'Đà Nẵng hội đủ điều kiện trở thành thiên đường chạy bộ khu vực'

"Địa hình Đà Nẵng có khả năng thiết kế các cung đường chạy đa dạng, hội tụ cả biển, sông, cầu và núi trong một phạm vi nhỏ gọn. Đây là đặc điểm mà hiếm thành phố nào tại Việt Nam hoặc khu vực sở hữu", ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đánh giá về lợi thế của thành phố khi tổ chức các giải chạy bộ.
Sự kết hợp giữa thể thao và du lịch đang trở thành xu hướng toàn cầu. Báo cáo Year in Sport 2024 của Strava ghi nhận số giải marathon và ultramarathon toàn cầu tăng 9% trong năm qua. Cùng với đó, số câu lạc bộ chạy bộ tăng 59% và các buổi chạy nhóm từ 10 người trở lên tăng 18%. "Runner hiện không chỉ cần một cuộc đua, mà còn là trải nghiệm toàn diện về địa điểm, dịch vụ, văn hóa", báo cáo nêu.
Tại Việt Nam, hiệu ứng của các giải chạy kết hợp du lịch đã thể hiện rõ. Trong tuần diễn ra VnExpress Marathon (VM) hồi giữa tháng tư, TP Huế đón khoảng 109.000 lượt khách, đạt doanh thu 221 tỷ đồng; còn đầu tháng 6, Hạ Long ghi nhận hơn 246.000 lượt du khách, thu về hơn 690 tỷ đồng từ du lịch dịp giải chạy VM.
Với điều kiện sẵn có, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có lợi thế nổi bật để khai thác mô hình chạy bộ kết hợp nghỉ dưỡng (race-cation). Theo ông Dũng, đường ven biển Mỹ Khê, nơi từng được Forbes vinh danh là một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh, có mặt đường bằng phẳng, không khí trong lành, thích hợp cho các nhóm chạy phong trào. Trong khi đó, khi chạy qua Cầu Rồng, Sông Hàn, Trần Thị Lý, runner có thể ngắm nhìn những công trình biểu tượng, thuận tiện cho việc quảng bá hình ảnh thành phố.
"Riêng các con dốc trên bán đảo Sơn Trà tạo điều kiện cho VĐV yêu thích chạy địa hình. Từ một điểm xuất phát, runner có thể tiếp cận bốn dạng địa hình mà không cần di chuyển xa - một lợi thế hiếm có trong khu vực", ông Dũng nói thêm.
Ngoài yếu tố địa hình, Đà Nẵng còn có khả năng mở rộng không gian tổ chức giải nhờ sự kết nối chặt chẽ với Quảng Nam. Việc thiết kế các cung đường liên tỉnh qua Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn không chỉ gia tăng sức hút với runner quốc tế, mà còn tạo cơ hội phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như tour làng nghề, trải nghiệm bản địa.
Theo ước tính của UNWTO, du lịch thể thao hiện chiếm khoảng 10% tổng chi tiêu du lịch toàn cầu và đang tăng trưởng với tốc độ trung bình 17,5% mỗi năm. Quy mô thị trường này dự kiến đạt gần 870 tỷ USD vào năm 2025, tạo cơ hội lớn cho những điểm đến như Đà Nẵng khi kết hợp đúng giữa sự kiện thể thao và dịch vụ du lịch.
Cơ sở hạ tầng giao thông cũng là lợi thế của thành phố. Sân bay quốc tế Đà Nẵng mỗi ngày đón khoảng 55 chuyến bay quốc tế và hàng trăm chuyến nội địa. Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam và vị trí trung tâm miền Trung giúp dễ dàng tiếp cận từ Hà Nội, TP HCM và các tỉnh lân cận.
Về dịch vụ lưu trú, riêng thành phố Đà Nẵng (cũ) có hơn 1.300 cơ sở, từ resort cao cấp đến khách sạn 3-4 sao và homestay. Dịch vụ ăn uống cũng đáp ứng linh hoạt nhu cầu dinh dưỡng trước và sau cuộc đua. Ngoài đặc sản địa phương như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, thành phố còn có nhiều quán cà phê, nhà hàng phục vụ ẩm thực quốc tế, phục vụ nhu cầu "carb-loading", bữa ăn phục hồi sau race. "Sự đa dạng này tạo điều kiện để runner lựa chọn hình thức nghỉ dưỡng phù hợp ngân sách", ông Dũng đánh giá.
Đặc biệt, môi trường an toàn và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương là yếu tố giúp runner an tâm tập luyện và thi đấu. "Đà Nẵng là một trong những thành phố có độ an toàn cao tại Việt Nam. Runner có thể tập vào sáng sớm hay tối muộn mà không lo ngại về an ninh. Đây là điều rất quan trọng, nhất là với VĐV nữ hoặc khách quốc tế đi một mình", ông nói.
"Tổ chức một giải chạy không chỉ là hoạt động thể thao mà còn là cách quảng bá điểm đến hiệu quả. Với lợi thế địa hình, hạ tầng và chiến lược phát triển đúng hướng, Đà Nẵng hoàn toàn có thể trở thành trung tâm du lịch thể thao hàng đầu khu vực", ông Cao Trí Dũng khẳng định.
Lan Anh