'Cuộc chiến' nhấc các con ra khỏi phòng điều hòa

Những ngày hè nóng nực này, máy điều hòa gần như là vật 'bất ly thân' của một số trẻ em phố thị. Làm thế nào để nhấc các con ra khỏi căn phòng mát lạnh ấy hẳn sẽ là câu hỏi không của riêng bà mẹ nào. Thậm chí, đó còn là 'cuộc chiến' đầy quyết liệt với chính những người mẹ trẻ như tôi.
Chiều mùa hạ, mở cánh cửa hé ra, chao ơi là nắng, dù đã 4 giờ chiều. Không khí ngột ngạt bủa vây cộng hưởng với hơi nóng từ mặt đường nhựa bốc lên, hơi nóng tỏa ra từ những mái tôn, những khối bê tông cốt thép của các tòa nhà... hầm hập.
Tất cả như một đạo quân bất hảo hợp sức chống lại “âm mưu” nhấc con ra khỏi điều hòa của tôi. Ngần ngại, tôi rụt chân quay trở vào nhà. Nhưng rồi ý nghĩ sao mình có thể đầu hàng đơn giản thế xẹt qua như một tia chớp khiến “liêm sỉ” trong tôi trỗi dậy. Tôi lại kiên trì “dụ dỗ” cái tôi lười biếng, “dụ dỗ” đàn con bằng bao lời đường mật.
Tôi thúc chúng lên xe, bắt đầu cuộc “thám hiểm” thiên nhiên kỳ thú.
Nhấc các con ra khỏi điều hòa không dừng lại ở việc tiết kiệm điện đơn thuần
Nơi chúng tôi đặt chân là khu công nghiệp cách nhà chừng 500 mét. Cả một con đường thênh thang, những hàng cây, những khóm hoa bên đường chính là “thiên đường” lý tưởng cho chúng tha hồ tung tăng chạy nhảy và khám phá.
Chán chê, chúng đi lượm những viên sỏi nhỏ, chơi ô ăn quan, rồi đuổi bắt, thả diều. Những cánh diều bay lên, bay mãi như “đánh cắp” hoàn toàn tâm trí của những đứa trẻ mà chỉ vừa ít phút trước đó rên rỉ kêu gào vì nóng. Chúng ríu rít sà vào từng bụi cỏ, ngắt những bông hoa sài đất, xuyến chi, rồi đuổi theo những chú châu chấu, cào cào, tiếng nói cười khanh khách khuấy động cả chiều quê yên tĩnh.
Ngồi ngắm tụi trẻ “tan” vào thiên nhiên mới thấy việc nhấc con ra khỏi điều hòa không dừng lại ở việc tiết kiệm điện đơn thuần. Tôi đã không cảm thấy tiếc thời gian của bản thân vì được “đồng lõa” cùng bọn trẻ. Bởi những chuyến đi đó đã đánh thức bao nhiêu điều khác mà bấy lâu căn phòng đã “nhốt” chúng lại tách biệt với thế giới bên ngoài, và không chỉ vậy, căn phòng cũng “trói” cả chính tôi khiến tôi như một cỗ máy lúc nào không hay nữa.
Để thay đổi “thực đơn” cho thị giác, ngày nghỉ cuối tuần tôi thu xếp cho tụi trẻ về quê, khám phá vườn nhà, đến thăm triền sông quê hương, nơi có những vạt cỏ xanh như ngọc, ngắm những con tàu chầm chậm trôi. Rồi tôi mua vé phà sang sông để cho các con cảm nhận những điều tuyệt diệu bên bờ kia sông mà tuổi thơ tôi chưa có dịp rong chơi và khám phá. Chúng háo hức, vỡ òa hạnh phúc vì không thể tin rằng thế giới ngoài kia có nhiều điều đẹp thế.
Nhưng không thể cứ đi và đi, tôi đã nghĩ ra những cách nhấc con ra khỏi căn phòng bằng việc khuyến khích con ngồi đọc sách ngay dưới bóng cây trước cửa nhà, bên ô cửa sổ thơm ngát hương hoa, hay phụ mẹ nấu cơm, dọn nhà… Chính những việc ấy đã khiến chúng “bỏ rơi” căn phòng điều hòa lúc nào không hay. Bởi bản tính của trẻ là ưa vận động và khám phá.
Nhiều lúc ngồi ngẫm lại, tôi mới giật mình, thực chất đó là "cuộc chiến" của tôi với chính bản thân. Ngay ông xã tôi cũng không ít lần cấm cản, bắt con ngồi yên trong điều hòa “cho lành”, và còn cằn nhằn vì những chuyến đi đầy tốn kém. Tệ hơn, anh phàn nàn: “Tiết kiệm điện chẳng thấy đâu, chỉ thấy đi nhiều tốn thêm tiền”. Nhưng anh đã lầm, anh không hiểu được rằng, có những thứ các con được nạp vào mà không thể mua bằng rất nhiều tiền, chúng là vô giá.
Và "cuộc chiến" nhấc con ra khỏi điều hòa không hề đơn giản, nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục để không chỉ làm giàu đời sống tinh thần cho các con, mà còn làm giàu môi trường thiên nhiên thêm sức khỏe cho chính bản thân cha mẹ nữa…