Nhảy đến nội dung
 

Các nước hạn chế xe máy xăng: Không cấp đăng ký mới, công chức phải đi làm bằng xe buýt

Từng được xem là biểu tượng của sự tiện lợi và cơ động tại nhiều quốc gia, xe máy xăng giờ đây đang đối mặt với làn sóng hạn chế ở nhiều nơi. Mỗi nước có cách hạn chế xe máy khác nhau.

Từ các thành phố đông đúc tại Đông Nam Á đến những khu đô thị ngột ngạt ở Nam Á, nhiều quốc gia đang triển khai các biện pháp khác nhau nhằm hạn chế xe máy xăng, góp phần giảm ô nhiễm không khí và thúc đẩy chuyển đổi xanh trong giao thông.

Indonesia

Năm 2022, chính phủ Indonesia đặt mục tiêu có 2 triệu xe máy điện vào năm 2025. Có hơn 120 triệu xe máy lưu thông trên đường, nhưng tỉ lệ xe máy điện không đáng kể. Trong nửa đầu năm 2025, doanh số xe máy điện ở Indonesia thậm chí còn giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho là người dân đang do dự khi không chắc chắn về việc chính phủ có tiếp tục trợ cấp hay không.

Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính rằng, để đạt được mục tiêu trên, chính phủ Indonesia cần trợ cấp 1,1 tỉ USD, chủ yếu cho xe máy và các trạm sạc. Đến năm 2030, cần đạt khoảng 5,5 triệu bộ sạc cũng như dịch vụ đổi pin rộng khắp.

Tuy nhiên giá trị kinh tế của việc giảm phát thải từ 2 triệu xe máy điện là không đủ bù đắp chi phí. Do đó thay vì trợ cấp, báo cáo đề xuất chính phủ nên áp dụng phương pháp tiếp cận theo từng giai đoạn, và hạn chế việc sử dụng xe máy xăng ở đô thị rồi tiến tới vùng nông thôn.

Thủ đô Jakarta đang triển khai thí điểm các khu vực "chỉ dành cho xe điện", đẩy mạnh trợ giá cho người dân chuyển sang xe máy điện. Mục tiêu là đến năm 2030, toàn bộ xe máy mới bán ra ở Indonesia sẽ là xe điện hoặc xe hybrid.

Chính sách này nhắm vào người dùng xe máy tư nhân và thương mại, những người sẽ chỉ có thể vào các khu vực cụ thể nếu sử dụng xe máy điện. Ngoài ra các công ty dịch vụ gọi xe và giao hàng cũng được yêu cầu "tăng dần tỉ lệ quãng đường di chuyển bằng xe điện".

Đáng chú ý, Jakarta còn thí điểm chương trình "Thứ tư xanh". Cứ đến thứ tư, các cán bộ công chức bắt buộc phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi làm, trừ những người đang ốm, mang thai hoặc làm nhiệm vụ hiện trường. Các cán bộ, công chức phải chụp ảnh "selfie" để làm bằng chứng. Những ai đi làm bằng xe khác vào ngày này sẽ bị coi như nghỉ làm ngày hôm đó.

Trung Quốc

Các biện pháp hạn chế và cấm xe máy xăng được áp dụng tại một số thành phố lớn. Ở Bắc Kinh là từ năm 1985, Thượng Hải từ 2002 hay Quảng Châu từ 2007.

Một biện pháp cấm/hạn chế có thể kể đến là ngừng cấp biển số mới, và ngừng gia hạn biển số. Điều này đã buộc người dân ở Thượng Hải chuyển đổi sang sử dụng xe sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), xe máy điện.

Với cách làm này, xe máy xăng dần bị thay thế mà không buộc người dân thải đồng loạt xe xăng đã có và còn hạn sử dụng dẫn đến không thể xử lý kịp thời lượng rác khổng lồ.

Trong khi đó, Đài Loan mới chỉ đặt mục tiêu loại bỏ xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035, và ô tô chạy xăng vào năm 2040.

Dù chưa có lộ trình cụ thể, nhưng Đài Loan đã tăng cường trạm sạc. Năm 2008, Đài Loan quyết định lắp đặt 3.310 trạm sạc trong vòng 5 năm tiếp theo. Ngoài ra còn có những biện pháp như trợ cấp, biển số xe đặc biệt, bãi đỗ xe chuyên dụng và giảm giá gửi xe cho "xe xanh".

Tuy nhiên tỉ lệ xe máy điện vẫn còn khá thấp. Năm 2022, tỉ lệ này đạt 22,2%, nhưng sang 10 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,9%.

Gogoro, công ty chiếm 70% doanh số xe máy điện ở Đài Loan, có doanh số ảm đạm do phí sử dụng cao và sự tiện lợi ngày càng giảm của Gogoro Network - hệ thống đổi pin đã trở thành tiêu chuẩn ở Đài Loan.

Chi phí cho mỗi km di chuyển tương đương 1.100 - 2.700 đồng, cao gấp 2-4 lần so với chi phí 550 đồng/km của xe máy xăng (mức tiêu thụ nhiên liệu 2 lít/100km). Việc đổi pin có thể không thực hiện được ở những khung giờ "cao điểm" hay một vài địa điểm đông người do hết pin đổi.

Ngược lại, đối thủ Kymco cũng có hệ thống đổi pin lại đang gia tăng thị phần.

Ấn Độ

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ có kế hoạch hạn chế số lượng ô tô chạy bằng xăng dầu mà một gia đình có thể mua (xuống còn tối đa 2 chiếc), cũng như cấm bán xe máy xăng tiêu thụ nhiều nhiên liệu, nhằm làm sạch một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Chính quyền còn miễn một số loại thuế khi mua xe hybrid, ngang bằng với mức ưu đãi dành cho xe điện, đồng thời áp dụng mức thuế mới tương đương 154 đồng cho mỗi lít xăng bán ra. Ước tính ưu đãi này sẽ giúp chi phí sở hữu xe hybrid giảm 15%.

Delhi đã triển khai giai đoạn đầu tiên của chính sách xe điện vào năm 2020, giúp tăng thị phần xe điện lên 12% tổng doanh số bán xe mới, bao gồm xe máy và ô tô, vào năm 2024.

Trong giai đoạn thứ hai, các hãng sẽ không được phép bán thêm xe hai bánh chạy bằng xăng dầu kể từ ngày 1-4-2027. Chính sách cũng cung cấp ưu đãi tiền mặt lên tới 9,1 triệu đồng khi mua xe đạp điện, xe máy điện.

Một chính sách khác có hiệu lực từ 1-7-2025 là cấm các trạm xăng bán nhiên liệu cho phương tiện sử dụng máy dầu cũ trên 10 năm tuổi, phương tiện sử dụng máy xăng trên 15 năm tuổi.

Ngoài những quốc gia này, nhiều nước dù không có lệnh cấm hay hạn chế trực tiếp với xe xăng dầu, nhưng đã và sẽ triển khai nhiều chính sách khuyến khích phát triển "xe xanh" như một hình thức dần dần loại bỏ động cơ đốt trong thuần túy.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn