Cô đi mà lấy chồng tôi bản Nhật giảm drama, đẩy chuyện chữa lành

Giữ nguyên tinh thần trả thù nhưng được tiết chế kịch tính và đẩy mạnh yếu tố chữa lành, Cô đi mà lấy chồng tôi bản Nhật được dự đoán sẽ vượt qua bản gốc Hàn Quốc và bùng nổ toàn cầu.
Theo Yahoo Japan, bộ phim Cô đi mà lấy chồng tôi (Marry my husband) bản Nhật hiện đang "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến.
Lên sóng ngày 27-6, phim nhanh chóng lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng chương trình truyền hình của Prime Video Nhật Bản. Đáng chú ý, bản Hàn cũng đứng ngay sau ở vị trí thứ 2 tính đến ngày 10-7, cho thấy sức hút của cùng một cốt truyện được thể hiện qua hai lăng kính văn hóa khác nhau.
Cô đi mà lấy chồng tôi bản Nhật sát nguyên tác
Cô đi mà lấy chồng tôi bản Nhật là dự án hợp tác Nhật - Hàn, chuyển thể từ webtoon cùng tên của Naver. Phim do đạo diễn Ahn Gil Ho cầm trịch, biên kịch Satomi Oshima chấp bút, bộ đôi diễn viên là Sato Takeru và Koshiba Fuka thủ vai chính.
Phiên bản Hàn ra mắt đầu năm 2024 với sự tham gia của Park Min Young và Na In Woo đã gây sốt nhờ sự kết hợp giữa yếu tố trả thù kịch tính và chất hài hước vừa đủ.
Theo nhà sản xuất Son Ja Young - người tham gia sản xuất cả hai phiên bản, khán giả có thể "xả stress" khi thoải mái chỉ trích các nhân vật phản diện, trong khi vẫn theo dõi hành trình lật ngược thế cờ đầy hấp dẫn của nhân vật chính.
Nội dung phiên bản Nhật vẫn giữ nguyên khởi đầu như bản Hàn. Tuy nhiên so với bản Hàn vốn đậm màu sắc "cẩu huyết", bản Nhật tiết chế nhiều yếu tố kịch tính, thay vào đó tập trung vào hành trình hai nhân vật chính quay về quá khứ để "viết lại kịch bản đời mình".
Phim xoay quanh nhân vật Misa (Koshiba Fuka) mắc bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối.
Cô bị bạn thân Rena (Shiraishi Sei) cướp chồng là Tomoya (Yokoyama Yuu), người sau đó còn âm mưu chiếm đoạt tiền bảo hiểm nhân thọ của cô và đẩy cô từ trên cao xuống khiến cô thiệt mạng.
Sau khi chết, Misa bất ngờ quay về năm 2015, quyết tâm thay đổi số phận bằng cách hợp tác cùng cấp trên - Suzuki Wataru (Sato Takeru).
Nội dung của các tập đầu nhìn chung bám sát bản gốc. Misa lợi dụng lòng đố kỵ của Rena để khiến cô chủ động quyến rũ Tomoya, sau đó Rena giả vờ mang thai để ép anh kết hôn. Trong khi mọi người tưởng rằng Misao đau khổ, thì thật ra cô âm thầm mừng thầm khi kế hoạch trả thù dần thành công.
Một số cảnh được giữ nguyên như bản Hàn, như cảnh Misa bắt gian tại trận, hay buổi họp mặt bạn học cũ nơi cô vạch trần Rena. Thậm chí, Misa còn giả làm "ác nữ" đến ra mắt mẹ chồng tương lai, tạo nên những phân đoạn đầy kịch tính.
Giảm 'drama', đẩy mạnh yếu tố chữa lành
Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất giữ hai bản chính là mục tiêu trả thù của nữ chính. Nếu như ở bản Hàn, Kang Ji Won (Park Min Young) quyết tâm dồn mọi đau khổ lên "tiểu tam" và trả đũa quyết liệt thì phiên bản Nhật lại miêu tả Misa như một người chỉ đơn giản muốn thoát khỏi số phận bất hạnh.
Khi biết lịch sử vẫn sẽ lặp lại, Misa mới quyết định để Rena thế chỗ mình. Hình ảnh những dòng kịch bản bị viết lại nhiều lần xuất hiện xuyên suốt phim như một ẩn dụ cho hành trình tự chữa lành và làm lại cuộc đời của Misa.
Thay vì trả thù để hả giận, cô chọn cách thay đổi "kịch bản số phận" bằng sự chủ động. Đây chính là điểm nhấn khiến bản Nhật mang màu sắc nhẹ nhàng hơn, giúp bộ phim mang dấu ấn riêng và phù hợp hơn với văn hóa Nhật Bản.
Trong bản Nhật, Misao ban đầu khá do dự khi có cơ hội làm lại cuộc đời. Điều này phản ánh tính cách trầm lặng của cô trước khi quay về quá khứ. Koshiba Fuka đã thành công thể hiện chuyển biến nội tâm này đầy tinh tế, mang đến một Misa gần gũi, nhẹ nhàng nhưng vẫn mạnh mẽ, kiên cường.
Đặc biệt, nam thần Sato Takeru hoàn toàn chinh phục khán giả qua hình tượng nam chính ấm áp, từng thầm thương Misa nhiều năm. Trong phim, anh vào vai một "cậu ấm" tài giỏi, luôn âm thầm giúp Misa thay đổi vận mệnh.
"Sato có ánh mắt biết nói. Chỉ một ánh nhìn, anh đã truyền tải trọn vẹn chiều sâu của Wataru, một người đàn ông dịu dàng, tận tâm nhưng cũng cứng rắn khi cần. Những phân cảnh hành động đối đầu với số phận, anh đều dốc sức thể hiện, khiến tôi thực sự cảm phục" - nhà sản xuất Son Ja Young khen ngợi.
Bên cạnh đó, tuyến nhân vật phản diễn trong phim cũng không bị lu mờ. Tờ Vogue Japan đánh giá Yokoyama Yuu và Shiraishi Sei là hiện thân hoàn hảo của cái ác trong phiên bản Nhật Cô đi mà lấy chồng tôi.
Người chồng vô tâm Tomoya, và Rena - cô bạn thân giả tạo, không chỉ khiến khán giả "nổi điên" mà còn để lại ấn tượng sâu sắc nhờ lối diễn xuất chân thực, không kịch hóa.
Yokoyama Yuu khắc họa một Tomoya hời hợt, ngây ngô đầy khó tin, tạo nên một kiểu "ác" vừa đáng ghét vừa đáng nhớ. Trong khi đó, Shiraishi Sei khiến người xem rợn người với vẻ ngoài ngây thơ nhưng ẩn sau đó là một kẻ lạnh lùng, sẵn sàng đâm sau lưng bạn mình.
Chính sự nhập vai đầy lớp lang ấy đã giúp tuyến phản diện của bản Nhật trở nên sâu sắc, thậm chí vượt trội so với bản gốc Hàn Quốc.