Đám trẻ cắm mặt vào điện thoại trong đám giỗ của gia đình tôi

Những buổi họp mặt gia đình từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong truyền thống người Việt. Đó là dịp để ông bà, cha mẹ, con cháu sum vầy, trò chuyện, gắn kết sau những ngày tháng bộn bề. Thế nhưng, ngày nay dễ dàng nhận ra: sự tương tác thân mật ấy dường như chỉ còn hiện diện giữa những người lớn tuổi. Còn với nhiều bạn trẻ, khoảng cách thế hệ đang dần trở thành khoảng cách.
Không ít lần, khi tôi hỏi một bạn trẻ về tên hay vai vế của một người họ hàng, câu trả lời nhận được là sự ngập ngừng, thậm chí là không biết. Nếu không có sự chủ động từ cha mẹ, liệu các bạn ấy có tự tìm hiểu, kết nối với họ hàng hay không? Đó là một câu hỏi khiến chúng ta phải suy ngẫm, bởi lẽ nó phản ánh thực trạng ngày càng rõ ràng: sự rạn nứt trong mối quan hệ gia đình.
Tôi từng có dịp trở về quê tham dự một đám giỗ lớn của gia đình. Không khí bên ngoài sân thật nhộn nhịp: người lớn tụ tập hỏi han, cười nói rôm rả, chia sẻ chuyện làm ăn, con cái. Nhưng chỉ cần bước vào trong nhà sẽ là một khung cảnh hoàn toàn khác: con trẻ mỗi đứa ngồi một góc, dán mắt vào điện thoại, tai đeo tai nghe, như thể đang sống trong một thế giới tách biệt.
Câu nói duy nhất vang lên từ phía chúng có khi chỉ là: "Mật khẩu wifi là gì ạ?". Những lời chào hỏi chỉ xuất hiện khi cha mẹ nhắc nhở: "Chào cô đi con". Sự xa cách không còn là trừu tượng nữa, nó hiện diện rõ ràng trong chính những dịp lẽ ra là kết nối nhất.
Nhiều bạn trẻ đổ lỗi cho "khoảng cách thế hệ" khiến họ khó trò chuyện với người lớn. Nhưng thật khó chấp nhận khi ngay cả những anh chị, em họ cùng tuổi cũng không trò chuyện, không quan tâm đến nhau. Phải chăng, trong suy nghĩ của chúng, mối quan hệ bạn bè ngoài xã hội mới là quan trọng, còn họ hàng thì "xa quá, không cần thiết"?
>> 'Cấm học sinh dùng điện thoại để cứu một thế hệ cúi đầu'
Lối tư duy này nếu kéo dài sẽ khiến tình thân trở nên lạnh lẽo, khi ai cũng chỉ quan tâm đến các mối quan hệ mang tính lợi ích trước mắt mà bỏ quên những mối dây gắn kết đã từng nuôi dưỡng mình từ thuở nhỏ. Nếu tình trạng này không được thay đổi, chẳng khó để tưởng tượng một ngày nào đó, những buổi giỗ chỉ còn là nghĩa vụ. Thậm chí tệ hơn, có thể sẽ biến mất hoàn toàn.
Liệu sẽ đến lúc con cháu không còn tụ họp, mà chỉ gửi một tin nhắn trong nhóm chat: "Hôm nay giỗ ông nội nhé, ai rảnh thì thắp cho ông nén nhang"? Liệu đám giỗ – một nét văn hóa thiêng liêng – sẽ bị thay thế bằng một buổi họp Zoom, hay vài dòng tưởng niệm trên mạng xã hội?
Một cái "like" không thể thay cho cái ôm thật sự, và một "comment" không đủ để làm người khác cảm thấy được quan tâm. Tình thân không thể sống bằng ký ức, mà cần được nuôi dưỡng mỗi ngày, bằng sự hiện diện, bằng lời hỏi han, bằng những hành động nhỏ nhưng chân thành.
Người lớn không thể trách giới trẻ vô tâm, vì họ cũng có những áp lực và mối bận tâm riêng. Nhưng giới trẻ cũng cần hiểu rằng: gia đình là nơi sống vì nhau, không phải chỉ là nơi sống cùng nhau. Việc ở chung một mái nhà, cùng ăn một bữa cơm chưa đủ để gọi là gắn kết.
Thực ra, để xích lại gần nhau không cần những hành động lớn lao. Chỉ cần lắng nghe một cách chân thành, mỉm cười với một lời hỏi thăm, ngồi lại cùng nhau bên mâm cơm không có điện thoại, thế là đã đủ để gieo mầm yêu thương. Việc lựa chọn thân thiết hay xa cách, chủ động hay thờ ơ không phụ thuộc vào cha mẹ hay người lớn, mà bắt đầu từ chính mỗi người trẻ.
Phạm Quốc Nguyên