Cứu 2 bệnh nhân mạch vành nặng nhờ công nghệ phá vôi lòng mạch hiện đại

Bệnh viện FV vừa thực hiện thành công 2 ca can thiệp mạch vành đầu tiên tại Việt Nam với công nghệ phá vôi lòng mạch bằng sóng xung siêu âm.
Phá vôi lòng mạch bằng sóng xung siêu âm là kỹ thuật tiên tiến, tạo bước đột phá trong điều trị các tổn thương vôi hóa nặng ở lòng mạch mà các phương pháp truyền thống không xử lý được.
Bằng việc ứng dụng công nghệ IVL trong phá vôi lòng mạch, các bác sĩ Bệnh viện FV có thể xử lý được các ca bệnh mạch vành bị vôi hóa nặng mà trước đây thường phải mổ hở hoặc chấp nhận nguy cơ tái hẹp sau can thiệp.
Trường hợp đầu tiên là một bệnh nhân nữ (67 tuổi), có tiền sử đặt stent mạch vành cách đây vài năm tại một bệnh viện khác ở TP.HCM. Tuy nhiên, do mạch bị vôi hóa quá nặng, stent không thể nở hết, dẫn đến tình trạng hẹp tái phát. Bệnh nhân được can thiệp nhiều lần bằng bóng nong và thậm chí cả kỹ thuật RotaPro (thiết bị đầu khoan kim cương) đều không mang lại hiệu quả rõ rệt.
Tiến sĩ - bác sĩ Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch - Tim mạch can thiệp, Bệnh viện FV quyết định sử dụng bóng IVL - loại bóng có khả năng phát ra sóng xung siêu âm nhằm phá vỡ mảng vôi hóa. Sau 6 chu kỳ sóng, tổn thương được mở ra hoàn toàn, stent nở tối ưu, máu lưu thông tốt. "Ngay sau thủ thuật, bệnh nhân hết tức ngực và khó thở. Kết quả hình ảnh cũng cho thấy dòng máu nuôi tim đã phục hồi hoàn toàn", tiến sĩ - bác sĩ Hồ Minh Tuấn chia sẻ.
Ca bệnh thứ hai phức tạp hơn. Bệnh nhân nữ (89 tuổi) bị hẹp nặng thân chung mạch vành trái - khu vực nuôi đến 70% khối lượng tim. Tổn thương vôi hóa quá nặng, nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp kịp thời. Ê kíp bác sĩ tại FV đã phối hợp sử dụng công nghệ RotaPro để phá lớp vôi bề mặt, sau đó dùng công nghệ IVL để phá sâu vào phần canxi dưới lớp nội mạc. Hình ảnh kiểm tra cho thấy lòng mạch đã "thông thoáng", không còn tồn lưu vôi hóa. Khi đó, bác sĩ tiến hành đặt stent động mạch vành và kiểm tra bằng hình ảnh quang học trong lòng mạch OCT. Kết quả, bệnh nhân hồi phục tốt sau thủ thuật.
Công nghệ phá vôi lòng mạch là kỹ thuật đột phá trong can thiệp tim mạch
Theo tiến sĩ - bác sĩ Hồ Minh Tuấn, kỹ thuật IVL không chỉ tạo ra bước tiến kỹ thuật trong can thiệp tim mạch tại Việt Nam mà còn giúp nâng cao đáng kể mức độ an toàn cho người bệnh. So với các phương pháp truyền thống như bóng nong hoặc đầu khoan kim cương RotaPro, IVL cho thấy khả năng xử lý hiệu quả các mảng vôi hóa "cứng đầu" mà không gây tổn thương mô lành, hạn chế tối đa biến chứng trong và sau thủ thuật.
"IVL sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh tỷ lệ mắc các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, bệnh thận mạn đang gia tăng. Những yếu tố này khiến tổn thương mạch vành ngày càng phức tạp và vôi hóa nặng hơn. IVL chính là giải pháp hiệu quả để xử lý các ca bệnh vốn trước đây thường phải chuyển sang mổ hở hoặc chấp nhận nguy cơ tái hẹp sau can thiệp", bác sĩ Hồ Minh Tuấn nhận xét.