Đang chơi đùa, bé trai 5 tuổi bị chó cắn rách mặt

Bé trai H.T.K (5 tuổi) đang chơi đùa cùng bạn bè thì bị chó cắn vào vùng mắt, má phải... nhập viện với hơn 10 vết thương sâu trên mặt.
Khai thác bệnh sử ghi nhận cách nhập viện 10 phút, trẻ chơi đùa với các bạn trong sân nhà. Trẻ không biết có một chú chó đang ngủ trong hốc tủ gần đó. Trong lúc trẻ đang chạy nhảy chơi đùa, chú chó tưởng trẻ tấn công nên vùng dậy cắn trẻ ở vùng mắt và má phải, vết thương phức tạp, chảy máu nhiều. Ngay sau khi phát hiện trẻ bị chó cắn, người nhà lập tức đưa trẻ nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).
Ngày 16.7, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được... Tuy nhiên, có khoảng 10 vết thương phức tạp vùng mặt gồm nhiều vết đứt sâu, có vết rách phạm mi mắt dưới phải, đang rỉ ít máu, không sây sát da vùng khác.
Bác sĩ chẩn đoán có vết thương phức tạp vùng đầu mặt cổ do chó cắn, giờ thứ nhất. Trẻ được xử trí cầm máu vết thương, tiêm huyết thanh kháng dại phong bế quanh vết thương để trung hòa virus, độc tố dại, ngăn không cho lan truyền vào hệ thần kinh trung ương. Tiêm vắc xin ngừa dại theo liệu trình, huyết thanh kháng uốn ván, kháng sinh, giảm đau, rửa vết thương, khâu vết thương ngắt quãng khoảng 20 mũi khâu.
Sau 4 ngày điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, trẻ được tiếp tục liệu trình tiêm vắc xin ngừa dại.
Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến lưu ý phụ huynh giáo dục trẻ không chơi đùa giỡn trước mắt chó, không chọc chó,… để tránh bị chó tấn công cắn xé. Điều này không chỉ gây tổn thương thân thể mà còn có thể lây truyền bệnh dại.
"Nếu trẻ bị chó cắn dù là vết thương nhỏ, phụ huynh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để trẻ được chăm sóc vết thương và được hướng dẫn tiêm ngừa dại vì gần đây ghi nhận một số trường hợp bị chó cắn, nạn nhân chủ quan không đi tiêm ngừa dẫn đến mắc bệnh dại tử vong", bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Trẻ nên làm gì khi có một con chó đến gần?
Theo thạc sĩ - bác sĩ Huỳnh Cao Nhân, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ, trong trường hợp chó đến gần, trẻ không nên bỏ chạy và la toáng lên. Đứng im giống như một cái cây, 2 tay để 2 bên thân người, 2 bàn tay áp gần hông lưng. Tránh nhìn trực tiếp vào mắt con chó. Khi con chó hiểu rằng trẻ không phải là mối đe dọa sẽ tự động bỏ đi. Nếu bị chó cắn, trẻ phải báo ngay cho người lớn biết.
Chó cắn có thể gây cho trẻ nguy cơ bị bệnh dại, uốn ván hoặc nhiễm trùng. Điều này không liên quan đến vết thương nhỏ hay lớn, chỉ một vết trầy da nhỏ cũng có đủ các nguy cơ trên. Chó cắn vào vùng đầu mặt cổ trẻ thường gặp nhất, do trẻ nhỏ đứng ngang tầm với chó. Vết thương trên mặt trẻ có khi để lại sẹo xấu trên khuôn mặt dù đã được bác sĩ khâu các vết thương kỹ lưỡng. Khi bị giống chó lớn cắn, vết thương có thể rất sâu, gây tổn thương những mạch máu quan trọng có thể đe dọa tính mạng trẻ (vết cắn ở cổ trúng vào các mạch máu ở cổ).
Khi bị chó cắn nên rửa ngay vết thương chó cắn bằng nước ấm và xà bông. Che phủ bằng một miếng băng sạch. Nếu chảy máu nhiều cần băng ép chặt nơi chảy máu ngay để cầm máu. Đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất ngay sau khi sơ cứu...