Nhảy đến nội dung
 

Cựu chiến binh nhớ lúc bơi qua sông Thạch Hãn, tới bờ mới biết đồng đội hy sinh

Nhiều cựu chiến binh được điều trị, chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (phường Duy Tiên, tỉnh Ninh Bình) mang trong mình thương tật nặng nề, cuộc đời gắn chặt với chiếc xe lăn.

Ở trung tâm này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cựu chiến binh ngồi cạnh nhau trên những chiếc xe lăn rôm rả trò chuyện. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ đều mang trong mình những vết thương chiến tranh khó chữa lành.

Ký ức không thể nào quên

Ông Phạm Minh Liên (SN 1952, quê Hà Tĩnh) kể, ông nhập ngũ năm 1972, tham gia kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam. Đến giờ, ông vẫn không thể quên những ngày tháng cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.  

Đơn vị ông hoạt động ở nhiều địa điểm, đánh xong trận này lại đến trận khác. Có khi, nhiều tháng liền phải hoạt động trong các khu vực rừng rậm âm u, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đến mức không thể tưởng tượng.

“Đêm đêm, giữa rừng sâu, suốt 6-7 tháng trời, tôi cứ mơ mãi về một bữa cơm có rau muống luộc”, ông Liên nói. Trong rừng, bệnh sốt rét lại như cơn lũ quét. “Đồng đội của tôi, có người tối qua còn mắc võng ngủ bên cạnh, sáng hôm sau đã ra đi mãi mãi".

Suốt quãng đời lính, ông tham gia nhiều trận đánh và không thể nào nhớ hết nhưng trận đánh ác liệt tại thành cổ Quảng Trị khiến ông chẳng thể quên.

Ông kể, đêm hè năm 1972, đơn vị ông nhận nhiệm vụ bơi qua sông Thạch Hãn để tập kích các điểm chốt của địch. Địch liên tục bắn pháo sáng. Phát hiện người bơi sang, địch nã đạn, pháo dữ dội. Người may mắn thì bơi được đến bờ, còn không thì mãi mãi nằm lại dưới đáy sông.

“Nhớ lúc bơi đến bờ, tôi ngoảnh lại tìm xung quanh, trong lòng còn thắc mắc đồng đội đi đâu cả rồi. Sau mới biết, họ đã mãi mãi nằm lại dưới đáy sông khiến tôi vô cùng đau xót”, ông Liên nghẹn giọng.

Giờ đây, mỗi khi đọc câu thơ “đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ, đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”, ông lại rưng rưng nước mắt thương nhớ đồng đội xưa.

Phụ thuộc vào chiếc xe lăn

Ông Liên là thương binh hạng 1/4, đã gắn bó với Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên được hơn 40 năm. Ông bị thương đầu năm 1979 khi tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam.

Một mảnh pháo nhỏ ghim vào cột sống, khiến ông bị liệt 2 chân. Sau nhiều năm nằm viện điều trị, năm 1984, ông được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên để tiếp tục chăm sóc dài hạn.

Giờ đây, mảnh pháo ấy vẫn còn nằm trong cơ thể, mỗi khi trái gió trở trời, ông lại đau nhức triền miên.

“Ngày mới bị thương, đang đi lại bình thường mà bỗng chốc không thể đứng lên được, tôi chán nản, suy sụp lắm. Tuy may mắn sống sót trở về nhưng suốt những năm tháng qua, cơ thể gần như lúc nào cũng đau nhức.

Đôi chân tôi không đi lại được nhưng vẫn còn chút cảm giác, mỗi khi trái gió trở trời, trong ống đồng cứ như có hàng nghìn con kiến đang bò, vô cùng nhức nhối, khó chịu”, ông Liên trải lòng.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Vũ Xuân Kiên (69 tuổi, quê Hà Nam cũ, nay là Ninh Bình) cũng là người lính từng tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam. Năm 1978, trong một trận đánh, ông bị đạn AK của địch bắn xuyên vào đốt sống lưng.

Những tưởng vết thương nặng ấy khiến ông không qua khỏi nhưng ông lại được các bác sĩ cứu sống một cách thần kỳ.

Dù vậy, di chứng của vết thương cột sống khiến ông bị liệt 2 chân, tỷ lệ thương tật 98%. Cuộc đời ông từ đó phải gắn chặt với chiếc xe lăn. Những năm gần đây, một chân của ông bị hoại tử và phải cắt bỏ.

Lãnh đạo Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên cho biết, nơi đây đang quản lý, điều trị, nuôi dưỡng và thực hiện chế độ chính sách cho 55 thương, bệnh binh nặng, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. 

Đa số các thương, bệnh binh đang được điều trị tại trung tâm đều bị bệnh lý đặc biệt về cột sống, hầu như không thể tự vận động, đi lại được mà hoàn toàn phụ thuộc vào chiếc xe lăn và sự giúp đỡ của mọi người.

Hoà bình là món quà lớn lao

Ở nơi đây, mỗi thương, bệnh binh có một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều lạc quan, động viên, cổ vũ nhau cố gắng, chủ động tự làm mọi việc như nấu ăn, giặt giũ. Chỉ những khi trái gió trở trời, sức khỏe yếu đi, họ mới nhờ đến y, bác sĩ.

Nhiều người đã tìm thấy một nửa của đời mình. Họ lập gia đình, xây dựng tổ ấm. Có người sống ở bên ngoài, có người sống tại khu gia đình của trung tâm, nuôi dạy con cái trưởng thành, tiếp nối những ước mơ từng dang dở vì chiến tranh.

Như trường hợp ông Lê Mạnh Tấn (SN 1956, quê Thanh Hóa), thương binh hạng 1/4, gắn bó với trung tâm từ năm 1984.

Hơn 40 năm ngồi trên xe lăn, ông Tấn đã dần quên đi mặc cảm thương tật. Năm 1989, ông nên duyên với bà Vũ Thị Thu (SN 1970). Họ được cấp một căn nhà tình nghĩa ở gần trung tâm và có một con trai sinh năm 1993, hiện là quân nhân.

Ông Liên cũng xây dựng tổ ấm từ năm 2000 và cũng có một người con. Gia đình ông hiện sống rất hạnh phúc tại khu nhà ở gia đình của trung tâm.

Sau bao mất mát, giờ đây, với những người lính mang trong mình vết thương của chiến tranh, hoà bình là một món quà lớn lao, vô cùng trân quý. Dù một phần xương máu đã nằm lại chiến trường khốc liệt, họ vẫn cảm thấy mình may mắn.

“Chúng tôi bị thương nhưng vẫn còn được sống, được nhìn trời, nhìn đất, được trở về quê hương, chứng kiến đất nước hoà bình, phát triển. Như vậy, đối với tôi, đã là may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã ngã xuống.

Có từng vào sinh, ra tử, trải qua những ngày, tháng chiến tranh gian khổ mới biết được cuộc sống quý giá đến nhường nào. Bởi hoà bình đâu dễ có được”, ông Liên xúc động nói.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn