Nhảy đến nội dung
 

Cấm ngay quảng cáo bẩn trên mạng xã hội

Quảng cáo bẩn, gian dối đang xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội tại Việt Nam tạo ra những góc nhìn sai lệch, những tiêu cực đến người dùng, thậm chí ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế - xã hội.

Với 97,5% người dân Việt Nam từ 16 tuổi trở lên sử dụng mạng xã hội và mỗi người trung bình dùng 2 giờ 15 phút mỗi ngày để "sống" trên Facebook, TikTok..., số lượng quảng cáo và những nội dung có quảng cáo ẩn mà mỗi người phải nhìn thấy hằng ngày là rất lớn. Trong đó hiện đang có rất nhiều nội dung là quảng cáo bẩn, gian dối.

Quảng cáo láo từ KOL

Không chỉ trên Facebook, nền tảng TikTok với hơn 40 triệu người dùng tại Việt Nam cũng không kém cạnh những nội dung quảng cáo hoặc lồng ghép quảng cáo bẩn. 

Đặc biệt, thời gian gần đây liên tục ghi nhận nhiều vụ việc những người nổi tiếng, có ảnh hưởng (KOL/KOC) quảng cáo bán các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên TikTok Shop.

Ngay sau nhiều vụ việc liên quan đến nhiều KOL tại Việt Nam thời gian gần đây, Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã yêu cầu các đơn vị hoạt động truyền hình, các báo và đài phát thanh, truyền hình, các doanh nghiệp, nhãn hàng phải "chấm dứt tình trạng người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng không hiểu biết về sản phẩm, không kiểm chứng nội dung quảng cáo vẫn tham gia quảng bá sản phẩm vì thù lao, lợi nhuận".

Cơ quan chức năng này cho biết đã ghi nhận tình trạng "một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu vi phạm pháp luật" với những hành vi như: nội dung quảng cáo "thổi phồng" công dụng sản phẩm, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh; quảng cáo chưa được thẩm định nội dung; cung cấp thông tin sai lệch về chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, xuất xứ của sản phẩm; 

Lợi dụng hình ảnh, uy tín của văn nghệ sĩ, diễn viên, người dẫn chương trình, người có tầm ảnh hưởng tới công chúng để chuyển tải nội dung quảng cáo không phù hợp tới người tiêu dùng.

Do đó cục đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam (cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài), các nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động quảng cáo, bên cạnh việc phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam còn phải tăng cường kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo và vị trí cài đặt quảng cáo do doanh nghiệp cung cấp, quản lý. 

Các đơn vị, cá nhân phải đảm bảo nội dung quảng cáo phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố.

Đặc biệt các đơn vị nêu trên phải phối hợp ngăn chặn nội dung quảng cáo vi phạm trên mạng, kịp thời gỡ bỏ quảng cáo vi phạm khi phát hiện hoặc khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. 

Cơ quan chức năng cũng yêu cầu các doanh nghiệp trên phải quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động quảng cáo thông qua người có ảnh hưởng trên mạng, đặc biệt là qua hình thức livestream, bài đăng, bài viết chia sẻ trải nghiệm về chất lượng, công dụng, hiệu quả của sản phẩm.

Nền tảng phải chịu trách nhiệm liên đới

Chiều 3-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Duy Vĩ - giám đốc Công ty truyền thông Buzi - cho rằng vấn nạn quảng cáo bẩn, gian dối tràn lan trên mạng xã hội không chỉ gây tổn hại trực tiếp cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến sự minh bạch, phát triển bền vững của thị trường và gây tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc. 

"Để giải quyết vấn đề quảng cáo bẩn, gian dối trên các nền tảng mạng xã hội cũng như trên các sàn thương mại điện tử cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các nền tảng và người dùng", ông Vĩ cho biết.

Theo ông Vĩ, về phía cơ quan quản lý cần hoàn thiện hành lang pháp lý trong thời gian nhanh chóng nhất có thể. Những nội dung cần bổ sung vào luật gồm: cập nhật, bổ sung các quy định rõ ràng về quảng cáo trực tuyến, đặc biệt là trên nền tảng số.

Các quy định cần chi tiết để có thể xử lý cụ thể các hành vi như thổi phồng công dụng sản phẩm, dùng hình ảnh người nổi tiếng trái phép, quảng cáo dùng deepfake... Cơ quan chức năng cũng cần được tăng cường các công nghệ giám sát như: đầu tư vào các công cụ trí tuệ nhân tạo, big data để phát hiện sớm các nội dung quảng cáo có dấu hiệu lừa đảo hoặc sai phạm.

Bên cạnh đó ông Vĩ cho rằng: "Nên áp dụng mức phạt mạnh tay hơn, không chỉ với cá nhân, tổ chức đăng quảng cáo sai phạm mà cả các nền tảng không hợp tác kiểm duyệt hoặc tiếp tay gián tiếp, thay vì chỉ phạt hành chính không đủ mang tính răn đe như hiện nay".

Đối với trách nhiệm của mạng xã hội, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng Facebook, TikTok, YouTube cần nâng cấp hệ thống lọc và duyệt quảng cáo dựa trên tiêu chí nội dung và mức độ đáng tin cậy của tài khoản quảng cáo. 

Đồng thời thiết lập bộ quy tắc chặt chẽ cho thị trường cụ thể vì mỗi quốc gia có văn hóa và luật pháp khác nhau, các nền tảng cần thiết kế chính sách riêng cho từng thị trường, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó các nền tảng nên cung cấp kênh tố cáo rõ ràng, hiệu quả để người dùng có công cụ đơn giản báo cáo quảng cáo bẩn và nền tảng cần cam kết phản hồi và xử lý nhanh chóng. Đặc biệt nhiều chuyên gia cho rằng trong trường hợp nội dung sai phạm gây thiệt hại nghiêm trọng, nền tảng cần bị quy trách nhiệm liên quan nếu có dấu hiệu buông lỏng quản lý.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Hùng Quân (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng luật nên quy định nền tảng phải bị xử phạt hành chính với mức cao nhất, buộc khắc phục hậu quả và bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ có thời hạn (nếu có) khi cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra phát hiện sai sót, vi phạm. 

Đồng thời nền tảng còn có thể phải chịu trách nhiệm liên đới về bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng với tư cách là doanh nghiệp trung gian phân phối hàng hóa, sản phẩm đến tay người mua.

Ông Quân kiến nghị cơ quan chức năng có thể công khai hộp thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng, từ đó người dân phát hiện sai phạm về hàng hóa, sản phẩm có thể cung cấp thông tin ngay cho cơ quan chức năng để ngăn chặn, xử lý kịp thời, bảo vệ tối đa sức khỏe của người tiêu dùng.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn