Nhảy đến nội dung
 

Có nên tha thứ cho ngoại tình?

"Tôi sốc, oán giận và sau đó là buồn", cô nhớ lại. Tan là một nhân viên văn phòng ở Singapore, đã kết hôn 5 năm. Cô chưa từng nghi ngờ chồng dù anh thường xuyên về muộn với lý do "đi nhậu cùng bạn".

Chồng Tan, anh Leo, 35 tuổi, thừa nhận đã có mối quan hệ với người thứ ba hơn một năm, chủ yếu để giải tỏa nhu cầu thể xác và trốn tránh "cảm xúc tiêu cực không thể chia sẻ" với vợ.

Theo tiến sĩ tâm lý Scott Haltzman khoảng 25% nam giới và 15% nữ giới ở Singapore từng ngoại tình ít nhất một lần.

Số liệu từ Bộ Thống kê Singapore cho thấy năm 2020, 53% số đơn ly hôn được nộp có lý do ngoại tình hoặc "hành vi không thể chấp nhận". Các chuyên gia ở Singapore Counselling Centre, đơn vị tư vấn, trị liệu gia đình và hôn nhân, cho biết hành vi phản bội không hiếm.

Tuy vậy, nhiều người quá tổn thương hoặc xấu hổ nên không thể nói ra, dù vẫn muốn cứu vãn mối quan hệ. Họ đặt ra câu hỏi sau khi bị phản bội, nên tiếp tục hay dừng lại?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ngoại tình hiếm khi diễn ra tức thời mà thường xuất phát từ rạn nứt kéo dài trong mối quan hệ, khi niềm tin và kết nối cảm xúc dần suy giảm.

Chuyên gia tư vấn Beverly Foo ở trung tâm trị liệu hôn nhân The Lighthouse Counselling, cho biết nhiều vợ chồng phải căng sức giữa công việc áp lực cao và trách nhiệm nuôi con, khiến thời gian dành cho nhau trở thành điều đầu tiên bị cắt giảm.

Khi sự thân mật suy giảm, mối quan hệ dễ trở thành nguồn căng thẳng. Foo nhận định khoảng cách lớn dần khiến hai người đầu tư ít hơn vào cuộc hôn nhân, dẫn đến gia tăng oán giận, giảm trân trọng và tập trung vào thiếu sót.

Trong trạng thái bị bỏ rơi về cảm xúc hoặc dễ tổn thương, một hoặc cả hai có thể bắt đầu bước qua ranh giới với người khác. Mối liên kết ngoài luồng có thể mang lại cảm giác được quan tâm và theo thời gian, họ cho phép mình được phản bội.

Trong khi đó, Tammy Fontana, chuyên gia tư vấn ở All in the Family, cho rằng ngoại tình không phải lúc nào cũng phản ánh vấn đề đạo đức cá nhân mà thường là dấu hiệu của những bất ổn trong quan hệ vợ chồng.

Bà nói thêm, hành vi này có thể bắt nguồn từ việc "thiếu trưởng thành cảm xúc", trầm cảm, tổn thương chưa được xử lý hoặc rối loạn liên quan đến nghiện. Theo các chuyên gia, định kiến xã hội khiến nhiều người né tránh nói về ngoại tình vì cho rằng đây là chủ đề nhạy cảm hoặc đáng xấu hổ.

Tuy nhiên, việc một người ngoại tình không nhất thiết chấm dứt mối quan hệ.

Các chuyên gia cho rằng yếu tố thực tế như con nhỏ hoặc phụ thuộc tài chính có thể ảnh hưởng đến quyết định tiếp tục hay dừng lại. "Phản ứng của hai bên sau sự việc thường mang tính quyết định", bà Beverly Foo, giám đốc trung tâm trị liệu tâm lý The Lighthouse Counselling, nói.

Nếu người phản bội nhận hoàn toàn trách nhiệm, cắt đứt mối quan hệ ngoài luồng và thể hiện sự hối lỗi rõ ràng qua hành động đáng tin cậy, mối quan hệ vẫn có cơ hội được hàn gắn. Người bị tổn thương cũng cần đủ an toàn về mặt cảm xúc để mở lòng với quá trình này.

Vợ chồng Tan là một ví dụ. Cô đồng ý cho chồng cơ hội vì hai con nhỏ và chồng chấm dứt liên lạc với người phụ nữ kia.

"Không có những điều đó, tôi nghĩ chúng tôi không thể đi tiếp", cô nhớ lại. Ngay cả sau khi bị phản bội, hai người vẫn có thể giữ sự kết nối cảm xúc, lịch sử chung hoặc sự tôn trọng lẫn nhau.

Để vượt qua phản bội, mỗi người cần bắt đầu bằng việc kiểm soát cảm xúc của chính mình.

Vợ chồng có thể tạm thời sống riêng để giảm căng thẳng và ngăn xung đột leo thang. Họ nên trì hoãn các quyết định lớn như chia tay cho đến khi cảm xúc lắng xuống. Gia đình hoặc bạn bè thân thiết có thể hỗ trợ các công việc hàng ngày như chăm sóc con cái trong thời gian này.

Khi tâm trạng đã ổn định, hai người cần đối thoại thẳng thắn về những cảm xúc và nhu cầu từng bị bỏ qua. Người phản bội có trách nhiệm trả lời trung thực mọi câu hỏi từ người còn lại. Nếu cả hai cảm thấy trao đổi trở nên quá căng thẳng, họ nên cân nhắc tìm đến trị liệu quan hệ để được hỗ trợ.

Để tái thiết lập niềm tin, hai người cần thống nhất các ranh giới rõ ràng và duy trì sự minh bạch. Người từng phản bội có thể chia sẻ tài khoản cá nhân, cập nhật lịch trình thường xuyên và tránh mọi hành vi giấu giếm.

"Tôi đã phải bỏ rượu, báo trước thời gian về nhà và thường xuyên hỏi han vợ", Leo nói. Những hành động này đã giúp vợ chồng anh duy trì kết nối và dần phục hồi sau khủng hoảng.

Ngọc Ngân (Theo CNA)

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn