Giữ báo in trong lòng giới trẻ

TP - Những tiếng rao "Báo đây!" đã dần nhỏ lại và rồi chìm hẳn trong sự hối hả của cuộc sống công nghệ. Dù vậy, những dòng tin tức trên trang báo thơm mùi giấy vẫn sẽ có được một chỗ đứng nhất định.
Đối với bạn đọc thế hệ 7x, 8x, cảm giác chờ đợi từng tờ báo, tạp chí ra đời, cầm từng ấn phẩm thơm mùi giấy trên tay dường như vẫn còn đây. Sách in, báo in một thời không thể thiếu với giới trẻ. Nhiều ấn phẩm đã trở thành người bạn “gối đầu giường”, chắp cánh cho những ước mơ, suy tư, định hướng về cuộc sống.
Nỗi nhớ
Thuở ấy, những buổi sáng thứ 2 của đa số độc giả trẻ thường bắt đầu từ các sạp báo vỉa hè. Các bạn tuổi teen trước giờ đến trường chạy ù ra sạp, mua tờ Hoa Học Trò bỏ vào cặp, có khi cũng tranh thủ giở từng trang đọc lén. Những nữ nhân viên công sở thành thị thì chờ mua những tạp chí thời trang như Người đẹp, Sành điệu… Các anh trai mới đi làm thì sở thích đa dạng hơn: báo Pháp luật, báo Bóng đá, trang tin thời sự, ai thích gì thì mua nấy.
![]() |
Độc giả của báo Hoa Học Trò tự làm những tấm pano để mang đến hội báo năm 2001. |
Với riêng thế hệ độc giả từng gắn bó với Hoa Học Trò, chắc hẳn niềm vui sướng, hạnh phúc được cầm trên tay những ấn phẩm nhiều màu sắc vẫn còn dư âm đến bây giờ. Bằng chứng là dù 15 năm hay 30 năm trôi qua, những số báo in cũ vẫn được nhiều người xếp gọn một góc, như cất giữ "kho báu" của cả một thời thanh xuân.
Trong năm 2023, tổng lượng phát hành của 25 tờ báo lớn nhất tại Mỹ đã giảm 14% so với năm trước đó.
Từ ấn phẩm đầu tiên phát hành mỗi tháng một kỳ với số lượng vài nghìn bản, Hoa Học Trò sau này đã phát hành hàng tuần với số lượng có thời kỳ lên đến gần 20 vạn bản. Cũng từ ấn phẩm Hoa Học Trò đầu tiên, Tòa soạn đã phát triển thêm 5 ấn phẩm báo in đáp ứng mọi lứa tuổi bạn đọc. Công việc nhiều, nhưng làm báo in luôn có những khía cạnh thú vị riêng.
Có những quãng thời gian, đội ngũ biên tập viên Hoa Học Trò mỗi ngày nhận hàng ngàn bức thư các bạn học sinh gửi về, văn – thơ… đủ cả. Có những ngày trong tuần rảnh rỗi, nhưng cũng có những ngày bài vở ùn ùn đổ về, phải thức đêm để biên tập, dàn trang. Biên tập viên báo in phải nghĩ chuyên đề, phải kiếm ảnh chất lượng cao, phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về layout… Đôi khi, biên tập và thiết kế “quát” nhau chỉ vì 1 dòng chữ thừa ra, cũng là bình thường.
Sau đó là đến công đoạn tự tạo mã màu cho từng font chữ, thay một chi tiết “trang trí” như hình chiếc kẹp ghim, chiếc ngòi bút lên tấm ảnh cho vui mắt hơn, kiểm tra chính tả cho kịp chuyển đi nhà in... Chỉ khi ấy, ai nấy mới về nhà, ngủ một giấc thật say để 2 hôm sau, nâng niu tờ tạp chí mới trong tay. Chưa kịp tự hào về “đứa con tinh thần”, có thể đã phải bỏ tiền túi ra mua một vài tờ báo mang tặng nhân vật, bạn bè. Ấy vậy mà vui lắm!
Theo nghiên cứu từ Pew Research Center, phần lớn độc giả hiện nay vẫn tin rằng báo in cung cấp thông tin đáng tin cậy hơn so với các nguồn trực tuyến.
Niềm tin
Rồi cũng đến lúc, độc giả của báo in sụt giảm nghiêm trọng trong thời đại số. Trước sự “lôi kéo” khó cưỡng của thiết bị công nghệ, những “người bạn” bằng giấy dường như tĩnh lặng so với hình ảnh chuyển động liên tục của video tóm tắt hay âm thanh sách nói. Thậm chí, thay vì đọc một bài báo từ đầu đến cuối, người trẻ hiện có thể dùng chatbot hoặc phần mềm AI để "truy vấn nhanh" các ý chính, thông tin cốt lõi...
Dù vậy, báo in chưa từng biến mất khỏi cuộc sống, nó chỉ không còn giống như trước. Gần đây, nhiều dự án số hóa nội dung sách in, báo in đã chứng minh sức sống mạnh mẽ của văn hóa đọc khi được đặt đúng chỗ. Các kênh như Hẻm Radio, Better Version… đã đưa văn hóa đọc trở lại bằng giọng đọc đầy cảm xúc, gần gũi.
Nền tảng TikTok cũng chứng kiến sự nổi lên của trào lưu #BookTok - nơi thế hệ Z chia sẻ cảm nhận về sách, truyện, thơ một cách sáng tạo. Nhiều nhà xuất bản và tòa soạn đã thử nghiệm đưa sách in, báo in lên nền tảng podcast, tổ chức giao lưu qua livestream, tạo fanpage tương tác...
Văn hóa đọc còn, là báo in vẫn tồn tại, ở sâu dưới lớp bề mặt ồn ào đó. Nó vẫn hiện hữu trong những người lặng lẽ đọc tờ báo giữa một quán cà phê đông người, trong tiếng lật trang khe khẽ trên xe buýt, trong những góc nhỏ của sân bay, khách sạn... nơi các kệ báo vẫn hiện diện.
Trong thời điểm mà văn hóa đọc tại Việt Nam đang “chuyển mình” trên cả hai chiều: mở rộng phổ tiếp cận và đối mặt với sự phân hóa sâu sắc, việc chúng ta nghe audio news hay đọc một trích đoạn trên mạng xã hội… rồi sau đó tìm đến các trang báo giấy để hiểu sâu hơn, đọc phân tích kỹ hơn, vẫn rất khả thi.
Nói cách khác, ai biết cách khai thác công nghệ để phục vụ cho “đọc sâu”, người đó sẽ chiến thắng. Thêm một chút sáng tạo, kèm một chút kiên nhẫn, những người làm báo in hoàn toàn có thể khiến cho văn hóa đọc trở thành một phần tự nhiên trong hành trình số của giới trẻ. q