Gen Z "khác bọt" từ cách khoe điểm: Thế hệ này ngầu, tự tin và cởi mở thấy rõ!

Những các bạn làm được chính là lý do đủ để bật Capcut, chọn một bài nhạc trend và để cả thế giới biết: Tôi đã cố gắng và tôi xứng đáng thế nào!
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, mạng xã hội lập tức “bùng nổ” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Threads, TikTok, Facebook... chỗ nào cũng thấy điểm, điểm và điểm! Những bài đăng khoe điểm xuất hiện dày đặc và dĩ nhiên, hành động này là hoàn toàn xứng đáng sau bao năm trời ôn luyện của các sĩ tử.
Nhưng điều làm người ta chú ý hơn không chỉ là những con số đẹp như mơ, mà còn là cái cách Gen Z chia sẻ niềm vui ấy cực ngầu từ loạt video “Capcut giật giật” trên nền nhạc hot trend đến những dòng trạng thái đầy tự hào kiểu:
- Toán được 9.6, cơ mà Văn có 6.5 thôi nên đừng hỏi sao thi khối A.
- Tiếc quá vì thiếu 0,25 điểm nữa là mình bằng điểm thủ khoa năm nay rồi
- Được có 28 điểm, thiếu hẳn 2 điểm nữa mới tròn 30?
- Mình không hơn thua, mình hơn hẳn, 28 điểm nhé!
…
Những câu nói tưởng như đùa vui ấy lại phản ánh rất đúng tinh thần của Gen Z. Họ không khoe để hơn ai mà khoe để khẳng định mình cũng đã nỗ lực hết mình.
Gen Z giờ khác rồi!
Một trong những điều đầu tiên chúng ta có thể nhận thấy ở Gen Z là cách họ đối diện với áp lực thành tích. Với các thế hệ trước, điểm số đôi khi mang nặng áp lực, là thước đo duy nhất cho năng lực và giá trị của một người. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại, muốn giấu kín điểm số dù là cao để tránh sự dò xét, đố kỵ hay đánh giá. Họ thường chỉ chia sẻ kết quả trong phạm vi hẹp hơn, chủ yếu với gia đình và bạn bè thân thiết. Một phần vì áp lực thành tích còn đè nặng, một phần vì việc sợ bị so sánh, đánh giá hoặc thậm chí là so đo, đối kỵ.
Nhưng ở các bạn Gen Z, chưa bao giờ chúng ta thấy việc khoe điểm lại sôi động, rầm rộ và đầy khí chất đến thế. Điều đặc biệt nhất nằm ở chính thái độ của các bạn trẻ khi luôn giữ tinh thần tự tin, cởi mở và sẵn sàng chia sẻ nỗ lực của bản thân bất kể kết quả ấy có phải là con số “đỉnh chóp” hay không.
Điểm 10 Văn hay 9.6 Toán, dĩ nhiên đáng tự hào. Nhưng kể cả điểm 6.5, điểm 7 cũng vẫn xuất hiện đầy tự nhiên trên những video TikTok, dưới caption khá hài hước kiểu “Thề 6 điểm này là thành tích tôi tự hào nhất trong đời học sinh” hoặc “Mình chính là Thủ khoa toàn quốc năm nay khi Văn 5, Toán 5 và tiếng Anh 20 điểm, như vậy là tròn 30 rồi nhỉ”...
Ở đó, các bạn không thấy sự xấu hổ hay ngần ngại, chỉ thấy tinh thần tôi đã cố gắng và kết quả này là của tôi, tôi có quyền ăn mừng, có quyền khoe.
“Khoe” dường như không còn là một từ tiêu cực trong từ điển của Gen Z nữa. Đó là một cách để tự ghi nhận bản thân, để biến những con số tưởng chừng khô khan thành một câu chuyện của sự nỗ lực và chiến thắng chính mình. Với họ, những gì mình làm được dù nhỏ hay lớn đều xứng đáng được chia sẻ. Không phải để so sánh ai hơn ai, mà là để nói rằng: “Tôi đã làm được. Tôi vui. Và tôi tự hào về bản thân mình”.
Và “tự tin” chính là từ chính xác để miêu tả Gen Z hiện tại. Lớn lên trong một thế giới mở, nơi thông tin và tri thức luôn sẵn có, Gen Z có nhiều cơ hội tiếp xúc với đa dạng các nền văn hóa, tư tưởng, từ đó hình thành một thế hệ dám nghĩ, dám làm và dám thể hiện. Sự tự tin này không phải là sự kiêu căng, mà là sự tin tưởng vào năng lực của bản thân, vào những giá trị mà mình tạo ra.
Câu chuyện khoe điểm trên TikTok, Threads năm nay là một minh chứng rõ ràng cho việc không cần chờ đến những bảng vàng, những điểm tuyệt đối mới dám khoe. Giờ đây, Gen Z thoải mái chia sẻ mọi cột mốc của bản thân. Một bạn đạt điểm 10 môn Toán hay điểm 6 môn Tiếng Anh đều được mọi người công nhận. Đó không phải là sự cổ vũ cho thành tích xuất sắc mà là cổ vũ cho quá trình nỗ lực của bạn.
Bạn có thể không phải là người đứng đầu với những điểm số chót vót, nhưng nếu từ mức 5 điểm trong các kỳ thi thử, bạn đã vươn lên đạt được 6 điểm chính thức, thì đó không chỉ là một con số đơn thuần. Đó là hơn 1 điểm của nỗ lực, của sự kiên trì và vượt lên chính mình.
Gen Z đang viết lại khái niệm thành công trên mạng xã hội
Cởi mở chính là thứ giúp Gen Z khác biệt. Không cần giữ những niềm vui nhỏ cho riêng mình, cũng chẳng sợ ai phán xét khi kết quả chưa được như ý. Thậm chí, những bạn điểm chưa cao còn tự chế meme từ bảng điểm của chính mình như một cách tự cười vào thất bại và cũng là một cách chấp nhận thất bại và bước qua nó.
Trong thế giới của Gen Z, sự cởi mở không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ thành tích cá nhân, mà còn ở việc sẵn sàng đón nhận và học hỏi từ người khác. Khi một bạn khoe điểm cao, thay vì những ánh nhìn ganh tị, thường là những lời khen ngợi, chúc mừng chân thành. Điều này tạo nên một môi trường tích cực, nơi mọi người cùng nhau phát triển và truyền động lực cho nhau. Gen Z hiểu rằng thành công của một người cũng có thể là nguồn cảm hứng cho người khác.
Đăng điểm lên TikTok giờ không còn là chuyện khoe ai hơn ai, mà là một chiến thắng riêng mà Gen Z chọn chia sẻ cùng thế giới.
Và dù bạn là người đạt 10 điểm hay chỉ vừa qua điểm liệt, bạn đều có quyền tự hào về những con số của mình.
Vì ở thế hệ Gen Z này, những gì bạn làm được chính là lý do đủ để bật capcut, chọn một bài nhạc trend và để cả thế giới biết: Tôi đã cố gắng và tôi xứng đáng thế nào!