Chênh hơn 2 điểm giữa học bạ và thi tốt nghiệp, giáo viên nhẹ tay hay đề thi khó?

Điểm học bạ các môn đều cao hơn điểm thi tốt nghiệp. Trong đó môn Công nghệ công nghiệp chênh 2,26 điểm, môn Toán chênh 2,25 điểm, môn tiếng Anh chênh 1,57 điểm…
12 môn học đều chênh, Toán nằm trong nhóm cao nhất
Bộ GD-ĐT đã công bố bảng so sánh tương quan giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ THPT (chỉ tính số thí sinh dự thi). Ở tất cả 12 môn học, điểm trung bình học bạ đều cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT, mức độ chênh lệch từ 0,12 đến 2,26 điểm.
Trong đó, môn Công nghệ công nghiệp có sự chênh lệch điểm lớn nhất - 2,26 điểm - giữa điểm trung bình học bạ THPT 8,05 so với trung bình thi tốt nghiệp là 5,79 điểm.
Môn Toán xếp thứ hai về mức chênh lệch, với điểm học bạ trung bình 7,03, trong khi điểm thi tốt nghiệp chỉ 4,78 - chênh 2,25 điểm.
Tiếng Anh chênh 1,57 điểm (6,95 so với 5,38); Sinh học chênh 1,83 điểm (7,61 so với 5,78).
Một số môn khác cũng ghi nhận mức chênh đáng kể như Tin học 1,2 điểm; Hóa học 1,31 điểm; Lịch sử 1,17 điểm.
Riêng Ngữ văn có mức chênh thấp nhất - chỉ 0,12 điểm.
Tình trạng chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp không mới. Ở chương trình 2006, từng có năm mức chênh lệch lên tới 3 điểm. Tuy nhiên, năm nay là lần đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp được tổ chức theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, và sự chênh lệch đáng kể xuất hiện ở một số môn như Toán, Tiếng Anh, Công nghệ. Ngoài ra, số liệu cũng cho thấy điểm học bạ lớp 12 thường cao hơn so với lớp 10 và 11.
Đánh giá việc học trên lớp và thi chưa đồng bộ
Thầy Tuấn Anh, giáo viên Toán Trường THPT Thủ Đức (TPHCM) cho rằng, sự chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp ở các môn, đặc biệt môn Toán là do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, đề thi môn Toán tốt nghiệp năm nay kiểu mới, không còn xác suất may rủi và bị trừ điểm khi làm sai ở phần câu hỏi đúng sai.
Thứ hai, đề Toán năm nay khó vì có phần vận dụng, học sinh không thể học vẹt, áp dụng công thức để giải mà phải hiểu toán và biết cách giải quyết tình huống toán học liên quan thực tiễn. Câu hỏi nhiều từ cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn và đọc hiểu tốt.
Thứ ba, việc đánh giá trong trường học và từ bài thi chưa đồng bộ do đây là năm đầu tiên thi theo chương trình mới. Về lý do này, khi giáo viên hiểu yêu cầu đánh giá từ đề thi chính thức, nguồn tài liệu phong phú hơn thì việc đồng bộ trong đánh giá sẽ sát hơn, khi đó học sinh thích ứng tốt hơn.
Lý do thứ tư có thể là đề thi được thiết kế nhằm phân loại học sinh phục vụ tuyển sinh đại học, không ưu tiên cho xét tốt nghiệp, như vậy độ lệch cao là chấp nhận được.
Riêng về lý do điểm học bạ năm lớp 12 thường cao hơn lớp 10 và 11, trong khi thực tế “càng lên cao càng khó”, theo thầy Tuấn Anh, học sinh vào lớp 10 thường có tâm lý xả hơi (sau kỳ thi tuyển sinh vào 10), chưa định hướng việc học, lên lớp 11 vẫn đủng đỉnh, tới lớp 12 mới tập trung học lấy điểm, lấy kiến thức thi. Tuy nhiên, thầy cho rằng cũng có lý do khác là giáo viên thường đánh giá học sinh khối 12 và nhất là cuối kỳ 2 nhẹ nhàng hơn để tránh áp lực cho các em.
Một giáo viên khác cho rằng việc điểm thi tốt nghiệp THPT các môn Toán, tiếng Anh thấp hơn nhiều so với điểm học bạ cho thấy kỳ thi đã hoàn thành mục tiêu kép: Vừa xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học. Bên cạnh đó, đề thi tốt nghiệp khác với bài kiểm tra trên lớp, vì ngoài đánh giá năng lực học sinh sau khi hoàn tất chương trình phổ thông, còn phải đáp ứng yêu cầu phân loại để các trường đại học sử dụng, nên có độ chênh là điều bình thường.
Lý do trường đại học quay lưng với xét học bạ
Ông Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nhìn nhận sự chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi THPT không phải điều mới mẻ. Ông cho rằng lý do chính dẫn đến sự chênh lệch này là giáo viên ở các trường THPT thường “thương” học trò nên đánh giá nhẹ tay. Thậm chí, có trường còn duy trì hai bảng điểm: Một bảng điểm thật để học sinh biết trình độ thực sự của mình và bảng điểm học bạ được cộng thêm 2-3 điểm nhằm giúp các em dễ dàng trúng tuyển đại học hơn.
Ông Dũng nhận định đây là lý do khiến chất lượng xét tuyển bằng học bạ giảm sút trong những năm gần đây, dẫn đến nhiều trường đại học quay lưng với phương thức này bằng cách loại bỏ hoặc giảm chỉ tiêu. Hơn nữa, thực tế tại các trường đại học cho thấy sinh viên trúng tuyển qua học bạ thường không theo kịp sinh viên trúng tuyển qua điểm thi. Sự chênh lệch trình độ này khiến việc giảng dạy trở nên khó khăn: nếu ra đề khó phù hợp với sinh viên giỏi thì không phù hợp với sinh viên từ học bạ. Sau 1-2 năm, nhiều sinh viên bắt đầu bỏ học, ảnh hưởng đến nguồn thu của trường. Do đó, đối với những trường coi trọng chất lượng đào tạo, phương thức xét tuyển học bạ không còn phù hợp.
"Theo dữ liệu đối sánh điểm thi THPT và học bạ năm 2025 do Bộ GD-ĐT công bố, điểm trung bình học bạ 3 năm THPT là 7,12, trong khi điểm thi là 7,0 với độ lệch trung bình chỉ 0,12 điểm, nhưng ở một số môn như Công nghệ công nghiệp (lệch 2,26 điểm) và Toán (lệch 2,25 điểm), sự chênh lệch lớn hơn, phần nào xác nhận tình trạng đánh giá chưa thực chất", ông Dũng nói.
Nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng trong bối cảnh ngành sư phạm ngày càng được coi trọng, vấn đề chênh điểm này rất nghiêm trọng vì có thể dẫn đến việc tuyển sinh đầu vào không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng lâu dài đến đội ngũ giáo viên tương lai và hệ thống giáo dục phổ thông.
Theo ông, để khắc phục, Bộ GD-ĐT cần tăng cường giám sát, thống nhất tiêu chí đánh giá học bạ giữa các trường THPT, đồng thời khuyến khích các trường đại học kết hợp nhiều phương thức xét tuyển như thi đánh giá năng lực, phỏng vấn hoặc xét học bạ kèm bách phân vị (được áp dụng năm nay) để đảm bảo tính công bằng và nâng cao chất lượng đầu vào.