Dạy, học môn tiếng Anh, để thi hay để sử dụng?

Năm học 2024-2025 đánh dấu cột mốc quan trọng khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hoàn tất chu trình triển khai. Theo TS Scott McDonald, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự thay đổi đáng kể, linh hoạt hơn.
Việc cho phép học sinh chọn môn thi phù hợp với sở trường được xem là bước tiến tích cực, mở ra hướng tiếp cận cá nhân hóa trong một kỳ thi vốn hoàn toàn chuẩn hóa trước đây.
Ðề thi hợp với tiếng Anh chuyên ngành
Ông McDonald cho rằng mô hình kiểm tra truyền thống vốn nặng kiểu “được ăn cả ngã về không” và học thuộc lòng nên chưa đánh giá được việc học theo chiều sâu hay khả năng vận dụng thực tiễn.
Ông đề xuất một cách tiếp cận cân bằng hơn, giảm thiểu các câu hỏi trắc nghiệm và thay bằng những dạng đánh giá thông qua tình huống thực tế, bài tập phân tích và giải quyết vấn đề theo hoàn cảnh.
Theo ông, bậc phổ thông cần chú trọng việc rèn luyện các kỹ năng nền tảng cho đại học và công việc, đặc biệt tư duy phản biện và năng lực giải quyết vấn đề.
Ông khẳng định những kỹ năng này thường bị bỏ qua trong các kỳ thi truyền thống. Nếu chúng ta chuyển trọng tâm từ học thuộc lòng sang tính ứng dụng, kỳ thi sẽ thực sự giúp học sinh chuẩn bị tốt hơn cho những thử thách phía trước.
Ông Melvin Fernando, Trưởng phòng cấp cao phụ trách Hướng nghiệp và Quan hệ doanh nghiệp, Đại học RMIT Việt Nam, đề xuất mở rộng hình thức đánh giá, giảm áp lực bằng các đợt kiểm tra thường xuyên trong năm học, lồng ghép các môn học tập trung vào nghề nghiệp như kỹ năng sống, năng lực số hoặc khởi nghiệp, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào sức khỏe tinh thần cho học sinh.
Theo ông Fernando, những thay đổi này không chỉ phản ánh đa dạng năng lực của học sinh mà còn giúp giảm bớt áp lực nặng nề từ một kỳ thi duy nhất mang tính quyết định.
TS Yulia Tregubova, Trưởng Chương trình tiếng Anh học thuật, Quyền Chủ nhiệm chương trình tiếng Anh tại Đại học Anh Quốc (BUV), nhận xét đề Tiếng Anh năm nay tập trung vào kỹ năng học thuật nhiều hơn, phù hợp với mục tiêu chuẩn bị cho tiếng Anh chuyên ngành.
“Tôi nhận thấy đề thi năm nay đã được điều chỉnh về mặt cấu trúc, khác và khó hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, theo tôi, đề thi lần này lại gần hơn với định hướng tiếng Anh học thuật, môn mà chúng tôi thường giảng dạy cho sinh viên có nguyện vọng học tập bằng tiếng Anh ở bậc đại học”, TS Yulia Tregubova nói.
Bài thi không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra từ vựng hay ngữ pháp đơn thuần, mà đi sâu vào các khía cạnh như kết hợp từ, các chức năng ngôn ngữ như tính mạch lạc và liên kết trong văn bản. Có thể thấy rõ sự đề cao kỹ năng tư duy phản biện, điều rất cần thiết ở bậc đại học.
Ðề thi cho học sinh giỏi hay phổ thông?
TS Yulia Tregubova cho rằng từ yêu cầu của đề thi năm nay, một số trường đã bắt đầu lồng ghép các yếu tố phát triển kỹ năng vào giảng dạy cho học sinh.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của TS Yulia, phần lớn các trường vẫn tập trung vào chương trình phổ thông quốc gia và luyện thi IELTS.
“Đáng tiếc, IELTS không thực sự chuẩn bị cho những dạng bài như vậy, vì đây là kỳ thi mang tính học thuật theo khuôn mẫu, chỉ đánh giá một số kỹ năng nhất định, và những kỹ năng đó không hoàn toàn nằm trong phạm vi mà đề thi tốt nghiệp THPT năm nay hướng tới”, TS Yulia thông tin.
Bà cho rằng những cải cách cần có để đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ hiện nay là đẩy mạnh việc lồng ghép các kỹ năng học thuật vào giảng dạy.
Cụ thể, khả năng suy luận ý nghĩa dựa trên ngữ cảnh, tóm tắt ý chính của một đoạn văn, xây dựng một văn bản có tính mạch lạc, nhận diện được vai trò của các phương tiện liên kết trong câu và đoạn - cùng với nhiều kỹ năng khác hỗ trợ cho việc học thuật sau này.
Việc chú trọng phát triển những kỹ năng này giúp học sinh không chỉ vượt qua kỳ thi, mà còn thích nghi và thành công hơn trong môi trường đại học.
Thầy Bùi Thế Phương, giáo viên tiếng Anh tại trung tâm Học mãi, khẳng định việc thay đổi phải đi từ hai phía, dạy học và ra đề thi.
Thầy đề xuất Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh độ khó đề thi. Chuẩn đầu ra hiện nay của học sinh THPT là đạt trình độ B1 (khung tham chiếu châu Âu) do đó đề thi chỉ nên dừng lại ở mức B2 là phù hợp.
Qua đánh giá đề thi tốt nghiệp Tiếng Anh vừa qua, thầy Phương khẳng định có nhiều từ vựng thuộc top 10.000-25.000 tổ hợp từ hiếm gặp trong tiếng Anh.
Đề thi yêu cầu vượt tầm không phản ánh đúng trình độ năng lực người học. Nó có thể đo được chính xác đối tượng học sinh giỏi, xuất sắc nhưng đối tượng còn lại thiệt thòi. Dung lượng đề thi nên ngắn hơn để phù hợp với học sinh. Đối với đề thi, ngoài tính đánh giá, còn mang tính xã hội.
Một số giáo viên Tiếng Anh khuyên học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2026, nên bắt đầu xây dựng thói quen học tiếng Anh theo định hướng năng lực.
Học sinh cần tăng cường luyện đọc, mở rộng vốn từ vựng học thuật và đặc biệt chú trọng kỹ năng phân tích thông tin, xử lý văn bản và lựa chọn ngôn ngữ phù hợp với bối cảnh giao tiếp.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.