'Đã đến lúc chuyển đổi cách tiếp cận giáo dục trang bị kiến thức' - Báo VnExpress - Báo VnExpress

- Với góc nhìn của một giáo viên đã chứng kiến sự tồn tại của mô hình giáo dục tiếp cận trang bị kiến thức suốt nhiều năm, theo thầy, hệ lụy của nó là gì?
- Mô hình giáo dục tiếp cận trang bị kiến thức - tức là dạy học chủ yếu để truyền đạt và ghi nhớ thông tin - tưởng như vô hại, nhưng để lại hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài và mang tính hệ thống. Đầu tiên và quan trọng nhất, nó thui chột tư duy độc lập và sáng tạo, nói rộng hơn là nó làm mất hầu hết hiền tài đáng ra phải có - nguồn nguyên khí quốc gia.
Phương thức này cũng khiến học sinh quay lưng với các môn khoa học cơ bản như Vật lý, Hóa học, Sinh học. Những môn học từng khơi dậy niềm say mê khám phá - nay trở thành nỗi sợ hãi của nhiều học sinh vì gần như chỉ còn công thức, bài tập, định nghĩa cần thuộc lòng. Các em không được thí nghiệm, không được "thấy" hiện tượng bằng mắt, chỉ biết "giải đề" và "được điểm". Khi kỳ thi qua đi, kiến thức cũng rơi rụng theo, không đọng lại gì cho đời sống hay công việc. Đây chính là căn nguyên sâu xa khiến các ngành công nghệ - kỹ thuật - nghiên cứu ở Việt Nam thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu những người thực sự đam mê và có khả năng đổi mới.
Đội ngũ giáo viên cũng mất động lực làm mới mình. Trong guồng máy dạy để thi, giáo viên trở thành "người luyện thi chuyên nghiệp" hơn là người truyền cảm hứng học tập. Họ không còn thời gian để đầu tư vào đổi mới, xây dựng bài giảng sáng tạo, hay cập nhật phương pháp dạy học hiện đại. Nỗi lo "kết quả lớp thấp sẽ bị đánh giá" khiến thầy cô quay cuồng với đề thi, đáp án, điểm số. Đó là một kiểu mài mòn âm thầm nhưng khốc liệt đối với đội ngũ làm nghề giáo.
Mô hình này cũng gián tiếp làm mất cân bằng giữa thành thị và nông thôn. Nó tạo ra một "cuộc đua học thêm ngầm", nơi những học sinh không có điều kiện kinh tế, không thể học thêm, sẽ tụt lại phía sau. Xã hội cũng dần hình thành tư duy học để đối phó. Nhiều học sinh không còn học vì muốn hiểu, muốn làm chủ tri thức, mà học chỉ để vượt qua kỳ thi, lấy tấm bằng, ghi một con số đẹp vào học bạ. Tư duy "đối phó" dần thay thế động lực "vươn lên" và "trưởng thành".
Hậu quả nghiêm trọng nhất là chất lượng nhân lực suy giảm nghiêm trọng. Các doanh nghiệp than phiền: nhiều sinh viên ra trường thiếu kỹ năng làm việc cơ bản, không thích nghi được môi trường thực tế. Không ít kỹ sư, cử nhân cầm bằng loại giỏi nhưng không hiểu bản chất công việc, thiếu tư duy phản biện, không giải quyết được vấn đề - vì nền tảng của họ chỉ là kỹ năng làm bài thi.
Tình trạng này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân tài khoa học - công nghệ trong tương lai. Một quốc gia không thể phát triển bền vững nếu thế hệ trẻ mất hứng thú với khoa học. "Nguyên khí quốc gia" không thể nảy mầm nếu người học không có không gian để sáng tạo, thử nghiệm và khác biệt.
Xã hội cũng phải trả giá về thời gian, tiền bạc và công sức. Phụ huynh đi làm muộn, về sớm để đưa đón con học thêm; trung tâm tốn điện, người dân tốn xăng, gây kẹt xe và ô nhiễm. Hàng triệu giáo viên, học sinh kiệt sức vì lịch học căng thẳng. Nhưng thiệt hại lớn nhất không phải là vật chất, mà là sự lãng phí tiềm năng: những đứa trẻ từng ham học rồi chán học, từng sáng tạo rồi cam chịu. Đã đến lúc phải nhìn lại thật rõ để có thể bước tiếp thật vững. Đổi mới không thể chỉ là khẩu hiệu, mà phải bắt đầu từ sự thật - và dũng khí đối diện với sự thật ấy.
- Mô hình giáo dục với nhiều bất cập như thầy vừa phân tích, vì sao vẫn tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua?
- Đây là một câu hỏi lớn, liên quan đến nhiều tầng lớp nguyên nhân. Trước hết, mô hình giáo dục hiện nay không tồn tại một cách riêng lẻ, mà gắn với nhiều yếu tố trong hệ thống, từ kỳ thi, chương trình học, sách giáo khoa cho đến cách quản lý ở các cấp. Trong bối cảnh đó, thi cử thường được xem là căn cứ quan trọng để định hướng việc dạy và học. Nhiều trường học, giáo viên và phụ huynh vẫn coi kết quả thi là thước đo khách quan cho chất lượng giáo dục.
Ngoài ra, giáo dục theo hướng trang bị kiến thức phần nào giúp việc quản lý trở nên thuận tiện hơn. Việc kiểm tra đánh giá dựa vào điểm số cụ thể giúp dễ theo dõi, tổng hợp, xếp loại. Từ đó, các tiêu chí như tỷ lệ học sinh khá giỏi, số lượng học sinh đạt giải hay điểm thi cao thường được dùng để đánh giá hiệu quả giáo dục của một nhà trường.
Khi các chỉ số thành tích trở thành tiêu chuẩn phổ biến, nhiều nơi có xu hướng chú trọng vào luyện thi và học thuộc. Học sinh học để thi, giáo viên dạy để học sinh đạt điểm, phụ huynh cũng phải đầu tư thêm thời gian và tài chính. Dần dần, điểm số cao được xã hội mặc định là mục tiêu cần hướng tới.
Việc thay đổi một mô hình giáo dục đã tồn tại lâu dài không phải điều dễ dàng. Thói quen vận hành, tâm lý ổn định, cùng với nhiều mối quan hệ gắn bó trong hệ thống khiến đa số không muốn phá vỡ.