Giải pháp gắn kết nhà trường, nhà nước và doanh nghiệp

Hội thảo tăng cường giải pháp về vai trò của giáo dục đào tạo trong nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với mô hình gắn kết 3 nhà: nhà trường – nhà nước – doanh nghiệp.
Chiều 24.7, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long (VLUTE) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Vai trò của GD-ĐT trong nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với mô hình gắn kết 3 nhà: nhà trường - nhà nước - doanh nghiệp".
Tham dự có lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Vĩnh Long, An Giang, các công ty, doanh nghiệp và các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo nhằm triển khai hiệu quả tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Ban Chấp hành Trung ương về "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước", Nghị quyết số 03/NQ-CP năm 2025 của Chính phủ và Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 18.2.2025 của Tỉnh ủy Vĩnh Long.
Phát biểu khai mạc, PGS-TS Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu trưởng VLUTE, cho biết chúng ta đang đứng trước những chuyển động lớn lao của thế giới – nơi mà tri thức, công nghệ và sáng tạo trở thành nền tảng cho mọi sự phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, quá trình chuyển đổi số quốc gia, cùng với những biến động toàn cầu về kinh tế, lao động và môi trường đã đặt ra cho chúng ta – những người làm giáo dục, quản lý và sản xuất – những thách thức chưa từng có, đồng thời mở ra những cơ hội vô giá nếu chúng ta biết nắm bắt, biết liên kết và cùng hành động.
"Trong bối cảnh ấy, 3 nhà: nhà trường - nhà nước - doanh nghiệp không chỉ là 3 trụ cột tách biệt, mà còn là 3 bánh răng gắn kết chặt chẽ, cùng vận hành trong một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Việc kết nối 3 nhà không còn là lựa chọn, mà là đòi hỏi tất yếu của thời đại. Nếu không bắt tay hợp tác một cách thực chất, có chiều sâu và lâu dài, thì cả 3 đều sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu", PGS-TS Nguyễn Thanh Tùng nói.
Tại hội thảo, thông qua các tham luận và thảo luận, đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ quan điểm, thực tiễn và đề xuất giải pháp cụ thể cho việc gắn kết hiệu quả trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; Vai trò quản lý nhà nước trong công tác, dự báo, định hướng đào tạo nhân lực, quản lý khoa học, chiến lược phát triển đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hướng đến phát triển bền vững, các chính sách và cơ chế hỗ trợ; Sự tham gia của cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo sinh viên các lĩnh vực trọng yếu, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; các công ty, doanh nghiệp tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng lực lượng lao động hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh và tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của vùng và cả nước.