Cấm học sinh dùng điện thoại trong trường: Cần làm ngay!

Ngày 10-7, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có thông báo kết luận của giám đốc Nguyễn Văn Hiếu tại hội nghị giao ban sau khi sáp nhập. Ông Hiếu đã giao nhiệm vụ cho Phòng học sinh, sinh viên.
Cụ thể, giao nghiên cứu tham mưu phương án đề xuất không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ ra chơi và trong hoạt động giáo dục tại trường. Chỉ riêng những trường hợp giáo viên bộ môn cho phép để thực hiện nhiệm vụ trong giờ học thì học sinh mới được sử dụng điện thoại.
Song song đó, ông Hiếu cũng yêu cầu Phòng học sinh, sinh viên tham mưu kế hoạch tổ chức các hoạt động trong giờ ra chơi nhằm tạo điều kiện để học sinh gắn kết với nhau. Đồng thời các em cũng được rèn luyện các hoạt động thể dục thể thao. Các hoạt động này dự kiến sẽ được thực hiện ngay trong năm học 2025-2026.
Việc Sở GD-ĐT TP.HCM dự kiến cấm học sinh sử dụng điện thoại, kể cả trong giờ chơi, đã nhận được sự đồng tình của hầu hết phụ huynh và cả giáo viên.
Sự bất lực của phụ huynh
"Con tôi ra điều kiện mẹ phải mua điện thoại thông minh mới đi học. Cả lớp con bạn nào cũng có điện thoại, con không có nên bị các bạn chê là lúa, là công dân thời kỳ đồ đá…" - chị Văn Thị Hà Mi, phụ huynh có con đang học lớp 8 ở TP.HCM, kể. Mặc dù giải thích, phân tích về tác hại của điện thoại thông minh, rồi hứa hẹn khi con vào lớp 10 mẹ sẽ sắm điện thoại cho nhưng con của chị Mi vẫn không nghe. Cuối cùng chị đành bất lực, chiều theo con.
"Khi có điện thoại riêng con tôi như trở thành người khác. Về nhà là đóng cửa phòng ở luôn trong đó cùng với cái điện thoại. Cháu rất khó chịu và không muốn nói chuyện với bố mẹ. Vợ chồng tôi an ủi nhau thôi ở nhà thì cho con thoải mái chút. Ai ngờ đến trường con cũng ôm điện thoại" - chị Mi cho hay.
Sở dĩ chị Mi phát hiện vụ việc là do gia đình chị có group Zalo. "Hôm ấy khoảng 10h sáng, tôi nhắn trong group gia đình là cuối tuần này nhà mình về bà ngoại chơi nhé. Ngay lập tức con trai tôi nhắn lại con không đi được đâu, cuối tuần con có hẹn đi xem phim với bạn rồi. Tôi thắc mắc giờ này con đang học mà sao chat được với mẹ?".
Quá lo lắng, chị Mi lên gặp cô chủ nhiệm. "Tôi bất ngờ khi cô chủ nhiệm cũng giãi bày là cô đang rất đau đầu với vấn nạn học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Cô nói các em tán gẫu, lướt mạng xã hội, chơi game online… chứ không tập trung vào bài học. Tôi tiếp tục lên gặp hiệu trưởng nhà trường, đề nghị trường ra quy định cấm học sinh xài điện thoại".
Oái ăm là hiệu trưởng cũng bất lực. Chị Mi kể: "Hiệu trưởng kể rằng trước đây có năm thầy từng đưa ra quy định cấm. Cũng có phụ huynh đồng tình, ủng hộ. Nhưng cũng có phụ huynh phản ứng. Họ chất vấn nhà trường căn cứ vào quy định, quy chế nào để cấm. Rằng như thế là gây khó khăn cho học sinh và cha mẹ các em vì họ muốn cho con sử dụng điện thoại để còn liên lạc, đặt xe công nghệ di chuyển về nhà…".
Hậu quả xấu của điện thoại
"Phòng quản sinh của trường chúng tôi rất mệt mỏi với hàng loạt vụ việc phức tạp mà nguyên nhân chính là chiếc điện thoại thông minh" - hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở TP.HCM cho biết.
Hiệu trưởng kể: "Ngày nay nhiều gia đình có điều kiện và rất chiều con. Họ sẵn sàng sắm cho con điện thoại với giá tiền vài chục triệu đồng. Vì vậy khi học sinh báo mất điện thoại là cả trường từ ban giám hiệu đến giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, giám thị phải vào cuộc điều tra. Đó là chưa kể các em quay clip, chụp ảnh dìm hàng nhau rồi đưa lên mạng xã hội. Tiếp theo đó là việc nói xấu, bóc phốt nhau, hẹn nhau ra ngoài trường để giải quyết".
Cô Hoàng Quyên, giáo viên môn tiếng Anh ở phường Phú Thạnh, TP.HCM, bức xúc: "Việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong nhà trường là rất tai hại. Sĩ số lớp đông, bản thân mình thấy học sinh cứ cắm cúi vào cuốn sách dựng lên trước mặt - tưởng là em đang chăm chú làm bài.
Lúc đi xuống tận nơi mới phát hiện em đang say mê chơi game online. Còn một vấn nạn khác nguy hiểm hơn là khi giáo viên cho học sinh làm bài tập - thay vì suy nghĩ, vận dụng kiến thức đã học để giải bài thì rất nhiều học sinh đã lấy điện thoại ra nhờ ChatGPT làm giùm".
Ông Nguyễn Văn Phúc, hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phạm Ngũ Lão, TP.HCM, cũng thừa nhận: "Việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường học đã gây ra khá nhiều hệ lụy.
