Nhảy đến nội dung
 

Để dân bản bớt lo chạy lũ trong đêm

Trận lũ lịch sử năm 2017 đến giờ vẫn là nỗi ám ảnh trong tâm trí của nhiều người dân bản Piệng. Hàng loạt ruộng nương, nhà cửa ven bờ suối bị cuốn sạch. Vẫn trên vùng đất ấy, giờ đây, bà con bớt lo hơn mỗi khi nghe báo lũ về.

Hiệu quả lớn của một công trình nhỏ

Sinh ra và lớn lên ở bản Piệng (Sơn La), chị Vì Thị Trung hiểu rất rõ cảm giác lo lắng của dân bản mỗi khi mưa to gió lớn, nhất là những hộ sinh sống ven suối. 

Thiên tai đến, bà con chỉ còn cách duy nhất là di tản lên khu vực núi cao. Không ít lần cuống cuồng lo chạy người trước, đồ đạc, trâu bò, lợn gà... phải bỏ lại.

Một ngày năm 2017, không có cảnh báo trước, nửa đêm mưa to như trút, lũ ồ ạt đổ về, nhà cửa dần ngập hết. Tờ mờ sáng, trưởng bản kêu cả bản di chuyển lên trên cao. 

“Nhà mình có 6 người, gồm 2 ông bà già, 2 vợ chồng trẻ và 2 con nhỏ. Vợ chồng mình phải nhờ anh em đến hỗ trợ cõng ông bà và con nhỏ để kịp chạy lũ. Ven bờ suối bên kia, hàng loạt ngôi nhà đã bị lũ cuốn đi. Những người không sang được bờ bên này thì phải leo lên trên đồi để ở tạm, dù cũng sợ lắm vì trước đó từng bị sạt lở rồi”, chị Trung nhớ lại.

Trận lũ quét lịch sử năm 2017 đã cuốn trôi nhà cửa, ruộng nương, gây thiệt hại lớn cho bản Piệng.

Với mong muốn giúp dân bản bớt lo chạy lũ, giảm thiệt hại do thiên tai, ngay sau đó, dự án xây dựng đập Sabo theo tiêu chuẩn Nhật Bản được thí điểm triển khai tại đây.

Ông Tòng Văn Hương, Trưởng bản Piệng kể: “Được cán bộ huyện, xã xuống tuyên truyền, chúng tôi biết đập Sabo với rất nhiều đá to, đá hộc sẽ chặn cây cối, đất bùn bị sạt từ trên đầu nguồn xuống, giảm nguy cơ gây thiệt hại khi lũ ống, lũ quét xảy ra. Tuy nhiên, khi triển khai đập, cũng có một số bà con bị mất đất, lúc đầu bà con chưa đồng ý. Chúng tôi nhiều lần tuyên truyền, thuyết phục, nhấn mạnh lợi ích lâu dài cho cả bản, bà con đã sẵn sàng hiến đất xây đập”.

Thực tế cho thấy, đập Sabo đã phát huy hiệu quả. 

“Hôm qua có trận lũ, nhưng đập có nhiều đá tảng to, những cây to cuốn theo lũ từ trên nguồn xuống đều bị đá tảng chặn lại, không ảnh hưởng tới bản làng”, chị Trung thông tin.

“Từ khi dự án xây đập được triển khai, bà con bớt lo hơn mỗi khi có lũ quét, lũ ống, sạt lở. Bản Piệng hiện có khoảng 220 hộ dân cùng sinh sống, đều là đồng bào dân tộc Thái, trong đó có 6 hộ nghèo. Mong Đảng, Nhà nước quan tâm xây thêm mấy công trình nữa để bà con không bị thiệt hại khi mưa lũ, đời sống ngày càng tốt hơn”, ông Hương chia sẻ.

Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La đánh giá cao công trình đập Sabo sẽ góp phần phân lũ, chậm lũ, giúp bảo vệ tính mạng, tài sản cho bà con, cũng như phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng đồng hành với Bộ Nông nghiệp và Môi trường khảo sát, đánh giá, rà soát, quan trắc, vận hành đập Sabo ở bản Piệng và có những phản hồi thiết thực nhất để các cơ quan cấp trên có thể tiếp tục xây dựng quy trình, quy chuẩn đập Sabo phù hợp với thực tế của Việt Nam, rút ra những bài học kinh nghiệm trước khi xây dựng mô hình tại các khu vực có điều kiện tương tự”, bà Hằng nói.

Cần tiếp tục mở rộng mô hình

Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ở các khu vực miền núi, mỗi khi mưa lũ thường xảy ra lũ quét trên các sông suối, kéo theo khối lượng lớn đất, đá, cây cối trên thượng nguồn đổ về. Với độ dốc cao, tốc độ lũ về rất nhanh, mức độ tàn phá ở hạ du rất lớn.

“Chúng ta đã chứng kiến những trận lũ quét, sạt lở đất gây hậu quả rất nghiêm trọng trong những năm gần đây. Với những khu vực như thế này, về giải pháp phòng chống, thì việc quan trọng nhất là giảm thiểu tốc độ lũ, ngăn được khối lượng đất, đá, cây cối trên thượng nguồn đổ về, mà vẫn đảm bảo tiêu thoát nước”, ông Sơn phân tích.

Thực ra cũng có nhiều giải pháp để phòng chống lũ quét ở miền núi. Chẳng hạn bố trí lại dân cư, không để dân ở khu vực nguy hiểm, nhưng để làm được việc này ở địa hình miền núi không hề đơn giản. 

Đập Sabo ở bản Piệng là công trình sabo thí điểm đầu tiên mà chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam, dù quy mô nhỏ, nhưng được kỳ vọng bảo vệ an toàn cho 28 hộ dân ở khu vực hạ du, 1 trường mầm non và 1 nhà văn hóa của bản Piệng.

Tuy nhiên, theo thời gian sẽ có một lượng đất, đá, cây cối tồn lại trước thượng lưu đập. 

“Hàng năm cần phải nạo vét, khơi thông để đập vận hành được theo đúng quy mô thiết kế. Nếu bị ngập kín đất đá, cây cối, thì không còn tác dụng nữa. Khi lũ về, đất, đá, cây cối ở trên nguồn sẽ tràn qua, đổ xuống hạ lưu và vẫn gây thiệt hại”, ông Sơn lưu ý.

Với lưu vực rất rộng của suối Nậm Păm - trên 118 km2, cần có hệ thống 12 công trình đập Sabo tương tự ở bản Piệng mới có thể đáp ứng yêu cầu lưu giữ hơn 600.000 m3 đất đá bùn thải. Tổng mức đầu tư mỗi đập Sabo khoảng 9 tỷ đồng.

“Chúng tôi đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thêm để tiếp tục đầu tư thêm công trình trên lưu vực của suối Nậm Păm. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ cùng với các cơ quan khoa học đánh giá hiệu quả, đề xuất xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, và sẽ huy động nguồn lực để xây dựng thêm đập Sabo ở nhiều lưu vực khác thuộc các tỉnh miền núi”, ông Sơn cho hay.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn