Cao su Mường Nhé Điện Biên: Góp phần thay đổi diện mạo vùng cao biên giới

Giữa vùng biên giới hiểm trở của tỉnh Điện Biên, Công ty CP Cao su Mường Nhé không ngừng vươn lên, phủ xanh những triền đồi khô cằn bằng màu xanh cao su bền vững. Không chỉ góp phần phát triển kinh tế, đơn vị còn là điểm tựa nâng bước đời sống người lao động, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh tại vùng cao.
Đồng hành cùng người lao động và cộng đồng địa phương
Được thành lập ngày 2.8.2013 theo quyết định của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé Điện Biên ra đời trên cơ sở sự góp vốn của ba đơn vị: Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên và Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu 2.
Sau 12 năm xây dựng và phát triển, Cao su Mường Nhé Điện Biên không ngừng lớn mạnh, từng bước khẳng định vai trò là lực lượng tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Tính đến nay, công ty đã trồng được 1.176,42 ha cao su tại 3 xã: Mường Toong, Mường Nhé và Nậm Kè. Trong số 250 cán bộ công nhân viên và lao động hiện có, hơn 95% là người dân tộc thiểu số. Đây là minh chứng sinh động cho hiệu quả của chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc gắn với công nghiệp cao su.
Bộ máy tổ chức của công ty được kiện toàn với đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị (5 thành viên), ban tổng giám đốc (2 thành viên), ban kiểm soát (3 thành viên) cùng 3 phòng chuyên môn và 5 đội sản xuất trực thuộc. Lực lượng lao động trực tiếp hiện có 232 người, trong đó lao động gián tiếp 14 người và 4 người phụ trách vận chuyển.
Với tổng vốn điều lệ 237,7 tỉ đồng, công ty bắt đầu bước vào giai đoạn khai thác kinh doanh từ năm 2018. Đến nay, tổng sản lượng khai thác đạt 5.238 tấn (ước thực hiện đến hết năm 2025), năng suất bình quân hơn 5 tấn/người/năm. Riêng năm 2023, công ty đạt lợi nhuận 13 tỉ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước 1,5 tỉ đồng.
Ngay từ khi thành lập, công ty xác định mục tiêu phát triển kinh tế gắn với công tác an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới tại khu vực miền núi phía Bắc. Các chính sách đối với người lao động được thực hiện đầy đủ, đảm bảo 100% lao động được tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BNN. Lương bình quân hiện đạt 6,1 triệu đồng/người/tháng. Quỹ lương thực hiện đến hết 2024 đạt hơn 132 tỉ đồng và dự kiến vượt 132 tỉ đồng vào năm 2025.
Công ty đặc biệt chú trọng chăm lo cho người lao động dân tộc thiểu số: hỗ trợ xăng xe, cơm trưa, chi phí khác với tổng số tiền trên 5 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty còn thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua, biểu dương, khen thưởng tập thể - cá nhân xuất sắc, tạo động lực phát triển bền vững.
Hạ tầng giao thông cũng được quan tâm đầu tư. Hằng năm, công ty phối hợp với địa phương mở mới, bê tông hóa 35km đường phục vụ công nhân và nhân dân vùng dự án, tổng kinh phí hơn 12 tỉ đồng.
Xây dựng tổ chức Đảng - Đoàn vững mạnh trong doanh nghiệp vùng cao
Đảng bộ công ty hiện có 6 chi bộ trực thuộc với 32 đảng viên, trong đó 70% là người dân tộc thiểu số, thể hiện nỗ lực xây dựng tổ chức chính trị vững mạnh tại doanh nghiệp vùng biên. Các chi bộ trực thuộc đều hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, tích cực triển khai các phong trào tuyên truyền pháp luật, rèn luyện kỹ luật, xây dựng đời sống tinh thần phong phú cho người lao động.
Tổ chức công đoàn có 250 đoàn viên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có 133 đoàn viên, liên tục phát động phong trào thi đua sản xuất, văn hóa - văn nghệ - thể thao, chăm lo, thăm hỏi đoàn viên khó khăn… Nhiều chương trình hỗ trợ các hộ nghèo, gia đình công nhân gặp nạn, hoạn nạn được triển khai thiết thực, đầy nhân văn.
Ngoài sản xuất kinh doanh, công ty còn dành 10% giá trị sản phẩm để đóng góp hợp tác trồng cao su với người dân, tổng cộng 11,3 tỉ đồng, thu hút 379 hộ dân góp đất. Đây là mô hình liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và cộng đồng, góp phần làm thay đổi diện mạo các bản làng vùng cao.
Trong thời gian tới, công ty tiếp tục xác định mục tiêu trọng tâm là hướng đến người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giữ vững hiệu quả sản xuất và đồng hành cùng địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Công ty đã, đang và sẽ là điểm tựa vững chắc cho bà con vùng cao ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.