Chàng trai 10 năm phục dựng ảnh liệt sĩ miễn phí vì câu nói của bố...

Chỉ với một câu nói của bố, anh Lê Thế Thắng đã tình nguyện làm phục dựng hơn 500 chân dung liệt sĩ miễn phí cho người dân, giúp các gia đình 'gặp lại' người đã khuất qua những tấm hình xưa cũ.
Anh Thắng, ngụ xã Sao Vàng, tỉnh Thanh Hóa (trước là xã Thọ Lâm, H.Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hoá), là gương mặt được nhiều gia đình tìm đến, đặc biệt là mỗi dịp 27.7, bởi có hành động đẹp là phục dựng ảnh miễn phí cho hàng trăm gia đình liệt sĩ.
Anh Thắng chia sẻ những ngày gần đây anh phải làm việc liên tục để kịp phục chế ảnh cho các gia đình liệt sĩ. "Có hôm cả buổi sáng chỉ hoàn thiện được ảnh của 2 bác vì họ không còn ảnh cũ. Tôi phải dựa vào trí nhớ người thân hoặc những bức ảnh tương đồng. Đến khi gia đình bảo "giống rồi", tôi mới thở phào nhẹ nhõm", anh Thắng kể.
Động lực lớn nhất để anh Thắng theo đuổi công việc đặc biệt này đến từ người cha của mình, một cựu chiến binh từng chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, nơi từng là chiến trường ác liệt bậc nhất.
"Bố tôi trực tiếp tham chiến, tận mắt chứng kiến sự khốc liệt, những hy sinh bi thương của đồng đội. Có những người tan xác vì trúng bom pháo, có người vừa được chôn cất thì lại bị bom xới tung lên. 10 người ra trận thì 7-8 người không trở về. Bố tôi may mắn sống sót trở về. Mỗi lần thấy các gia đình liệt sĩ tìm đến nhờ phục chế ảnh, ông đều động viên tôi: "Con cố gắng làm cho thật đẹp, đừng lấy tiền của họ". Sau này, khi làm ảnh, tôi được nhiều người khen đẹp, chân thực, mang thần thái hào hùng. Vì thế, tôi càng có thêm động lực để tiếp tục giúp đỡ nhiều gia đình hơn", anh Thắng chia sẻ.
Anh Thắng kể khó khăn lớn nhất là phần lớn ảnh liệt sĩ đã tồn tại từ rất lâu, chất lượng kém, mờ nhòe. Nhiều ảnh chỉ còn đường nét mờ nhạt. Quá trình phục chế đòi hỏi sự tỉ mỉ, mất nhiều thời gian tô vẽ, chỉnh sửa từng chi tiết.
"Tôi làm việc chủ yếu qua mạng, nhưng đa phần thân nhân liệt sĩ đều lớn tuổi, không rành công nghệ nên khi chụp lại ảnh gửi đi thường bị nghiêng, méo hoặc ánh sáng sai lệch. Tôi phải gọi điện hướng dẫn hoặc xin địa chỉ để họ gửi ảnh gốc qua đường bưu điện. Nếu ảnh quá mờ, tôi sẽ tự scan và xử lý lại từ đầu. Sau khi hoàn thiện, tôi in ảnh, đóng khung và gửi tận tay các gia đình", anh Thắng kể.
Hỏi về những kỷ niệm, anh Thắng nhớ lại trường hợp liệt sĩ Lê Văn Khuy, người cùng xã với anh. "Ông là chiến sĩ biệt động, bị giặc mai phục và giết rất thảm khốc. Ông là con trai duy nhất trong nhà, chỉ còn lại một tấm ảnh chụp nghiêng rất khó phục chế. Tôi mất 2 ngày căn chỉnh, dựng lại khuôn mặt sao cho rõ và chuẩn nhất để làm ảnh thờ. Khi xem xong, cả gia đình ông Khuy òa khóc. Tôi cũng rất xúc động", anh Thắng kể lại.
Một kỷ niệm khác mà anh nhớ mãi là trường hợp của liệt sĩ Trần Văn Cẩn, quê Thanh Hóa. Ông sinh năm 1933, hy sinh năm 1967 khi đang chiến đấu tại miền Nam. Lúc đó, vợ ông đang mang thai 3 tháng. Khi hay tin chồng mất, bà vì quá đau buồn mà bệnh tim tái phát, qua đời chỉ vài tháng sau, để lại đứa con gái mới 6 tháng tuổi.
"Ông Cẩn không có ảnh nào rõ nét. Về sau, một người đồng đội đến thăm gia đình, tặng lại một tấm ảnh rất nhỏ và mờ. Cô con gái nay đã ngoài 50 tuổi mang ảnh đi phục chế nhiều nơi nhưng không ai làm rõ được. Khi tôi nhận làm, ảnh hiện ra rõ nét, giống ông lúc sinh thời. Nhìn ảnh, cô ấy bật khóc nức nở vì cảm giác như được gặp lại cha", anh Thắng xúc động kể.
Với anh Thắng, những bức ảnh không chỉ là vật kỷ niệm, mà còn mang giá trị tâm linh, tinh thần vô cùng lớn. "Bây giờ đời sống kinh tế ổn định, người ta càng trân trọng bàn thờ, bát hương là nơi gắn kết với người đã khuất. Với các liệt sĩ, nhiều người không có mộ, chưa lập gia đình, gần như chẳng còn gì ngoài một bức ảnh cũ, thậm chí là không có nổi tấm ảnh nào. Nhiều người hy sinh còn rất trẻ, cái chết lại quá thảm khốc nên rất linh thiêng. Tôi từng nghe nhiều câu chuyện họ báo mộng cho con cháu để được làm ảnh thờ đàng hoàng hơn. Bản thân tôi chỉ mong thế hệ trẻ không bao giờ quên sự hy sinh, mất mát của những người đã ngã xuống vì Tổ quốc", anh tâm sự.
Theo anh Thắng, với điều kiện kinh tế và gia đình như hiện tại, anh nghĩ mình vẫn đủ sức tiếp tục làm công việc đặc biệt này, miễn phí và trao tặng tận nhà cho những liệt sĩ khắp cả nước.
"Tôi sẽ làm càng nhiều càng tốt, cũng như mong muốn những bạn trẻ có trình độ, có tay nghề nếu có điều kiện hãy chung tay làm giúp những gia đình có ảnh cũ liệt sĩ như mình để các anh, các chú, các bác trở về trong hình hài đẹp nhất. Bởi với gia đình, đó là điều thiêng liêng. Còn với xã hội và giới trẻ, đó là cách để họ được nhìn tận mắt những anh hùng đời thực của đất nước mình", anh Thắng xúc động chia sẻ.