Đào Văn Hoàng: Vào trong hoang dã, vẽ để kể về sự sống và mất mát

Dưới những tán rừng rậm của Vườn quốc gia Cát Tiên, nơi con tê giác Java quý hiếm cuối cùng của Việt Nam bị sát hại năm 2010, Đào Văn Hoàng tìm thấy linh hồn của nghệ thuật.
Cậu bé từng nằm trên sàn nhà, vẽ những con vật có thể nhìn thấy quanh nhà bằng phấn và bút chì, vào Thảo Cầm Viên ngắm những con thú lạ lùng được chuyển về… không nhớ rõ bức tranh đầu tiên mình vẽ là về con vật gì, nhưng sau những năm tháng đi về Cát Tiên trong thập niên 2010, anh biết những loài vật hoang dã sẽ là chủ thể chính trong các bức tranh của mình.
Đào Văn Hoàng không chỉ vẽ. Anh kể chuyện. Những chuyến đi thực địa đến các vườn quốc gia Việt Nam và các vùng rừng Việt Nam, theo chân các nhà khoa học bảo tồn mang đến chất liệu chính cho tranh của anh.
Ở đó, anh phác thảo các con vật, quan sát không gian nơi chúng ẩn nấp và sinh tồn, ngắm ánh sáng xuyên qua tán lá, và cố gắng tái tạo hình ảnh những loài vật đang dần biến mất.
Trong những cuốn sổ tay nhỏ của anh, chi chít những phác thảo đầu chim, chân thú, những dải rừng và những vách đá, các chi tiết khoa học, nơi chốn và địa điểm.
Bức tranh về sao la của anh, một loài thú bí ẩn của dãy Trường Sơn, đã tái hiện những điều gần như không thể.
Dựa trên những bức ảnh hiếm hoi chụp loài vật này và trí tưởng tượng, anh mang sao la trở lại, đặt nó trong một cánh rừng đêm, nơi ánh sáng ẩn hiện như một lời nhắc nhở về sự mong manh của sự sống.
Trong studio Le Petit Musée ở Thảo Điền (TP.HCM), những bức tranh của anh đang xếp ngay ngắn, chờ lần đầu tiên hiện diện trước công chúng trong nước.
Có thể thấy anh đã thử nghiệm rất nhiều kỹ thuật vẽ và chất liệu, acrylic trên bố cho những bức tranh lớn, màu nước cho những phác thảo nhanh, và kỹ thuật số cho các minh họa khoa học.
Nhưng điều làm tranh của Đào Văn Hoàng trở nên đặc biệt là khả năng kết hợp sự chính xác của khoa học với cảm xúc nghệ thuật.
"Tôi đã học rất cẩn thận về tỉ lệ kích thước của mỗi loài, tập tính và sinh cảnh của chúng, từ các nhà khoa học bảo tồn. Vẽ mà không chính xác thì họ không tha cho tôi đâu" - Hoàng cười.
Các con thú cũng luôn được vẽ trên nền cảnh rộng về môi trường sống tự nhiên của từng loài.
Đây có lẽ là điều anh đã học được từ Robert Bateman - một bậc thầy hội họa người Canada đã định hình nghệ thuật hoang dã với tầm ảnh hưởng toàn cầu, người mà anh ngưỡng mộ.
Nhưng nếu Bateman là bậc thầy trong việc dùng ánh sáng và bóng tối để tạo chiều sâu cho tranh, Đào Văn Hoàng lại chú trọng hơn chuyển động tinh tế của con vật trong chính thế giới của chúng.
Tháng 8-2014, khi biết tới một hội nghị của Hiệp hội linh trưởng quốc tế (IPS) tại Hà Nội, anh liên lạc với họ và đề nghị mang 22 bức tranh anh vẽ các loài linh trưởng tới, "để hội thảo đỡ khô khan toàn chuyện khoa học" - anh giải thích.
Ý tưởng đơn giản ấy đã trở thành một cột mốc quan trọng trong đời anh, vì "từ đó tôi mới nghĩ mình là một họa sĩ".
Sau đó, anh tiếp tục đưa tranh tới Mỹ, Thái Lan, châu Âu, cùng tiếng nói của các nhà khoa học, mang đến cho công chúng cái nhìn sống động về các loài vật hoang dã, những mối nguy đe dọa tồn vong của chúng.
Anh muốn biến nghệ thuật thành công cụ giáo dục. Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật hoang dã của tôi đều nói về hy vọng, hy vọng về một môi trường tốt đẹp hơn" - Hoàng nói.
Những bức tranh đã cho thấy nghệ thuật có thể vượt qua ranh giới thẩm mỹ để trở thành một lời nhắc nhở hành động, vì ta biết rằng mỗi loài vật là một phần của bức tranh lớn hơn - bức tranh của sự sống trên Trái đất.
"Nếu ai đó nhìn, rồi cảm, rồi yêu thì biết đâu họ sẽ yêu luôn cả sinh vật được khắc họa trong tranh. Và khi ta yêu một điều gì, ta sẽ muốn giữ gìn nó" - Hoàng nói.
Đào Văn Hoàng từng được WWF giao vẽ hệ động thực vật của Vườn quốc gia Cát Tiên lên một bức tường rộng 200m² tại nơi này.
Bức tường này giờ không còn nhưng sau đó vài năm, anh tiếp tục vẽ một bức tường khác với hình ảnh voi, tê giác, hổ, bò tót, gấu và linh trưởng tương đương kích thước thật, do Free The Bears tài trợ tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Anh thiết kế cho Wildlife At Risk (WAR) một trung tâm triển lãm tại trung tâm cứu hộ động vật hoang dã của họ ở Củ Chi, vẽ một bức bích họa cao 14,5m, rộng 9m với hình ảnh sếu đầu đỏ và một bức tranh chủ đề đại dương rộng lớn kết nối các phòng khám dành cho trẻ em nhiễm HIV tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM.
Anh viết và minh họa sổ tay "Khám phá thiên nhiên với bút chì" dành cho trẻ em, cho Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, điều hành chương trình "Nature, Art & Fun" tại Le Petit Musée (tổ chức các chuyến đi dã ngoại và các lớp học vẽ, giúp các em nhỏ học thiên nhiên qua con mắt nghệ thuật, học nghệ thuật bằng chất liệu chủ đề thiên nhiên).