Đại hội đại biểu Đảng bộ TAND Tối cao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030

(Dân trí) - Đảng bộ Tòa án nhân dân Tối cao đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030.
Mới đây, tại Hà Nội, Đảng bộ Tòa án nhân dân Tối cao đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030. Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự đại hội có ông Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và lãnh đạo Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 300 đại biểu đại diện cho 848 đảng viên trong toàn Đảng bộ Tòa án nhân dân Tối cao.
Với phương châm “đoàn kết - đổi mới - trách nhiệm - kỷ cương - liêm chính - hiệu quả”, Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025; xác định phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm kỳ 2025-2030.
Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Lê Minh Trí, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao khẳng định, Đại hội đại biểu Đảng bộ Tòa án nhân dân Tối cao lần thứ I, nhiệm kỳ 2025–2030, là sự kiện chính trị quan trọng của Đảng bộ trong bối cảnh cả nước đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Trước khi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Tòa án nhân dân Tối cao lần thứ I, các chi bộ, đảng bộ trực thuộc đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2025-2027 và 2025-2030.
Ông Lê Minh Trí đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, đóng góp ý kiến tâm huyết, chất lượng cho các nội dung của Đại hội; thảo luận về những giải pháp cụ thể, phù hợp thực tiễn hoạt động của Đảng bộ, chi bộ, của cơ quan, đơn vị, thống nhất ý chí và hành động, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao,...
Tại Đại hội, các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến, đánh giá những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2020-2025; làm rõ việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng bộ, nhiệm kỳ 2025-2030.
Các đại biểu tập trung tham luận về công tác nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu quả công tác tham mưu trong hợp tác quốc tế của Tòa án nhân dân,...
Đại hội nhất trí với các nội dung dự thảo báo cáo chính trị, phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm, các nhóm giải pháp trong nhiệm kỳ 2025-2030; đồng thời xác định 3 nhiệm vụ đột phá là: công tác cán bộ; thể chế; chuyển đổi số và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của Tòa án.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, ông Trần Cẩm Tú ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những thành tích, kết quả toàn diện mà Đảng bộ Tòa án nhân dân Tối cao đạt được trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Nổi bật là Đảng bộ đã chủ động, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nghiên cứu, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về mô hình Tòa án nhân dân.
Theo ông Trần Cẩm Tú, Đảng bộ Tòa án nhân dân Tối cao đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo yêu cầu; gương mẫu trong việc quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, Đảng bộ Tòa án nhân dân Tối cao thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một khối lượng lớn công việc trong xây dựng và thực thi pháp luật...
Ông Trần Cẩm Tú lưu ý, cả nước đang tập trung triển khai những chủ trương, quyết sách chiến lược, mang tính đột phá, nhất là cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng, vận hành chính quyền địa phương hai cấp, đặt ra nhiều vấn đề mới, liên quan trực tiếp đến công tác của ngành Tòa án.
Ông nhấn mạnh, trước yêu cầu ngày càng cao về chấp hành kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự mong đợi, đòi hỏi của nhân dân, ngành tòa án càng phải xác định, quán triệt sâu sắc hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ công bằng, lẽ phải, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân,...
Đảng bộ Tòa án nhân dân Tối cao thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tư pháp, nỗ lực cao nhất; đoàn kết thống nhất phát huy trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,... yêu cầu của ông Trần Cẩm Tú yêu cầu,
Đại hội đã nghe công bố các quyết định của Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ Tòa án nhân dân Tối cao, nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 22 đại biểu; Ban Thường vụ gồm 8 đại biểu; Ủy ban Kiểm tra gồm 6 đại biểu; Đoàn đại biểu Đảng bộ Tòa án nhân dân Tối cao dự Đại hội đại biểu Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương, nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 25 đại biểu chính thức và 3 đại biểu dự khuyết.
Ông Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao được chỉ định tiếp tục giữ chức Bí thư Đảng ủy Tòa án nhân dân Tối cao nhiệm kỳ 2025-2030.
Trong công tác xây dựng và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, Tòa án nhân dân Tối cao được Quốc hội đánh giá cao khi nhiệm kỳ vừa qua đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua 4 dự án luật, 2 nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 5 pháp lệnh, 2 nghị quyết; phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng 27 dự án luật.
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành 8 nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã công bố thêm 33 án lệ, nâng tổng số án lệ được thông qua lên 72 án lệ; có 919 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ.
Việc triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp được Đảng ủy Tòa án nhân dân Tối cao thực hiện nghiêm túc, đã báo cáo Bộ Chính trị thông qua 2 đề án, 1 đề án sẽ được báo cáo vào cuối năm 2025 và đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các đề án khác theo nhiệm vụ được giao.