Nhảy đến nội dung
 

Công nghiệp TP.HCM: Quy mô mới, cần tầm nhìn mới

Siêu đô thị TP.HCM đang đứng trước một ngưỡng cửa phát triển công nghiệp hoàn toàn mới nhưng liệu có biến tiềm năng thành hành động, hay tiếp tục mất nhịp vì "logistics đứt gãy, quy hoạch vênh và tư duy cũ kỹ"?

Đó là vấn đề được tập trung tìm lời giải đáp xuyên suốt tọa đàm "Động lực phát triển công nghiệp TP.HCM - Từ tiềm năng đến hành động" sáng 17-7, do Sở Công Thương phối hợp báo Tuổi Trẻ tổ chức.

"Phân vai" và có mô hình hợp lý

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng siêu đô thị TP.HCM cần tái cấu trúc không gian công nghiệp theo nguyên tắc "phân vai": TP.HCM cũ giữ vai trò bộ não trung tâm R&D, tài chính, điều phối sản xuất. 

Bình Dương - Đồng Nai là cực sản xuất công nghệ cao. Bà Rịa - Vũng Tàu đóng vai trò trung tâm cảng biển và công nghiệp năng lượng. Long An là trung tâm chế biến nông sản gắn liền ĐBSCL. Tây Ninh, Bình Phước giữ vai trò vệ tinh logistics và nguyên liệu.

TS Huỳnh Thanh Điền (ĐH Nguyễn Tất Thành) gọi đây là "trục lõi chuỗi giá trị công nghiệp", với TP.HCM mở rộng làm hạt nhân dẫn dắt - từ thiết kế, sản xuất đến logistics. Nhưng để trục này vận hành, ông nhấn mạnh cần một cơ quan đủ quyền lực "chủ xị" liên kết vùng. "Nếu không cảng Cái Mép sẽ vẫn tiếp tục đợi hàng, còn container thì kẹt xe ở cao tốc", ông nói.

Trong khi đó, TS Trương Minh Huy Vũ, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chỉ rõ bài toán quy hoạch giá đất công nghiệp khu TP cũ cao khiến doanh nghiệp ngán ngại. Theo ông, cần phải mở rộng sang Bình Chánh, Củ Chi, quy hoạch các cụm công nghiệp đan xen đô thị, nơi người lao động được sống, làm việc, học tập trong một không gian chung.

Ông cũng cảnh báo rằng nếu không có mô hình tích hợp, sẽ tiếp tục xảy ra sự đứt gãy như hiện nay người lao động ở một nơi, làm việc ở nơi khác, thiếu kết nối hạ tầng xã hội, dịch vụ và logistics. Mô hình cũ đang tự làm khó mình và tạo ra chi phí xã hội khổng lồ.

Bên cạnh đó ông Vũ đặc biệt lưu ý đến vai trò của công nghiệp biển và năng lượng tái tạo trong chiến lược phát triển mới. Với đường bờ biển dài từ Cần Giờ đến Xuyên Mộc, TP.HCM có thể phát triển cụm công nghiệp ven biển hiện đại, tích hợp điện gió ngoài khơi, logistics hàng hải và sản xuất công nghiệp nặng, điều mà không phải địa phương nào cũng có lợi thế tự nhiên để làm.

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

TS Trần Du Lịch, chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện nghị quyết 98 của Quốc hội, cho biết Đảng, Nhà nước đã lựa chọn đường đi của đất nước không phải dựa theo trình tự thông thường, mà là giải các "bài toán ngược". Đó là đặt ra các đề bài Việt Nam sẽ là gì vào năm 2030, vào năm 2045, từ đó để tính toán giải bài toán này.

Theo ông Lịch, TP.HCM phải giải bài toán một cách tiên phong, nếu đi theo kiểu "sách giáo khoa" thì sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Công nghiệp TP.HCM không thể tăng trưởng theo chiều ngang, dùng lao động rẻ mà cần chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. 

Công nghiệp không thể tăng được hai con số nếu không tăng giá trị. Công nghiệp của TP.HCM mới phải là nơi vận dụng tốt nhất nghị quyết về phát triển công nghệ, chuyển đổi số...

Ông Lịch cho rằng TP.HCM mới phải làm ngay, điều chỉnh quy hoạch trên quy mô mới, tầm nhìn mới. Hiện nay Bình Dương cũ có quy hoạch quỹ đất công nghiệp 25.000ha, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ 16.000ha, TP.HCM cũ có 8.000ha hiện hữu và 1.000ha diện tích công nghệ cao.

Ông đề xuất cần tính toán lại, khu vực TP.HCM cũ không nhất thiết cần quỹ đất công nghiệp theo mức đó, mà có thể chuyển dịch sang Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hình thành "vành đai công nghiệp đô thị dịch vụ" từ Bình Dương về Cái Mép - Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Lịch cho rằng phải nghiên cứu đánh giá từng ngành, nhóm ngành để gia tăng tỉ trọng giá trị trên giá trị sản phẩm. Nên xây dựng một khu thương mại tự do ở Cái Mép - Thị Vải, giúp các doanh nghiệp các khu công nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó cũng là cơ hội để chuyển đổi các khu công nghiệp thành các trung tâm logistics.

Với ngành may mặc, cần hình thành các khu tập trung cung ứng nguyên liệu cho ngành dệt may, da giày, có lộ trình giảm phụ thuộc về nguyên liệu vào Trung Quốc.

Lo tắc đường, phí logistics cao

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công Thương, thẳng thắn nhìn nhận TP.HCM dù đóng góp 30% GRDP vẫn đối mặt nhiều điểm nghẽn chi phí logistics cao, thiếu đất công nghiệp sạch, công nghệ sản xuất lạc hậu, tự động hóa thấp, và sức ép từ các rào cản thương mại quốc tế.

TS Trương Minh Huy Vũ chia sẻ tại hội thảo rằng hàng hóa từ Tân Uyên, Bàu Bàng (Bình Dương) về Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) khá lâu. Doanh nghiệp logistics rên rỉ chi phí cao, tốc độ chậm, quá phụ thuộc vào đường bộ. 

Ông Vũ cho biết đang đề xuất đầu tư đường sắt chuyên dụng nối khu công nghiệp với cảng, giảm áp lực đường bộ, tăng hiệu suất chuỗi cung ứng. Muốn công nghiệp phát triển hai con số thì chuỗi logistics phải liền mạch, đa phương thức. Không thể cứ để container kẹt ở quốc lộ, còn cảng nước sâu thì chờ tàu rỗng. TP.HCM phát triển mạnh hơn cần điều chỉnh gắn kết hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển mới và hình thành khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ.

Theo ông Vũ, Quốc hội đã cho phép kéo dài nghị quyết 98, nhưng cơ chế đặc thù hiện nay vẫn chưa bao phủ hết các khu vực quan trọng như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. "Chúng tôi đang đề xuất một cơ chế vượt trội hơn cho toàn vùng đô thị mới", ông nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Duy, phó tổng giám đốc Becamex, cho biết về hạ tầng, Becamex đang tập trung ba hướng chiến lược: phát triển khu công nghiệp sinh thái để thu hút đầu tư công nghệ cao và thân thiện môi trường; đầu tư mạnh vào giao thông huyết mạch như quốc lộ 13, tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, đường vành đai 4 và đặc biệt là kết nối logistics liên vùng thông qua đường sắt chuyên dụng nối các khu công nghiệp phía bắc TP.HCM, Bình Dương với cảng Cái Mép - Thị Vải nhằm giảm phụ thuộc vào đường bộ, tăng hiệu quả xuất nhập khẩu.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn