Ghép thận mang theo ký sinh trùng, 2 người đàn ông nhập viện gấp

![]() |
Những nốt bang do giun ký sinh để lại trên bụng bệnh nhân. Ảnh: 2025 Massachusetts Medical Society. |
Hai bệnh nhân sống ở khu vực Đông Bắc nước Mỹ đã nhiễm giun ký sinh sau khi được ghép thận từ cùng một người hiến. Trường hợp hiếm gặp này được đăng tải trên Tạp chí Y học New England (NEJM).
Bệnh nhân đầu tiên là một người đàn ông 61 tuổi sống tại vùng Boston, mắc bệnh thận giai đoạn cuối và được ghép thận. Tuy nhiên, 10 tuần sau phẫu thuật, ông trở lại bệnh viện trong tình trạng mệt mỏi, nôn ói, đau bụng, đau lưng, khát nước dữ dội và sốt cao.
Do bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sau ca ghép, các bác sĩ phải mở rộng phạm vi chẩn đoán để tìm nguyên nhân gây nhiễm trùng.
Tình trạng bệnh nhân nhanh chóng xấu đi. Ông bị suy hô hấp và được chuyển đến khoa hồi sức tích cực (ICU). Tại đây, các bác sĩ phát hiện một vùng phát ban màu tím lan rộng trên bụng. Kết quả xét nghiệm máu ghi nhận bạch cầu ái toan (dấu hiệu liên quan đến nhiễm ký sinh trùng) tăng cao. Sinh thiết phổi và da vùng phát ban cho thấy hình ảnh ấu trùng giun với phần đầu tròn và đuôi nhọn, đặc trưng của loài giun tròn Strongyloides.
Bác sĩ Camille Kotton, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và cấy ghép nội tạng, cho biết xét nghiệm sau ghép xác nhận người hiến thận có huyết thanh dương tính với Strongyloides. Điều này chứng minh ca nhiễm ký sinh trùng là do nguồn lây từ người hiến tạng.
Người thứ hai là một bệnh nhân 66 tuổi sống tại Albany, New York, được ghép quả thận còn lại từ cùng người hiến. Nhờ thông tin kịp thời từ nhóm điều trị của bệnh nhân đầu tiên, người này nhanh chóng được chẩn đoán và điều trị ngay khi có dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng.
Cả hai bệnh nhân đều được dùng thuốc điều trị giun sán, bao gồm ivermectin và albendazole. Dù từng trải qua sốc và suy hô hấp, người đàn ông đầu tiên hiện đã ổn định chức năng thận. Trong khi đó, người thứ hai hồi phục nhanh chóng và vẫn duy trì sức khỏe tốt.
Loài giun tròn Strongyloides thường tồn tại ở những vùng có khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, đặc biệt phổ biến tại Đông Nam Á, châu Phi, Nam Mỹ và một số bang miền Nam nước Mỹ. Ấu trùng của chúng có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da, thường là khi tiếp xúc với đất bị ô nhiễm phân.
Điều đặc biệt ở Strongyloides là chúng có thể tồn tại trong cơ thể người suốt nhiều năm mà không gây triệu chứng rõ rệt, khiến người nhiễm không biết mình mang mầm bệnh. Tuy nhiên, trong điều kiện suy giảm miễn dịch, ký sinh trùng có thể sinh sôi mạnh mẽ, lan đến các cơ quan nội tạng và gây nhiễm trùng toàn thân nặng nề.
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, loài ký sinh trùng này có thể dẫn đến suy hô hấp, sốc nhiễm trùng và thậm chí đe dọa tính mạng. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên tẩy giun định kỳ, đồng thời đến cơ sở y tế ngay khi có các triệu chứng.
Những l ời từ trái tim bác sĩ
Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.