vụ việc là diễn viên Ngọc Tưởng. Vì cả nể mối quan hệ, Ngọc Tưởng chờ đợi sau lời nhắn xin khất từ đạo diễn.
Khi hỏi ra, nam diễn viên mới “tá hỏa” được biết phía công ty đã thanh toán đầy đủ tiền cho H.V, còn đạo diễn này vì nợ nần cá nhân nên đã “quỵt ngược” tiền các diễn viên.
Nhiều cá nhân khác như: Đ.N.T, H.K, D.C.L… cũng từng trầy trật gọi điện, nhắn tin xin xỏ, năn nỉ đạo diễn vì gặp phải tình cảnh tương tự.
Gian nan đòi nợ
Phần lớn các nghệ sĩ hiện nay đều dựa vào chữ tín của đơn vị sản xuất khi ký hợp đồng làm việc. Đó là chưa kể một số trường hợp vì cả tin chỉ thông qua thỏa thuận miệng, tin nhắn, bỏ qua việc ký hợp đồng, dẫn đến chuyện bị lừa, quỵt tiền mà chỉ biết im lặng.
Khi xảy ra chuyện, nghệ sĩ muốn thưa kiện càng không có bằng chứng hay cơ sở pháp lý để thực hiện.
Khó khăn, túng quẫn là thế, đa số các nghệ sĩ chọn im lặng. Có nhiều lý do để họ chọn lựa không phản kháng: Sợ kiện cáo, ồn ào rắc rối hay có người còn lo các công ty biết mình vướng pháp lý sẽ dè chừng, e ngại ngỏ lời mời đóng phim. Từ đó, họ buông xuôi và chấp nhận phần thiệt thòi.
Vì bị quỵt nợ, nhiều người lao động sống cảnh chật vật. Có trường hợp phải tìm thêm công việc tay trái như chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online… để kiếm thêm thu nhập, duy trì công việc nghệ thuật chính.
Chị T có con nhỏ đang tuổi ăn học. Khi bị giật tiền, chị gặp áp lực lo sinh hoạt phí hàng tháng, có lúc phải xin thầy cô giáo giảm tiền học phí cho các con.
"Đôi lúc chán nản muốn bỏ nghề, tôi định cùng chồng đóng xe bán ăn vặt, thu nhập không cao nhưng ít ra vẫn thu được tiền ngay, đỡ hơn bị lấy trắng trợn”, chị T ngậm ngùi kể.
Không chỉ diễn viên gạo cội, tên tuổi lâu năm, nhiều diễn viên trẻ mới ra trường cũng không thoát sự cố nghề trên.
Có người từng đến tận nơi đòi nợ lại gặp phải đơn vị côn đồ, dùng lời lẽ đe dọa, thách thức, thậm chí dọa đánh.
Diễn viên H.L tiết lộ dù bị quỵt, anh vẫn phải thanh toán đầy đủ các khoản xăng xe, trang phục, trả lương cho trợ lý.
Nam diễn viên vay mượn bạn bè, gia đình bằng mọi cách vì không muốn bị mang tiếng xấu.
“Người ta làm bậy thì dễ chứ chúng tôi không thể vì còn danh dự, đạo đức và uy tín làm nghề”, anh nói.
Theo các chuyên gia, khi các hội nghề nghiệp chưa đủ mạnh mẽ và luật chưa có nhiều điều khoản cụ thể trong việc bảo vệ quyền lợi diễn viên, chính mỗi cá nhân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ chính mình, đồng thời thể hiện rõ tinh thần đoàn kết trong giới làm phim.
Điều này góp phần đẩy lùi vấn nạn vốn âm ỉ và là bài toán nan giải trong giới suốt bao nhiêu năm nay.
Ảnh: Tư liệu