Cuốn sách giúp độc giả trở thành 'nhà báo công dân' và kiếm tiền nền tảng số

Cuốn sách "Báo chí công dân, mạng xã hội và PR trong kỷ nguyên mới" của tác giả Nguyễn Bá Ngọc mang đến kiến thức thực tế cho người dùng mạng xã hội về cách trở thành “nhà báo công dân” và tạo thu nhập từ các nền tảng số.
Tác giả Nguyễn Bá Ngọc mới có buổi giao lưu, giới thiệu cuốn sách Báo chí công dân, mạng xã hội và PR trong kỷ nguyên mới do Saigon Books phát hành tại TPHCM.
Trong bối cảnh truyền thông số đang thay đổi mạnh mẽ, khái niệm "báo chí công dân" dần trở thành tâm điểm thảo luận toàn cầu. Tại Việt Nam, đây vẫn là lĩnh vực khá mới mẻ và thiếu nền tảng học thuật rõ ràng.
Bằng lăng kính của người làm báo và người quan sát sâu sắc sự chuyển mình của truyền thông số, tác giả Nguyễn Bá Ngọc những góc nhìn về vấn đề này thông qua cuốn sách Báo chí công dân, mạng xã hội và PR trong kỷ nguyên mới.
Cuốn sách gồm 5 phần chuyên sâu, bao gồm nội dung về báo chí công dân, quan hệ công chúng trong kỷ nguyên mới và cách ứng phó với các thách thức PR hiện đại. Đặc biệt, tác phẩm bàn sâu về "thế lực truyền thông mới", chỉ ra con đường chủ động hành nghề cho các nhà báo và cách ứng dụng vào công việc PR.
Tác giả đề cập đến "kỷ nguyên mới" - thời đại bùng nổ thông tin với vô số kênh truyền thông, sự ra đời của trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của chúng đến ngành truyền thông.
Cuốn sách không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn trình bày nền tảng căn bản của báo chí hiện đại, từ đó chỉ ra tác động ngày càng mạnh mẽ của các lực lượng thông tin mới.
Theo tác giả Nguyễn Bá Ngọc, bất kỳ ai cũng có thể trở thành "nhà báo công dân" khi sở hữu điện thoại di động thông minh và tài khoản mạng xã hội để ghi lại, chia sẻ những vấn đề, sự kiện trong cuộc sống. Những khoảnh khắc này đôi khi mang tính thời sự, xã hội mà báo chí chính thống chưa kịp tiếp cận.
Tuy nhiên, tác giả nhấn mạnh về mặt trái của "báo chí công dân" khi người dùng lạm dụng mạng xã hội để thực hiện một số hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức và vi phạm pháp luật.
“Người dùng cần cẩn trọng khi cung cấp thông tin - đây không chỉ là vấn đề nghiệp vụ mà còn là đạo đức. Họ cần trang bị kiến thức xã hội để có nhận định đúng đắn, cung cấp thông tin kịp thời và chính xác. Việc phát tán thông tin sai sự thật, dù vô tình hay cố ý, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và cuộc sống của người khác”, tác giả Nguyễn Bá Ngọc chia sẻ.
Đối với việc phát triển kinh tế từ mạng xã hội, tác giả khuyến nghị người dùng nên chọn một lĩnh vực cụ thể và phát triển chuyên sâu như review công nghệ, chia sẻ cuộc sống hàng ngày, ẩm thực... Việc tập thói quen ghi lại khoảnh khắc hoặc chia sẻ những điều tích cực cũng là một cách để phát triển tư duy sáng tạo của mỗi người.