Chàng trai Cần Thơ bỏ việc nghìn đô về quê trồng đặc sản, ứng dụng công nghệ cao

Bỏ công việc mang lại thu nhập khoảng 2.000 USD/tháng (hơn 50 triệu đồng) để về quê trồng nấm mối, anh Nguyễn Hoàng Thái (29 tuổi, TP Cần Thơ) có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
Nguyễn Hoàng Thái là con một trong gia đình có cha công tác tại bệnh viện ở Thốt Nốt, mẹ buôn bán ở chợ. Tốt nghiệp THPT, Thái thi đỗ vào ngành Tài chính Ngân hàng của Đại học Cần Thơ.
Ra trường, chàng trai quê ở cù lao Tân Lộc dễ dàng xin được việc tại ngân hàng. Sau 7 năm làm nhân viên ngân hàng, đồng thời đảm nhận một số công việc làm thêm khác, Thái có mức thu nhập khoảng 2.000 USD/tháng (hơn 50 triệu đồng) và cuộc sống mà nhiều người mơ ước.
Tuy nhiên, với đam mê nông nghiệp và luôn muốn làm giàu từ chính mảnh đất quê nhà, Thái quyết định nghỉ việc về quê trồng nấm mối đen.
"Tôi thấy nấm mối tự nhiên rất hiếm, chỉ xuất hiện vào mùa mưa, giá hơn 1 triệu đồng/kg và giá trị dinh dưỡng cũng rất cao. Tôi đọc được nhiều bài báo ở nước ngoài về cách trồng nấm mối đen nên tìm hiểu thêm rồi mê luôn”, Thái nói.
Từ năm 2021, anh đi tham quan, tìm hiểu những trang trại trồng nấm ở khắp nơi.
Năm 2023, Thái vừa đi làm ngân hàng, vừa trồng thử 200 phôi nấm mối đen nhưng thất bại do nấm nhiễm bệnh. Không bỏ cuộc, chàng trai Cần Thơ nghiên cứu và trồng tiếp 300 phôi giống nhưng vẫn thất bại.
Sau những lần không thành công, anh đúc rút được nhiều kinh nghiệm nên quyết định thuê đất ở trung tâm TP, mở rộng diện tích trồng với hơn 7.000 phôi nấm.
Đặc biệt, Thái trồng nấm mối đen theo mô hình khép kín bằng vật liệu panel, lắp đặt hệ thống cảm biến internet vạn vật (IoT) kiểm soát tự động các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Nhờ đó, nấm phát triển ổn định.
"Nhờ công nghệ, môi trường trồng đạt chuẩn, nấm phát triển đều, màu sắc đẹp, hạn chế bệnh và giảm công chăm sóc. Toàn bộ hệ thống được điều khiển từ xa qua điện thoại, gần như được tự động hóa hoàn toàn", anh Thái cho hay.
Đến nay, Thái đã nghỉ việc ở ngân hàng để “toàn tâm toàn ý” trồng nấm.
“Tôi không nghỉ việc đột ngột mà vừa trồng nấm, vừa làm ngân hàng nên không bị 'sốc' về kinh tế. Khoảng 1 năm sau, tôi chính thức nghỉ việc ở ngân hàng. Nhờ gia đình ủng hộ tôi khởi nghiệp trồng nấm, nên mọi thứ thuận lợi”, Thái chia sẻ.
“Trồng nấm theo công nghệ cao, trang trại của tôi giảm đáng kể nhân công và thời gian chăm sóc vì tất cả đều tự động hóa”, Thái nói. Khi các thông số không phù hợp, hệ thống sẽ báo về điện thoại để người dùng kịp thời nắm bắt, xử lý.
Theo Thái, với việc ứng dụng công nghệ, năng suất trồng nấm có thể tăng được từ 30-40% so với phương pháp truyền thống. Tỷ lệ nấm loại 1, kích thước lớn, hình dáng chuẩn, màu sắc đẹp, đạt trên 65%.
Phôi nấm đen từ khi trồng đến thu hoạch mất khoảng từ 20-25 ngày và rộ sau khoảng 30 ngày. Nấm cho thu hoạch kéo dài liên tục từ 4-5 tháng.
“Với 7.000 phôi nấm mối đen/vụ, trang trại của tôi sẽ cho năng suất khoảng 1,75 tấn nấm. Giá bán từ 200.000-300.000 đồng/kg.
Đầu ra của nấm luôn ổn định, bao gồm cung cấp cho các nhà hàng, chợ đầu mối, chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm sạch, người tiêu dùng trực tiếp…
Mỗi vụ, tôi có doanh thu khoảng 350 triệu. Một năm, tôi trồng được hai vụ nấm”, anh Thái chia sẻ.
Chàng trai 29 tuổi khẳng định, nấm trồng ở trang trại của anh không sử dụng hóa chất, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng.
Sắp tới, anh dự định đưa sản phẩm của mình vào các kệ hàng ở siêu thị và xuất khẩu. Thái dự kiến mở thêm 2 trang trại nấm tại Ô Môn và Cái Răng.
Anh cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ, quy trình trồng nấm để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp nông nghiệp sạch cho thanh niên.
"Điều tôi muốn hướng đến, là hành trình kiến tạo giá trị từ sự kết hợp giữa nông nghiệp truyền thống và công nghệ 4.0. Mỗi cây nấm mối đen thơm ngon là kết tinh của đam mê và trách nhiệm với cộng đồng.
Tôi kỳ vọng góp phần giúp người trẻ có thêm động lực khởi nghiệp từ mô hình nông nghiệp để cùng viết tiếp câu chuyện phát triển bền vững cho nông nghiệp Việt Nam", anh Thái chia sẻ.