Đấu giá lại băng tần “kim cương” 700 MHz, cơ hội dành cho nhà mạng nào?
Bộ KH&CN sẽ tổ chức đấu giá lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 703-713 MHz và 758-768 MHz; băng tần 723-733 MHz và 778-788 MHz. VNPT và MobiFone đang đứng trước cơ hội có được băng tần quý giá này.
Bộ KH&CN đã ban hành phương án tổ chức đấu giá lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 703-713 MHz và 758-768 MHz (khối băng tần B1-B1') và băng tần 723-733 MHz và 778-788 MHz (khối băng tần B3-B3').
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ KH&CN thông báo công khai phương án tổ chức đấu giá, tổ chức muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 703-713 MHz và 758-768 MHz (khối băng tần B1-B1') và băng tần 723-733 MHz và 778-788 MHz (khối băng tần B3-B3') phải nộp hồ sơ đề nghị xác nhận đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá tới Cục Viễn thông.
Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp. Các hồ sơ nộp không đúng thời hạn trên sẽ không được tiếp nhận và giải quyết.
Các chuyên gia cho rằng, việc đấu giá băng tần 700 MHz có thể sẽ giống như băng tần 4G, 5G mà Viettel, VNPT và MobiFone tham gia hồi năm ngoái.
Như vậy, ứng cử viên sáng giá cho băng tần lần này được cho là VNPT và MobiFone. Trên lý thuyết, Vietnamobile có thể tham gia đấu giá tần số này. Tuy nhiên, thực tế thì nhà mạng này đã không tham gia cuộc chơi từ những lần đấu giá trước nên kịch bản tham gia đấu giá tần số "kim cương" được xem là "nhiệm vụ bất khả thi".
Trước đó, ngày 20/5/2025, phiên đấu giá lại khối băng tần B2-B2’ (713-723 MHz và 768-778 MHz) được tổ chức với sự tham gia của Viettel và VNPT, Viettel đã trúng đấu giá băng tần “kim cương” này.
Hồi tháng 3/2024, Viettel đã tham gia đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500 - 2600 MHz trong vòng 15 năm tới với mức giá 7.533 tỷ đồng. Như vậy, Viettel đang ở thế thượng phong khi có được 2 khối băng tần tốt nhất hiện nay.
Với băng tần này, Viettel là nhà mạng có nhiều lợi thế trong việc phủ sóng so với các đối thủ hiện nay. Điều này sẽ giúp Viettel có nhiều lợi thế nhất trong việc cạnh tranh với các mạng di động khác, đặc biệt trong cuộc chạy đua phủ sóng 5G.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel chia sẻ: “Việc sở hữu khối tần B2 – B2’ của băng tần 700MHz là hết sức quan trọng và kịp thời để Viettel hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, nhằm xây dựng một nền tảng hạ tầng số tốc độ cao, an toàn, tin cậy, kết nối người dân, chính quyền, doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ ứng dụng các công nghệ số vào mọi mặt của đời sống xã hội, từ thành thị đến nông thôn”.
Trên khối tần B2 – B2’ của băng tần 700MHz, Viettel sẽ triển khai các dịch vụ truy cập Internet băng rộng di động 4G/5G, cung cấp tốc độ cao và độ trễ thấp, phục vụ giải trí, làm việc từ xa, học trực tuyến, dịch vụ IoT (Internet vạn vật), hỗ trợ các nền tảng và ứng dụng như thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh và quản lý giao thông thông minh…
Trước khi băng tần 700 MHz được đấu giá, băng tần này đã được sử dụng cho dịch vụ truyền hình analog. Tuy nhiên, với việc chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất tại Việt Nam, băng tần này được giải phóng và chuyển giao cho các nhà mạng di động để phục vụ cho các dịch vụ viễn thông.
Trên thế giới, băng tần 700 MHz được sử dụng rộng rãi trong các mạng di động thế hệ 4G và 5G. Đây là một trong những băng tần quan trọng giúp tối ưu hóa tốc độ và độ phủ sóng của các mạng di động thế hệ mới.
Lý do băng tần 700 MHz được ví như băng tần “kim cương” bởi nó có khả năng truyền sóng tốt hơn so với các băng tần cao hơn, giúp tín hiệu mạng có thể đi xa và xuyên qua các vật cản như tường, nhà cao tầng… Điều này giúp các nhà mạng cải thiện được phạm vi phủ sóng, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa.