Chủ tịch Fed không nhượng bộ ông Trump
Trong bối cảnh bị tấn công dồn dập từ Trump và đồng minh, ông Powell vẫn giữ vững lập trường, coi việc rời vị trí là tổn hại nghiêm trọng đến tính độc lập của Fed.
|
Tổng thống Donald Trump cùng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell tham quan dự án cải tạo trụ sở chính trị của Fed vào ngày 24/7 tại Washington, DC. Ảnh: Reuters. |
Theo những người am hiểu quá trình thảo luận, ông Powell tin rằng việc duy trì vai trò hiện tại không chỉ vì cá nhân mà còn là trách nhiệm bảo vệ tính độc lập lâu đời của Fed khỏi sự can thiệp chính trị.
“Ông ấy rất kiên định với niềm tin rằng mình có trách nhiệm bảo vệ sự độc lập của Fed”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Rounds (bang South Dakota) - người từng trực tiếp đặt câu hỏi với Powell về khả năng từ chức - cho biết. “Tôi đã hỏi và ông ấy trả lời dứt khoát: từ chức lúc này sẽ làm suy yếu vai trò độc lập của Fed”.
Cam kết phục vụ đến hết nhiệm kỳ vào tháng 5/2026 đồng nghĩa ông Powell sẽ tiếp tục là mục tiêu công kích từ ông Trump và các đồng minh, trong bối cảnh Nhà Trắng liên tục thúc ép Fed cắt giảm lãi suất.
Những đòn tấn công này đang đẩy ngân hàng trung ương Mỹ vào tâm điểm của tranh cãi chính trị, làm dấy lên lo ngại về hệ quả kinh tế nếu chính sách tiền tệ bị can thiệp vì động cơ chính trị, theo CNN.
Chiến dịch gây áp lực và "nồi nước luộc ếch"
Là một chuyên gia kinh tế kín tiếng từng làm việc dưới thời Tổng thống George H.W. Bush, Powell nổi tiếng là người không thiên vị chính trị, luôn dựa trên dữ liệu để ra quyết định. Chính sự khách quan đó đã giúp ông giành được sự ủng hộ lưỡng đảng tại Thượng viện khi được Trump đề cử vào năm 2017.
Tuy nhiên, cách tiếp cận điềm đạm và “không màu mè” từng khiến ông Trump hài lòng lại trở thành cái cớ để ông chỉ trích. Vị Tổng thống không giấu sự bất mãn khi Powell từ chối cắt giảm lãi suất theo yêu cầu, thậm chí mỉa mai ông là “đồ ngốc” và “một trong những quyết định bổ nhiệm tệ nhất của tôi”.
“Ông ta tệ lắm,” Trump nói đầu tháng này. “Nói chuyện với ông ta chẳng khác nào nói chuyện với cái ghế. Không có tý cá tính nào”.
Trong những tuần gần đây, ông Trump liên tục công kích Powell, cáo buộc ông gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ và cá nhân mình. Các trợ lý của ông Trump còn lan truyền tin đồn thất thiệt rằng Powell sắp từ chức.
