Đánh cược sinh mạng khi tự ý bỏ thuốc tiểu đường

Mới đây, Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện 71 Trung ương tiếp nhận cụ bà 70 tuổi trong tình trạng nguy kịch do suy thận cấp, rối loạn điện giải. Bà bị bệnh đái tháo đường nhiều năm nhưng không điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Thay vào đó, bệnh nhân dùng thuốc nam và một số loại thuốc dạng viên do người quen giới thiệu mua trên mạng.
Kết quả xét nghiệm cho thấy loại thuốc bệnh nhân đang dùng có chứa Phenformin - chất đã bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chính thức cấm. Bác sĩ cho biết hoạt chất này có thể gây tổn thương gan thận, thậm chí dẫn đến tử vong nếu dùng kéo dài.
Sau nhiều ngày điều trị tích cực, tình trạng của bệnh nhân tạm thời ổn định nhưng chức năng thận rất kém, có thể phải lọc máu định kỳ.
Trường hợp khác, người đàn ông 43 tuổi mắc tiểu đường, được bác sĩ chỉ định tiêm insulin nhưng anh không tuân thủ phác đồ điều trị. Thấy trên mạng quảng cáo thuốc gia truyền dạng viên, người bệnh mua về uống. Sau đó, bệnh nhân đau bụng, nôn ói dữ dội, được đưa vào Bệnh viện đa khoa Vũng Tàu cấp cứu.
Trong lúc bác sĩ lấy máu xét nghiệm, anh đột ngột ngưng tim hai lần, được êkíp hồi sức thành công. Sau hai tuần điều trị, lọc máu, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch, người bệnh mới thoát nguy kịch.
Tương tự, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng tiếp nhận một cụ bà 72 tuổi bị ngừng tim sau một tuần tự ý bỏ thuốc điều trị tiểu đường. Bà bị toan chuyển hóa nặng, dẫn đến ngừng tim và phải thở máy, lọc máu liên tục.
Dù Việt Nam chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ bệnh nhân gặp biến chứng do tự ý bỏ hoặc điều trị tiểu đường bằng phương pháp dân gian, nhưng các bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp nguy kịch như trên. Đa số họ tự ý ngừng thuốc khi thấy bệnh có vẻ ổn định, hoặc tin vào các bài thuốc không rõ nguồn gốc.
Theo TS.BS Phạm Đăng Hải, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, với các bệnh mạn tính như đái tháo đường, việc tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám định kỳ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người bệnh lại không tái khám, tiếp tục dùng đơn thuốc cũ, hoặc tự ý ngừng thuốc khi thấy các triệu chứng thuyên giảm, mà không lường trước được những hậu quả khôn lường. Ông Hải cho hay một số loại thuốc nam không rõ nguồn gốc có thể bị pha trộn với các hoạt chất nguy hiểm như phenformin, gây suy gan, suy thận, nhiễm acid máu nghiêm trọng và thậm chí tử vong.
Cùng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, tình trạng tự đoán bệnh, kê đơn, bốc thuốc và bỏ ngang điều trị, không cần thăm khám diễn ra nhiều năm nay. Ngoài những lý do trên, còn có thể do người bệnh chủ quan, coi thường tính mạng của bản thân hoặc người nhà.
Nhóm khác không tôn trọng nhân viên y tế, dễ bực dọc, cáu gắt, mất bình tĩnh nên không tiếp thu được ý kiến bác sĩ. Đặc biệt, nhóm tự nhận có hiểu biết về bệnh hoặc thuốc nên khó trao đổi với bác sĩ, hoặc cho rằng chỉ định của người khám chưa tốt bằng lời khuyên chuyên gia khác.
Theo ông Dũng, hành động tự ý bỏ về hay bỏ thuốc, bỏ điều trị của người bệnh là rất nguy hiểm, thậm chí "có thể đánh đổi bằng cả tính mạng". Trong khi, cán bộ y tế là người có kiến thức, được đào tạo, kể cả không phải bác sĩ chuyên khoa cũng có kỹ năng cấp cứu nhất định. Khi có triệu chứng bất thường, bác sĩ nhanh nhạy, phán đoán kịp thời để xử lý trong thời gian vàng, cứu sống người bệnh, không để lại biến chứng. Ngoài ra, chỉ có nhân viên y tế mới có đủ năng lực và quyền đưa ra chỉ định, kết luận chính xác, nên cần tuân thủ.
"Tuy nhiên, việc này không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người bệnh", ông nói, cho rằng có lúc kỹ năng giao tiếp của nhân viên y tế chưa tốt, người dân chưa nắm được hết vấn đề, không hiểu được tình trạng bệnh, khiến cuộc trao đổi không thuận lợi. Thỉnh thoảng, y bác sĩ cũng bị chi phối cảm xúc, do yếu tố gia đình, sức khỏe nhưng trường hợp này không quá phổ biến. Hầu hết nhân viên y tế đều cố gắng hoàn thành công việc với "trái tim nóng, cái đầu lạnh", mục tiêu hàng đầu là cứu sống người bệnh.
Hiện, chưa có bất kỳ hiệp hội đái tháo đường cũng như các nhà nghiên cứu nào khẳng định có thể chữa khỏi bệnh này. Song bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng, thể lực, loại trừ các yếu tố nguy cơ từ sớm. Xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh và tình trạng tiền đái tháo đường nếu có.
Trường hợp mắc bệnh, hầu hết bệnh nhân được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị uống trong thời gian nhất định (tối đa một tháng) và cuối đơn thuốc đều có lời dặn tái khám khi hết thuốc hoặc có các dấu hiệu bất thường. Lịch tái khám giúp bác sĩ theo dõi và đánh giá hiệu quả của các thuốc mà họ chỉ định cho bệnh nhân ở lần khám sau, từ đó điều chỉnh và đưa ra phác đồ thuốc phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể thăm khám, xét nghiệm và phát hiện các tác dụng phụ của thuốc đang dùng (nếu có), đưa ra biện pháp xử trí kịp thời như đổi thuốc khác, giảm liều thuốc, cho bệnh nhân nhập viện nếu có biến chứng nghiêm trọng.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần đọc kỹ đơn thuốc của mình, không chỉ về các thuốc được kê đơn mà cả lời dặn của bác sĩ và tuân thủ chặt chẽ. Nếu chưa hiểu, hãy hỏi lại nhân viên y tế để được tư vấn đầy đủ và chính xác. Sắp xếp thời gian tái khám đúng theo lịch hẹn.
Trong trường hợp bất khả kháng, người bệnh có thể tham vấn bác sĩ qua điện thoại về việc trì hoãn tái khám một vài ngày và điều chỉnh thuốc trong thời gian đó. Không uống thuốc từ nhiều nguồn, không tự ý bỏ thuốc, dùng thuốc nam.
Bệnh nhân cần tôn trọng, giữ bình tĩnh để hiểu tư vấn của bác sĩ, giúp cuộc trao đổi, thăm khám rõ ràng hơn. Khi có khúc mắc, người thân hoặc người nhà nên phản ánh lại, không nên tự ý kết luận hay xúc phạm nhân viên y tế.
Ngoài ra, thầy thuốc cũng cần xem bệnh nhân như người nhà, bình tĩnh giải thích đơn giản, súc tích để họ hiểu, tránh xảy ra xung đột, bác sĩ Dũng khuyến nghị.
Mỹ Ý