Nhảy đến nội dung
 

Đêm thức cùng 'Ký ức bão!'

Hơn 1 giờ sáng, đồng hồ đã chuyển sang ngày mới. Tôi vẫn thao thức với Ký ức bão!, tập bút ký của nhà báo Lương Duy Cường. Là bởi, bị cuốn theo những tình huống, những cảm xúc và sự ngặt nghèo cùng cực của dải đất miền Trung trong mỗi mùa mưa bão.

Tôi thích cái kết của bài bút ký đầu tiên trong tập sách, được tác giả lấy đặt tựa chung cho sách: Ký ức bão!. Sự trào lộng, hài hước của hai lão nông là ông Cu Nậy và ông Mẹt Hịm mỗi khi bão quét qua, đã gieo vào lòng người dân xứ Tuyên Hóa (Quảng Bình cũ, nay là Quảng Trị) nói riêng và miền Trung nói chung, một động lực sống mới và sự lạc quan, như câu ca "còn da lông mọc còn chồi nảy cây", động viên nhau vực dậy từ những hoang tàn, gãy đổ.

"Chuyện bão lụt thành nỗi kinh hoàng ám ảnh suốt đời tôi. Có người tếu táo gọi bão lụt là đặc sản, thứ đặc sản nghĩ đến là khiếp đảm, nhưng như một tâm thức níu kéo khiến ai xa quê cũng thổn thức. Mà không tếu táo thế chắc gì bám trụ nổi ở vùng đất này", Lương Duy Cường viết đoạn kết bằng sự tự tâm giãi bày. Có lẽ, anh giãi bày cho một thực-tại-bão ai cũng biết nhưng đôi khi không thể hình dung tận cùng sự ác liệt nếu không sống trong nó, để thấy số phận con người trước thiên tai quả thật quá mong manh.

Với bút ký Đêm trắng ở vùng rốn lũ, bức tranh bão lũ miền Trung như chạy chằng chịt những rãnh sâu, cứa vào người đọc bằng con dao được rèn bằng một thứ hợp kim tuyệt hảo. Con dao của nhiệt động học, hoàn lưu khí quyển, mây gió… tụ về tự đất trời thành bão, rồi đến di hại của con người tạo ra, lũ sau chồng lũ trước bởi nguồn nước thượng du xả về, nhấn chìm mọi thứ trong cảnh tang thương.

Cả hai bút ký về bão và lũ ấy của Cường, tôi cho là đã đủ đầy về cơn cuồng nộ của thiên nhiên và sức chống chọi bền bỉ của con người, không chỉ riêng ở quê anh.

Bởi vậy, nên anh yêu thiên nhiên đắm đuối và cật lực tuyên chiến với nạn phá rừng, đó là các bút ký Diện kiến Bạch Mã Sơn về dãy quần sơn Bạch Mã, Trên vòng cung Tây Bắc về đèo Pha Đin, sông Nậm Rốm… Sông Gianh đi qua đời tôi với không chỉ kỷ niệm đẹp thuở thiếu thời khiến anh thao thức suốt cả cuộc đời, mà tác giả còn tỏ bày một tình yêu vĩnh cửu, đằm sâu với mạch ngầm xa tít tắp, ngược hướng lên chốn khởi nguồn trên dãy Trường Sơn trùng điệp.

Trong sách, có 2 bút ký dường như có thể lồng vào nhau nếu tách ra một tứ, đó là Võ đạo của thầyDiện kiến Bạch Mã Sơn. Tác giả nói về người Thầy, viết hoa đúng nghĩa của từ này, khi đề cập võ sư huyền đai đệ thất đẳng Suzucho Nguyễn Văn Dũng ở TP.Huế (chủ nhân võ đường Nghĩa Dũng Karate-Do), người bao năm qua đã rèn giũa bao thế hệ môn sinh, trong đó có Lương Duy Cường.

Ở cả hai bút ký ấy, thầy Dũng hiện diện trong cả hai vai trò: dạy võ và dạy nhân. Đọc vô cùng thấm thía! Nhưng còn một điều đặc biệt khác, là cơn-bão-lòng bật ra trên trang giấy. Tôi đã đọc, đã yêu, đã đau và cảm phục với bút ký Phượng đỏ Nậm Chu. Yêu tuổi học sinh quá đẹp và hồn nhiên trong giá rét bão bùng nơi cố xứ của anh, như thấy trong đó có tôi, có bạn của một thời. Đau cái đau đói nghèo và tang tóc khi mấy người bạn đồng môn không may mất đi lúc tuổi chớm thanh xuân vì cơ cực phải "nhảy tàu" rồi gặp tai nạn. Cảm phục vì một lứa tuổi rời ghế học trò mang ba lô ra trận quên mình nơi biên giới: "Ngày giao quân, đứa nào cũng xúng xính trong quân phục mới, mặt nghênh nghênh đắc chí trước những đứa bị lọt ra đợt sau và những đôi mắt mọng nước của các nữ sinh. Bao nhiêu là hoa dâm bụt, hoa khoai ngắt vội bên vườn nhà được gắn quanh xe lính, giấu vội những mối tình vu vơ của tuổi học trò". Rồi: "Bạn bè lên đường không lâu thì tin báo tử bay về. Rồi Dũng, Bình, Tấn… những "tay anh chị" Nậm Chu ngày nào giờ lần lượt báo tử...". Để, 33 năm trở lại tác giả thổn thức: "Nậm Chu giờ xanh um những vườn cây ăn quả, vẫn u trầm như chứng nhân bất diệt. Dưới chân Nậm Chu lại có thêm một trường cấp 3 mới mở". Nghe như một trang đời mới, để anh tiếp nối với cảm xúc tình yêu trong các bút ký Tím độ em về, Mỗi năm đến hè, xao xác đến độ… không muốn gấp sách lại!

Hèn chi, nhà thơ Văn Công Hùng, một người anh lớp trước ở Trường đại học Tổng hợp Huế của tác giả, viết trong lời giới thiệu: "Tôi đã được Lương Duy Cường dắt theo vào từng vùng ký ức của anh, để tận hưởng, để sẻ chia và để lâng lâng cảm xúc. Mỗi câu chuyện là một quãng đời, một vùng đất, tôi đã có chuyến "du lịch chữ" hết sức thú vị như thế!". Văn Công Hùng cũng đã nhận định gan ruột: "Có một đặc điểm của anh em làm báo ở các tỉnh nghèo, là khi đi xa, trưởng thành, họ đều đau đáu và day dứt với quê. Những trang viết của họ về quê, về ký ức, về những ngày thương khó ấy là những dòng chữ xúc động nhất, run rẩy nhất… và vì thế mà ám ảnh nhất".

Tôi biết vì sao mình thao thức và bị ám ảnh đất quê và người quê của Cường như thế!

Bởi chính tôi, quê xứ ở Quảng Trị có khác gì, huống chi bây giờ lại cùng về một tỉnh?

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn