Chủ tịch Trầm Hương Khánh Hòa: 'Nhiều cơ hội kiến tạo tương lai'

- Theo ông những thay đổi lớn tổ chức bộ máy và chiến lược phát triển của đất nước có tác động thế nào đến các doanh nhân?
- Các định hướng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang mở ra cơ chế lý tưởng cho các doanh nhân làm kinh tế và phát huy vai trò lớn hơn vào công cuộc xây dựng đất nước.
Từ năm 2023, Nghị quyết số 45 ban hành ngày 24/11/2023 của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới đã đặt ra yêu cầu: Xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, giữa các tập đoàn kinh tế với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, hội trí thức thông qua mô hình trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...
Tiếp đó, Nghị quyết số 57 ra ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia một lần nữa làm rõ vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp và người dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt và tạo điều kiện.
Điều khiến tôi đặc biệt xúc động là loạt chính sách đang được ban hành đồng bộ Đồng thời, Nhà nước cũng thể hiện rõ quyết tâm tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng bằng cách xử lý nghiêm những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó linh hoạt với biến động toàn cầu hay thay đổi về thuế từ các đối tác lớn như Mỹ.
Trong bài viết "Động lực mới cho phát triển kinh tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định cần xây dựng đội ngũ doanh nhân thật sự trở thành chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.
Theo tôi đây là sự ghi nhận và gửi gắm niềm tin sâu sắc của Đảng đối với doanh nhân - những người đang góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng. Để thực hiện điều mà Tổng Bí thư kỳ vọng, doanh nhân không chỉ cần bản lĩnh thương trường, mà còn phải mang trong mình lý tưởng phụng sự Tổ quốc, biết đặt lợi ích cá nhân trong sự hài hòa với lợi ích cộng đồng, dân tộc - vì một nền kinh tế phát triển bền vững, có trách nhiệm và nhân văn. Đó cũng là tiêu chí và tiêu chuẩn của doanh nhân toàn cầu.
- Việc sáp nhập tỉnh thành sẽ thúc đẩy kinh tế vùng như thế nào thưa ông?
- Việc tái cấu trúc địa giới không chỉ là sắp xếp lại bản đồ hành chính, mà thực chất là một cuộc "tái lập nguồn lực". Các tỉnh, thành mới được hợp nhất sẽ sở hữu hệ sinh thái tự nhiên đa dạng hơn, có rừng, có biển, có đô thị, và nguồn nhân lực cũng phong phú, đa dạng hơn. Điều này giúp chính sách kinh tế, chiến lược phát triển nhân lực có điều kiện thực thi hiệu quả và đồng bộ hơn.
Về liên kết vùng - vốn là điểm nghẽn lâu nay - sự thay đổi lần này sẽ tạo đột phá. Khi số lượng tỉnh, thành giảm, chênh lệch về điều kiện tự nhiên và văn hóa hành chính cũng thu hẹp, khả năng hợp tác và phối hợp sẽ cao hơn, nhanh hơn. Giai đoạn đầu có thể có bỡ ngỡ, nhưng thực tế cho thấy các địa phương đang thích ứng nhanh và phát huy tích cực.
- Ông đánh giá thế nào về sự phát triển kinh tế xã hội của Khánh Hòa trong bối cảnh mới?
- Để thật sự chuyển mình và chuyển mình thành công, theo tôi, Khánh Hòa cần quy hoạch phát triển dựa trên hai trục không gian trọng yếu: không gian địa lý biển đảo và không gian văn hóa bản sắc - đây là hai lợi thế chiến lược, nếu biết quy tụ và kích hoạt đúng cách, sẽ đưa Khánh Hòa bứt phá mạnh mẽ.
Thứ nhất, không gian địa lý: Khánh Hòa sở hữu hệ sinh thái biển đa dạng bậc nhất và hội tụ các cảnh quan đặc sắc. Đáng chú ý, tỉnh có quần đảo Trường Sa - cột mốc chủ quyền thiêng liêng, đồng thời là ngư trường rộng lớn, giàu tiềm năng dầu khí và dịch vụ biển. Trường Sa cần sớm được quy hoạch thành trung tâm hậu cần nghề cá, nghiên cứu biển, du lịch sinh thái và cứu hộ biển đảo - từng bước hình thành xã hội trên biển, tạo thế mạnh cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả khu vực.
