Cách nhận biết và xử lý tin nhắn, email giả danh ngân hàng

Nhiều người dùng tiếp tục bị lừa bởi tin nhắn giả danh ngân hàng với chiêu xác minh tài khoản khẩn cấp. Dấu hiệu nào để nhận biết và tránh sập bẫy?
Các dấu hiệu nhận biết lừa đảo
Ngày 18-7, chuyên mục Công nghệ của Đài Fox News đã đưa ra cảnh báo về một hình thức lừa đảo ngân hàng tinh vi, trong đó khách hàng của ngân hàng lớn và có uy tín tại Mỹ là Chase cũng nằm trong số những mục tiêu bị nhắm đến.
Câu chuyện bắt đầu khi ông Bill, cư dân sống tại Idaho, Mỹ, gửi email chia sẻ với chương trình trải nghiệm thực tế của mình sau khi nhận được một tin nhắn đáng ngờ trên điện thoại cá nhân.
Tin nhắn có tiêu đề "Thông báo khẩn: Xác minh bảo mật tài khoản Ngân hàng Chase", với nội dung cho biết hệ thống đã phát hiện hoạt động bất thường trên tài khoản của ông Bill, yêu cầu ông nhanh chóng xác minh để tránh bị khóa tài khoản tạm thời.
Tin nhắn mà Bill nhận được gọi ông là "quý khách", có đính kèm một đường dẫn được gọi là "bảo mật" và yêu cầu ông hoàn tất thủ tục trong vòng hai tiếng.
Dù không bấm vào đường dẫn, Bill vẫn cảm thấy bối rối vì quả thực ông đúng là khách hàng của Ngân hàng Chase.
May thay sau đó ông đã chủ động liên hệ trực tiếp với ngân hàng và được xác nhận rằng đó là một tin nhắn lừa đảo.
Đài Fox News cho rằng những trường hợp như của Bill không phải là hiếm, khi các tin nhắn lừa đảo hiện nay được thiết kế ngày càng tinh vi, khiến nhiều người khó phân biệt thật giả nếu không để ý kỹ các chi tiết.
Một số dấu hiệu dễ nhận biết gồm nội dung mang tính hối thúc, tạo cảm giác khẩn cấp và yêu cầu người nhận phải phản hồi ngay trong thời gian rất ngắn.
Bên cạnh đó, các đường dẫn trong tin nhắn thường là liên kết rút gọn như bit.ly, điều mà các ngân hàng uy tín không dùng trong các thông báo chính thức.
Một dấu hiệu khác dễ nhận biết là cách xưng hô chung chung, chẳng hạn gọi người nhận là "khách hàng" thay vì ghi rõ họ tên.
Cách xử lý tin nhắn đáng ngờ
Theo Fox News, khi nhận được những tin nhắn nghi ngờ, người dùng nên tránh nhấp vào bất kỳ liên kết nào nếu chưa xác minh được nguồn gốc, đồng thời không trả lời hoặc tương tác để tránh rơi vào bẫy lừa đảo.
Sau đó cần liên hệ trực tiếp với ngân hàng thông qua ứng dụng chính thức hoặc số hotline hỗ trợ khách hàng.
Trong trường hợp đã bị đánh cắp thông tin, người dùng cần liên hệ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hoặc an ninh mạng để báo cáo trường hợp.
Fox News cũng khuyến nghị người dùng nên cài đặt phần mềm diệt vi rút để phát hiện sớm mã độc, bật bộ lọc tin nhắn rác, kích hoạt xác thực hai yếu tố cho tài khoản ngân hàng và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng.
Trong khi các chuyên gia khuyến cáo người dùng nên thường xuyên kiểm tra tài khoản ngân hàng để phát hiện sớm các giao dịch bất thường, ngay cả khi chưa nhấp vào liên kết đáng ngờ.
Cần hướng dẫn cụ thể về cách nhận biết dấu hiệu cảnh báo và xử lý khi nhận tin nhắn đáng ngờ cho nhóm người lớn tuổi, vốn dễ trở thành mục tiêu của các cuộc lừa đảo.