Cựu vương V-League nguy cơ cực cao bị xuống hạng: Vì sao khổ sở đến vậy?

Nhiều đội bóng oanh liệt một thời ở V-League giờ chìm đắm trong cuộc chiến sinh tồn như CLB Đà Nẵng, SLNA, HAGL hay CLB Quảng Nam.
Những cựu vô địch V-League thất thế
Cuộc đua trụ hạng V-League đang diễn ra rất nóng, khi sau vòng 24, vẫn chưa đội nào chắc chắn xuống hạng.
Nhiều khả năng, cục diện chỉ được định đoạt ở vòng 26, khi CLB Đà Nẵng tiếp đón SLNA trên sân Tam Kỳ. CLB Đà Nẵng đang đứng cuối bảng với 21 điểm sau 24 trận, còn SLNA đứng hạng 12 với với 23 điểm sau 24 trận.
Dù bất lợi, nhưng đội Đà Nẵng còn quyền tự quyết. Nếu thắng 2 trận còn lại, thầy trò HLV Lê Đức Tuấn chắc chắn thoát được nguy cơ xuống hạng trực tiếp, mà có thể đi đá play-off, hoặc khả dĩ hơn nữa là trụ hạng luôn.
Cuộc đấu sinh tồn giữa CLB Đà Nẵng và SLNA khiến nhiều CĐV lâu năm không khỏi buồn lòng. Giai đoạn 2009 - 2012, hai đội vẫn còn ở thế đua tranh quyết liệt cho ngai vàng. Đà Nẵng từng vô địch V-League 2009, 2012. Còn SLNA là tượng đài bóng đá Việt Nam với truyền thống hào hùng với 3 danh hiệu V-League, 3 Cúp quốc gia và 4 Siêu cúp quốc gia.
Ở giải trẻ (cấp độ U.17, U.19 và U.21), cũng từng một thời SLNA và Đà Nẵng ganh đua nhau. SLNA là cái nôi của nhiều hảo thủ lẫy lừng trong màu áo tuyển, còn Đà Nẵng cũng có giai đoạn sở hữu đội trẻ (mang tên Trẻ Đà Nẵng) đá giải hạng nhất, thậm chí đứng giữa bảng.
Nhìn rộng ra, cuộc đua trụ hạng mùa này còn có 2 cựu vương, đó là HAGL (vô địch V-League 2003, 2004) và Quảng Nam (vô địch V-League 2017). Một cựu vương khác là CLB Bình Dương (vô địch V-League 2007, 2008, 2014, 2015) cũng chỉ mới chắc suất trụ hạng từ vòng trước.
Hai đội còn lại trong vòng nguy hiểm gồm CLB TP.HCM (á quân V-League 2019) và Bình Định (á quân V-League 2023 - 2024, hạng ba V-League 2022) cũng từng có thời điểm bứt phá. Cả 7 đội bóng nửa dưới bảng xếp hạng có quá khứ huy hoàng, dù ít dù nhiều, song giờ chỉ còn là "cái bóng" nhạt nhòa.
Vì đâu nên nỗi?
"Cơm áo gạo tiền" là lý do đầu tiên trong thất bại của hầu hết các đội V-League.
"Do kiếm tiền từ bóng đá để nuôi bóng đá vẫn là chuyện xa xỉ của nhiều CLB, nên các đội chỉ có thể 'ăn đong' theo mùa. Doanh nghiệp hoặc tỉnh chi tiền thì CLB có tiền, còn bầu sữa doanh nghiệp bị cắt thì đội bóng lao đao. Không nhiều đội bóng có thể duy trì thành công bền vững, bởi đâu biết doanh nghiệp còn 'khỏe' đến khi nào", chuyên gia Đoàn Minh Xương, Trưởng ban bóng đá học đường Liên đoàn Bóng đá TP.HCM lý giải.
Đơn cử, CLB Đà Nẵng từng chi tiêu mạnh ở giai đoạn 2008 - 2012, khi mang về loạt hảo thủ như Almeida, Nguyễn Rogerio, Đỗ Merlo, Minh Phương, Vũ Phong, Thanh Hưng, Phước Vĩnh, Hải Lâm.
Đó là giai đoạn bóng đá sông Hàn "phất cờ" khi từ đội 1 đến đội trẻ đều được chăm chút kỹ lưỡng. "CLB Đà Nẵng có một HLV cá tính như Lê Huỳnh Đức để trị những 'ông sao', cũng vừa đầu tư lực lượng rất mạnh nên có được thành công", HLV Mai Đức Chung chia sẻ.
Tuy nhiên, CLB Đà Nẵng không còn bạo chi suốt 10 năm qua, các đội trẻ cũng đuối dần. Đỉnh điểm là vào năm 2022, U.17 Đà Nẵng từng rút lui khỏi vòng chung kết U.17 quốc gia vì... hết tiền. Cạn nguồn cung từ đội trẻ, số ngôi sao về với CLB Đà Nẵng cũng ít dần. Đội bóng sông Hàn cứ thế thụt lùi, để rồi xuống hạng năm 2023, cố lên hạng trở lại, nhưng vẫn "vật vờ" vì lực lượng mỏng và yếu.
Đó là nỗi niềm chung của cả CLB Quảng Nam, SLNA và HAGL. Những đội này chủ yếu đi mượn quân hoặc dùng cầu thủ tự đào tạo (với nguồn kinh phí thấp), phải chắt bóp từng đồng để tồn tại.
CLB TP.HCM cũng chung phận cạn tiền. "Chiến hạm đỏ" đã không thắng 9 trận gần nhất và rơi xuống hạng 11, trong đó đỉnh điểm là giai đoạn thua 5 trận liên tục gần đây, cầu thủ bị nợ lương, phải gây áp lực đòi quyền lợi.
Dù vậy, không phải đội nào nghèo cũng sa sút, hay giàu có cũng thăng hoa. CLB Thanh Hóa vô địch 3 cúp trong 2 năm bất chấp đội hình khiêm tốn. Ngược lại, CLB Bình Dương được bơm tiền liên tục, song lại trắng tay suốt 7 năm và lục đục nội bộ.
Cách làm bóng đá cũng rất quan trọng. Mà ở khía cạnh này, nhiều đội V-League đã rơi vào lối mòn tư duy cũ kỹ, lạc hậu. Sự suy vong của nhiều cựu vương chỉ là chuyện sớm hay muộn.