Muốn làm được điều đó, trước hết phải chuẩn bị nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Khánh Hòa cần xây dựng một học viện chuyên sâu về khoa học biển, kinh tế biển đảo, đủ sức quy tụ trí thức, kết nối với các viện nghiên cứu, đại học trong và ngoài nước, chuyển giao tri thức và công nghệ biển cho người dân địa phương. Đây là nền móng cho chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững.
Thứ hai, về không gian văn hóa bản sắc, Khánh Hòa là nơi hội tụ văn hóa của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ trong mạch nguồn văn hóa Việt Nam, trong đó đáng chú ý có văn hóa Chăm Pa, một kho báu cần được khai thác tương xứng. Văn hóa không phải là thứ trừu tượng, mà là nền tảng nhận diện, cạnh tranh và định vị bản sắc kinh tế quốc gia. Đó là nguồn lực mềm giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, nuôi dưỡng sự gắn bó và niềm tin của bạn bè quốc tế. Nếu biết tích hợp khéo léo vào quy hoạch phát triển, Khánh Hòa có thể tạo nên một mô hình kinh tế giàu bản sắc - nơi những giá trị văn hóa làm nên sức hút bền vững.
Mới đây, Công ty Trầm Hương Khánh Hòa và Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) đã thống nhất triển khai phương thức hợp tác chiến lược nhằm phát triển kinh tế thông qua văn hóa và điện ảnh. Theo đó, hai bên phối hợp tổ chức các sự kiện như Liên hoan phim, xây dựng không gian văn hóa Trầm Hương tại Nha Trang, đồng thời sản xuất và quảng bá các tác phẩm điện ảnh mang bản sắc dân tộc, lan tỏa giá trị Việt, cho thấy mô hình hợp tác công-tư sáng tạo giữa doanh nghiệp và ngành điện ảnh, thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là bước đi tiên phong trong việc đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với thế giới qua ngôn ngữ điện ảnh. Chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng xây dựng một chiến lược phát triển bền vững, trong đó văn hóa giữ vai trò trung tâm, tạo ra giá trị gia tăng cho kinh tế địa phương và quốc gia. Trầm Hương Khánh Hòa quyết tâm với sứ mệnh "Hương thơm Việt Nam - Linh thiêng cao quý - Kết nối tin yêu".
- Ông kỳ vọng gì về vị thế Việt Nam trên trường quốc tế thời gian tới?
- Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang khẳng định mạnh mẽ hình ảnh một quốc gia hòa bình, ổn định và phát triển; một đối tác tin cậy, luôn đề cao hợp tác cùng có lợi vì mục tiêu thịnh vượng và bền vững. Những cải cách sâu rộng về thể chế, mô hình tăng trưởng và quản trị quốc gia không chỉ là tuyên bố mà là hành động thực tiễn đầy thuyết phục, cho thấy chúng ta hoàn toàn đủ năng lực để tổ chức, điều phối và kiến tạo môi trường phát triển hấp dẫn trong bối cảnh toàn cầu nhiều bất ổn.
Trong khi nhiều nền kinh tế lớn đang gặp khó khăn vì xung đột, khủng hoảng, Việt Nam nổi lên như một điểm đến an toàn, một bến đỗ có trách nhiệm. Việc Việt Nam được 120 quốc gia đề cử làm Chủ tịch Hội nghị Kiểm điểm lần thứ 11 của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 2026 là minh chứng rõ ràng cho uy tín, năng lực điều phối và tiếng nói tích cực của Việt Nam trong các vấn đề an ninh toàn cầu. Các nhà đầu tư và đối tác quốc tế chắc chắn sẽ nhìn thấy ở đây cơ hội và nền tảng để phát triển lâu dài.
(Nguồn: Trầm Hương Khánh Hòa)
Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng là người góp phần hồi sinh ngành hàng trầm hương, từ một mặt hàng bị cấm trở lại được mua bán, xuất nhập khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao cho đất nước. Ông cũng là người tiên phong phục dựng những lễ dâng trầm lớn tại Nha Trang, Côn Đảo nhân những ngày lễ lớn; chế tác 100 chiếc quạt trầm hương phiên bản giới hạn làm quà lưu niệm tại Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017 lần thứ nhất (SOM1) tại Nha Trang. Năm 2019, ông là doanh nhân Việt Nam đầu tiên được mời tham dự diễn đàn Liên minh Lãnh đạo Thế giới (Club de Madrid), quy tụ 102 cựu nguyên thủ của 60 quốc gia trên toàn thế giới cùng hàng trăm học giả và doanh nhân tên tuổi toàn cầu.