Có 'móc ngoặc' của một số cán bộ với hàng giả, hàng nhái, đại biểu đề nghị kiểm tra cơ quan quản lý

Hàng giả, gian lận thương mại có thể coi là một quốc nạn ở nhiều phương diện và có hiện tượng "móc ngoặc" của một số cán bộ công quyền suy thoái đạo đức, lối sống.
Sáng 17-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội và quyết toán ngân sách nhà nước.
Nhiều đại biểu thảo luận về việc phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại đang được triển khai quyết liệt trên toàn quốc.
Sản xuất, buôn bán hàng giả diễn biến phức tạp
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) điểm lại năm 2024, phát hiện xử lý 47.135 vụ. 4 tháng đầu năm 2025, đã bắt giữ và xử lý hơn 30.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.892 tỉ đồng, khởi tố hình sự 1.450 vụ, hơn 2.100 đối tượng.
"Tình hình cho thấy sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, buôn lậu diễn biến phức tạp bất chấp nỗ lực của các cơ quan chức năng", ông Tám nói.
Theo ông Tám, hàng giả, hàng nhái gây thiệt hại kinh tế, đe dọa sức khỏe người dân, làm suy giảm uy tín doanh nghiệp, giảm niềm tin vào hàng hóa trong nước, cản trở phát triển kinh tế, thất thu ngân sách và gây bất ổn xã hội.
Hơn nửa triệu sản phẩm hàng giả tồn tại gần 5 năm trên thị trường, thực phẩm giả, thuốc giả, mỹ phẩm giả và các hàng giả khác lưu hành thị trường nhiều năm qua cho thấy thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả rất tinh vi và phức tạp.
Đường dây sản xuất, buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng liên quan đến cán bộ, Bộ Công an đã bị khởi tố. Nhiều vụ việc khác cho thấy sự tiếp tay của cán bộ thoái hóa. Hàng giả tràn lan trên mạng xã hội, được người nổi tiếng quảng cáo rầm rộ, gây khó khăn cho người tiêu dùng phân biệt.
Nâng tầm phòng chống hàng giả, gian lận thương mại thành chiến lược quốc gia
Đại biểu Tô Văn Tám cho hay đầu tháng 5-2025, nghị định 46 nhấn mạnh tăng cường quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thể hiện quyết tâm của Chính phủ bảo vệ người tiêu dùng và trật tự thị trường.
Để chống hàng giả, gian lận thương mại hiệu quả, ông Tám đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý sản xuất, buôn bán hàng hóa và an toàn thực phẩm ở cả trung ương và địa phương, do tình hình vẫn rất phức tạp.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, rà soát quá trình tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đó như thế nào.
Cần xem thử tính thống nhất trong quản lý như thế nào, có tình trạng nhiều đầu mối quản lý kiểm soát nhưng phản ứng chậm, có sự chồng chéo trong quản lý hay có lỗ hổng nào để chấn chỉnh và xử lý.
"Hàng giả, gian lận thương mại có thể coi là một quốc nạn ở nhiều phương diện. Bởi hệ lụy xã hội mà nó tạo ra, hệ lụy xã hội và đạo đức rất nặng nề, quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi và có hiện tượng "móc ngoặc" của một số cán bộ công quyền suy thoái đạo đức, lối sống.
Bởi vậy, phòng chống hàng giả, gian lận thương mại cần được nâng lên tầm chiến lược quốc gia để có quyết sách và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống hàng giả, gian lận thương mại", ông Tám nêu.