Thứ nhất là các em bị nghiện điện thoại, nghiện sử dụng mạng xã hội, nghiện game online. Giờ học nhưng vẫn cứ lén lút chơi. Thứ hai là nhiều khi chỉ vì những xích mích nhỏ, học sinh không quản lý được cảm xúc của mình, viết ngay một status ngắn trên mạng xã hội.
Thế là dân mạng tràn vào bình luận, đổ dầu vào lửa khiến vụ việc phức tạp, trầm trọng hơn… Hậu quả của vụ việc thì rất khó lường. Thứ tư là khi có smartphone học sinh rất ít giao tiếp, tương tác với nhau. Giờ ra chơi mỗi em một cái điện thoại thì cần gì nói chuyện với nhau nữa".
Những lợi ích từ cấm điện thoại
Từ những lý do trên, Trường THCS - THPT Phạm Ngũ Lão đã ra quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại từ nhiều năm nay. "Quy định này được tất cả phụ huynh đồng thuận. Tức là học sinh được phép mang điện thoại đến trường nhưng phải tắt nguồn và nộp cho giáo viên chủ nhiệm.
Học sinh mang điện thoại vào trường mà không nộp cho giáo viên nếu bị phát hiện lần 1 sẽ bị nhà trường giữ 1 tuần, vi phạm lần 2 bị giữ điện thoại 1 tháng, vi phạm lần 3 bị giữ điện thoại nguyên cả học kỳ. Chỉ những tiết học chuyên đề, kiểm tra trắc nghiệm… nếu giáo viên bộ môn yêu cầu và có thông báo từ hôm trước thì học sinh sẽ được sử dụng điện thoại phục vụ cho việc học tập" - thầy Phúc thông tin.
Tương tự, Trường THPT Trường Chinh, TP.HCM cũng cấm học sinh sử dụng điện thoại từ nhiều năm nay. "Giờ ra chơi học sinh cũng không được sử dụng điện thoại. Thay vào đó trường tổ chức câu lạc bộ âm nhạc, câu lạc bộ nhảy hiện đại, tổ chức cho học sinh đá cầu, chơi cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ…
Em nào không thích tham gia thì ngồi ôn bài hoặc trò chuyện cùng với bạn bè. Việc triển khai quy định này được đông đảo phụ huynh đồng tình ủng hộ. Học sinh sau một thời gian thực hiện thì các em có thói quen và chấp hành tốt hơn.
Đặc biệt vào giờ ra chơi các em xuống sân nhiều hơn, tăng cường vận động, thể dục thể thao. Sau một thời gian, trường ghi nhận các em có sự tương tác với bạn bè và thầy cô tốt hơn, các em tập trung học nên kết quả học tập cũng khả quan hơn" - ông Trịnh Duy Trọng, hiệu trưởng, chia sẻ.
Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng ra quyết định không cho học sinh sử dụng điện thoại. TS Trần Nam Dũng, phó hiệu trưởng, cho biết: "Việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học dễ dẫn đến việc các em xao lãng, làm việc riêng. Các thầy cô cũng sẽ cảm thấy không thoải mái khi thấy học sinh sử dụng điện thoại vào việc riêng khi mình đang giảng bài.
Do đó trường yêu cầu học sinh ở cả hai cơ sở không được sử dụng điện thoại trong giờ học. Khi bước vào lớp, tất cả học sinh phải để điện thoại trong tủ kính và khóa lại. Chỉ khi giáo viên bộ môn yêu cầu, học sinh mới được lấy điện thoại ra để phục vụ việc học tập".
Đã quen với việc không dùng điện thoại
Trao đổi với Tuổi Trẻ, H.K.N., học sinh Trường THPT Trường Chinh, tâm sự: "Ngày xưa mình sống khá nội tâm, ngại giao tiếp với bạn bè nên cứ giờ ra chơi là dán mắt vào điện thoại. Đây là một cái cớ để không phải ngẩng mặt lên, để đừng ai bắt chuyện với mình.
Lúc đầu khi mới bị cấm thì mình cứ thấy thiếu thiếu khi không có điện thoại bên cạnh. Nhưng khi bị các bạn kéo ra sân, rồi gia nhập hội đá cầu, mình thấy vui ơi là vui. Nhờ nhà trường cấm không xài điện thoại mà mình có nhiều bạn bè".
Trong khi đó, P., học sinh Trường THCS Lê Văn Tám, phường Bình Thạnh, cho biết: "Khi nhà trường cấm không cho xài điện thoại, mình buồn lắm. Cứ nghĩ những tháng ngày sắp tới sẽ thật buồn tẻ.
Nhưng thực tế là ngược lại, mình nói chuyện, làm quen, mở lòng ra với bạn bè. Rồi mọi người còn khen mình nói chuyện vui nữa. Bây giờ thì mình thành người hoạt bát hơn, nói nhiều hơn, tự tin hơn nữa. Đến nay mình đã quen với việc không mang điện thoại đi học. Đơn giản vì ở trường có nhiều hoạt động thực tế vui hơn. Những cái trong điện thoại đôi khi chỉ là ảo thôi mà".
Có lẽ đây cũng là lý do mà bài phát biểu của PGS.TS Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - tại lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025 của Trường phổ thông Năng khiếu, đã gây bão trên mạng. Bài phát biểu có đoạn: "Sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là tốt. Nhưng đừng để điện thoại âm thầm biến học sinh trở thành "tù binh" của mạng xã hội và game. Nhà tù vô hình này có thể chôn vùi tuổi xanh xuân, hoài bão và khát vọng của các em".