Gần đây, Nhà Trắng chuyển hướng tập trung vào một dự án cải tạo trụ sở Fed trị giá 2,5 tỷ USD, cho rằng chi phí đội vốn có thể là “lý do chính đáng để sa thải”. Dự án cải tạo trụ sở chính trị giá 2,5 tỷ USD của Fed đang là chủ đề công kích mới từ Nhà Trắng nhằm gây áp lực để ông Powell từ chức. Ảnh: Reuters. Vào ngày 24/7 (giờ địa phương), ông Trump đã đích thân đến trụ sở Fed để thị sát công trình cải tạo, trong đó Powell đóng vai trò người dẫn đường. Tại đây, ông Trump không bỏ lỡ cơ hội nhấn mạnh yêu cầu cắt giảm lãi suất, thậm chí đùa cợt khi vỗ vai Powell và nói: “Tôi sẽ quý ông hơn nếu ông hạ lãi suất”. Tuy vậy, ông Trump khẳng định sẽ không sa thải ông Powell, do lo ngại tác động tiêu cực đến thị trường tài chính. Nhưng thay vì cách tiếp cận trực diện, Nhà Trắng lại đang tìm cách khiến Powell cảm thấy khó chịu đến mức phải từ bỏ vị trí. Một cố vấn của ông Trump ví chiến dịch gây sức ép này như việc "luộc ếch": “Mỗi ngày Powell còn ở Washington là một món quà cho Tổng thống. Hoặc ông ấy nhảy ra, hoặc sẽ bị luộc chín”. Người phát ngôn của Fed từ chối bình luận, chỉ nhắc lại cam kết của Powell về việc hoàn thành nhiệm kỳ. Giữ vững lập trường, bình thản trước búa rìu chính trị Bất chấp làn sóng chỉ trích, ông Powell vẫn duy trì sự điềm tĩnh và tập trung hoàn toàn vào vai trò của mình: điều hành chính sách tiền tệ dựa trên kinh tế, chứ không phải chính trị. Cách tiếp cận này phần nào đã có hiệu quả: trong chuyến thăm Fed vừa qua, ông Trump bất ngờ dịu giọng sau cuộc trò chuyện với Powell mà ông mô tả là “rất tích cực”. “Tôi không muốn đóng vai người phán xét sau trận đấu”, ông Trump nói, lần đầu không chỉ trích dự án cải tạo vốn từng bị ông và đội ngũ xem là bê bối. Tuy nhiên, sự “hòa hoãn” này có thể không kéo dài, nhất là khi Fed dự kiến giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần tới và hoãn mọi điều chỉnh đến mùa thu - một động thái chắc chắn sẽ khiến ông Trump giận dữ, đặc biệt khi ông đang cần một cú hích kinh tế trước kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ông Trump đã có thái độ "hòa hoãn" hơn sau chuyến thăm và kiểm tra số liệu các hạng mục cải tạo trụ sở Fed vào ngày 24/7. Ảnh: Reuters. Giáo sư Bill English (ĐH Yale), cựu lãnh đạo Vụ chính sách tiền tệ của Fed, nhận định: “Cách phòng thủ tốt nhất của Fed lúc này là làm đúng chính sách. Tôi thấy tiếc cho Powell, nhưng ông ấy chỉ còn cách vững vàng và làm tốt nhất có thể”. Dù từng chỉ trích ông trong thời kỳ lãi suất cao dưới thời Biden, nhiều chính trị gia Đảng Dân chủ giờ đây quay sang ủng hộ Powell vì lo ngại sự hỗn loạn nếu ông ra đi. “Ông ấy đặt sự liêm chính của tổ chức lên trên lợi ích cá nhân”, Jared Bernstein, cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Biden, phát biểu. “Ở tuổi 72, bị một tổng thống chỉ trích hàng ngày, nghỉ hưu là điều rất hấp dẫn. Nhưng tôi tin Powell thực sự muốn bảo vệ thể chế”. Về phía Đảng Cộng hòa, nhiều nghị sĩ kêu gọi Nhà Trắng ngừng công kích Fed để tránh gây tổn hại uy tín và thị trường tài chính. Họ cũng nhấn mạnh rằng, nếu ông Powell hạ lãi suất trong tương lai, điều đó sẽ hiệu quả hơn nếu không bị đặt trong bối cảnh bị ép buộc chính trị. "Phần lớn Thượng viện đều hiểu rõ thị trường. Họ biết hậu quả sẽ lớn thế nào nếu Fed bị xem là bị ép buộc. Powell đang ở đúng vị trí. Ông ấy có một công việc cực kỳ khó, và tôi tôn trọng lập trường mà ông ấy đang giữ vững", Thượng nghị sĩ Rounds kết luận.Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước MỹMục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.