Chơi chứng khoán 'lãi 200 nghìn đóng thuế 40 nghìn', lỗ thì sao?

Chơi chứng khoán 'lãi 200 nghìn đóng thuế 40 nghìn', lỗ thì sao?
'Một lệnh có lãi, nhưng cuối năm vẫn âm tổng thể thì làm thế nào', bạn tôi đặt câu hỏi.
Đang có đề xuất áp thuế 20% trên lãi bán chứng khoán hàng năm. Tuy nhiên, cách tính thuế theo từng giao dịch có lãi, không cho phép khấu trừ lỗ hoặc chi phí liên quan, đang làm dấy lên lo ngại về những rào cản mới đối với nhà đầu tư cá nhân - lực lượng chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường hiện nay.
Mỗi khoản lãi thu được từ giao dịch bán chứng khoán sẽ bị áp thuế 20%, bất kể kết quả đầu tư tổng thể cả năm lãi hay lỗ. Nhà đầu tư không được khấu trừ các khoản lỗ từ các giao dịch khác, chi phí giao dịch hay lãi vay margin.
Trong thực tế, nhiều nhà đầu tư nhỏ thường giao dịch với quy mô thấp, lợi nhuận từng lệnh chỉ vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, với quy định theo đề xuất, kể cả mức lãi 200.000 đồng, cũng phải kê khai và nộp 40.000 đồng thuế.
Điều này dẫn đến một thực tế nghịch lý: Thuế chiếm tỷ lệ cao so với lợi nhuận, trong khi tổng thể có thể vẫn là một năm đầu tư thua lỗ.
Một người bạn của tôi đặt vấn đề: "Tôi đầu tư khoảng 30 triệu đồng, có một lệnh lãi 500.000 đồng nhưng cuối năm vẫn âm tổng thể. Nếu phải kê khai thuế vì lệnh đó, tôi cảm thấy mất thời gian hơn là giá trị thu về. Lần sau có lẽ tôi không đầu tư nữa".
Chưa kể, thủ tục kê khai thuế hiện chưa được tự động hóa. Người giao dịch sẽ phải tự tổng hợp giao dịch, chứng từ, làm tờ khai thuế và nộp đúng thời hạn. Với nhiều người, chi phí thời gian và rủi ro pháp lý phát sinh có thể vượt quá cả khoản thuế phải nộp.
Trong khi đó, các trung tâm tài chính lớn tại châu Á lại có cách tiếp cận rất khác trong chính sách thuế. Cả Singapore và Hong Kong đều không áp thuế trên lãi vốn từ chứng khoán, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về quy trình đầu tư, giúp thị trường sôi động và minh bạch hơn.
Tại Singapore, nhà đầu tư không bị đánh thuế lãi từ cổ phiếu, thu nhập cổ tức từ doanh nghiệp trong nước cũng không bị thu.
Hong Kong tương tự, tạo nên môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút dòng tiền cả trong và ngoài. Đây là một trong những yếu tố giúp thị trường tài chính của hai nơi này lọt top đầu thế giới về quy mô và thanh khoản.
Trong bối cảnh tỷ trọng giao dịch từ nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 80% tổng thanh khoản, bất kỳ rào cản nào đối với họ đều có thể tạo ra tác động dây chuyền.
Mặt khác, việc không khấu trừ lỗ khiến nhà đầu tư chấp nhận rủi ro nhưng không được chia sẻ về nghĩa vụ thuế. Điều này có thể làm giảm động lực tham gia thị trường của nhóm vốn nhỏ vốn đang là lực lượng nòng cốt trong quá trình tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam những năm qua.
Một số đề xuất được đưa ra:
- Xem xét áp dụng ngưỡng miễn thuế cho lợi nhuận dưới 50 triệu đồng/năm.
- Cho phép bù trừ lãi - lỗ giữa các giao dịch trong cùng kỳ tính thuế.
- Tự động hóa việc khấu trừ và kê khai qua công ty chứng khoán.
- Nghiên cứu áp dụng thuế suất lũy tiến theo mức thu nhập, thay vì mức cố định.
Một thị trường vốn phát triển bền vững cần sự tham gia rộng rãi, ổn định và lâu dài từ các nhà đầu tư, đặc biệt là khối cá nhân.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính dự kiến sửa quy định về cách tính thuế thu nhập cá nhân với hoạt động chuyển nhượng vốn, chứng khoán. Theo đó, cơ quan này đề xuất cá nhân cư trú chuyển nhượng chứng khoán sẽ chịu mức thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế. Khoản thu nhập tính thuế này được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan trong kỳ tính thuế theo năm. Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng, số thuế sẽ bằng thuế suất 0,1% nhân với giá bán chứng khoán, theo từng lần. Với chuyển nhượng vốn, cơ quan này cũng đề xuất tính thuế 20% trên thu nhập tính thuế nhưng tính theo từng lần. Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí, người bán sẽ chịu mức thuế suất 2%. |
Comet Small