Nhảy đến nội dung
 

Giáo sư trẻ với 3 câu hỏi lớn

Tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 6, năm 2025, GS Nguyễn Nhật Nguyên, công tác tại Viện Kinh doanh Rouen, trực thuộc Đại học đa ngành Rouen Normandy (Pháp), đã có phát biểu đầy ấn tượng và truyền cảm hứng.

Phát biểu tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 6, GS Nguyễn Nhật Nguyên cho biết, toàn bộ hành trình của anh, từ những ngày đầu ở Việt Nam cho đến khi trở thành một giáo sư tại Pháp, được định hình và dẫn dắt bởi 3 câu hỏi lớn mang tính hiện sinh. Chúng nảy sinh từ những xung đột văn hóa, những khủng hoảng căn tính và trở thành động lực để anh không chỉ tìm ra con đường cho riêng mình mà còn xác lập một sứ mệnh lớn hơn.

Câu hỏi đầu tiên: Tôi là ai?

"Câu hỏi này đã theo tôi từ thủa bé. Xuất thân từ một gia đình trí thức nghèo, sống trong khu lao động nhưng lại học chung với các bạn nhà có điều kiện, tôi đã phải đối mặt với lựa chọn để thích nghi giữa hai môi trường văn hóa: lao động chân tay và lao động trí thức. Xung đột đó tiếp tục khi lên đại học, là sự đối lập giữa sinh viên tỉnh lẻ và sinh viên thành phố, và lên đến đỉnh điểm khi tôi đến Pháp, trở thành một người nhập cư, giữa dòng người bản địa", anh Nguyên chia sẻ.

Anh Nguyên cho biết, những xung đột liên tiếp này gây ra cho anh những cuộc khủng hoảng hiện sinh, nhưng cũng chính nó đã thôi thúc anh biến trải nghiệm của mình thành đề tài nghiên cứu.

"Tôi bắt đầu sự nghiệp học thuật bằng việc nghiên cứu về khủng hoảng căn tính của giới trẻ Việt Nam sau đổi mới. Tôi nhận ra rằng sự thay đổi quá nhanh của xã hội đã tạo ra một thế hệ phải đối mặt với việc lựa chọn giữa lối sống hiện đại phương Tây và nề nếp truyền thống.

Từ đó, tôi phát hiện ra "chiến lược lai ghép văn hóa": các bạn trẻ thể hiện sự hiện đại ở môi trường chuyên nghiệp, nhưng khi về nhà với gia đình lại quay về với lối sống truyền thống. Từ nghiên cứu đó, tôi học được chiến lược cho chính mình: về bản chất, tôi là người Việt Nam, nhưng trong giao tiếp xã hội, tôi sẽ học cách giao tiếp và suy nghĩ như người bản xứ", anh Nguyên chia sẻ.

Câu hỏi thứ hai: Tôi làm gì ở nơi này?

"Câu hỏi này trở nên rõ ràng khi tôi đối mặt với sự thờ ơ của giới học thuật phương Tây. Khi tôi đề xuất nghiên cứu về K-pop ở Việt Nam, các giáo sư Pháp cho rằng đó chỉ là sản phẩm đạo nhái và thị trường Việt Nam quá nhỏ để bàn một cách khoa học. Sự xem nhẹ đó không làm tôi nản lòng, mà ngược lại, nó cho tôi một câu trả lời chắc chắn. Tôi có một niềm tin vững chắc về việc chứng minh họ đã sai", anh Nguyên nói.

Anh Nguyên quyết định dùng chính triết học phương Đông, đặc biệt là Thiền tông, làm lăng kính để diễn giải lại các lý thuyết phương Tây, chỉ ra những điểm mù và sự sai lệch trong góc nhìn của họ về văn hóa phương Đông. Công trình nghiên cứu tiến sĩ của anh đã thành công, không chỉ thuyết phục được các vị giáo sư mà còn giúp anh nhận ra sứ mệnh của mình.

"Tôi chọn đưa ra tiếng nói về văn hóa của người dân ở những nước đang phát triển đến với phương Tây. Đồng thời, tôi cũng đã ra sức chỉnh lại cách nhìn sai lệch của giới học thuật phương Tây về phương Đông nói chung và về Việt Nam nói riêng", anh chia sẻ.

Câu hỏi thứ ba: Tôi phải làm thế nào?

Anh Nguyên cho biết, câu hỏi này xuất hiện khi anh bước vào môi trường làm việc tại Pháp. Một đồng nghiệp khuyên anh rằng để sống sót, anh nên "hành xử như một người châu Á", ngoan ngoãn, không phản kháng. 

"Tôi đã nghe lời, nhưng chỉ một nửa. Tôi không phản kháng bằng lời nói, nhưng dùng các công trình khoa học và các buổi hội thảo để thể hiện tiếng nói của mình", anh bật mí.

Đồng thời, anh quyết định đối mặt trực diện bằng cách tham gia một trong những kỳ thi công chức khó nhất nước Pháp. Sau hơn 6 tháng với 4 vòng thi, anh đã trở thành người Việt Nam đầu tiên đỗ kỳ thi này, chứng minh rằng mình có thể cạnh tranh sòng phẳng trên chính lĩnh vực của họ.

"Toàn bộ hành trình đó giúp tôi nhận ra rằng tri thức không chỉ để hiểu biết. Nó là một công cụ để khẳng định một vị thế", anh nói.

Đặc biệt, cuối bài phát biểu của mình, anh chia sẻ, để vượt qua tất cả những khó khăn, áp lực, anh luôn tìm về sự bình tĩnh trong triết lý của Phật hoàng Trần Nhân Tông, một kim chỉ nam giúp anh đối diện với mọi hoàn cảnh. Đó là lời dạy: "Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, cơ tắc san hề, uốn tắc miên" (ở đời vui với đạo hãy thuận theo duyên, đói thì ăn, mệt thì ngủ).

"Nghĩa là, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cần giữ sự bình tĩnh để có thể đối phó với khủng hoảng. Hành trình của tôi là hành trình trả lời 3 câu hỏi đó, là sự lựa chọn để đóng góp cho cộng đồng học thuật, cho quê hương và để giúp người Việt Nam được hiểu đúng hơn trên trường quốc tế", anh chia sẻ.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn