Cả nước thiếu gần 120.000 giáo viên: Gỡ ngay nút thắt tuyển dụng

Tính đến tháng 5-2025, cả nước vẫn thiếu gần 120.000 giáo viên các cấp, trong đó có gần 45.000 giáo viên mầm non. Đặc biệt, trong số 66.000 chỉ tiêu biên chế được giao, các địa phương mới chỉ tuyển được gần 6.000 giáo viên trong suốt ba năm qua.
Bởi vậy trong công điện mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc tuyển dụng giáo viên của các địa phương nhằm đảm bảo tuyển dụng hết số biên chế đã được giao; tiếp tục rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung biên chế giáo viên mầm non, phổ thông còn thiếu so với định mức quy định của ngành giáo dục.
Đây được xem là nhiệm vụ cấp bách nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên kéo dài dai dẳng bao năm qua và đặc biệt trong bối cảnh phải bảo đảm đủ giáo viên dạy học 2 buổi/ngày sắp tới.
Tuyển dụng giáo viên nhìn từ Hà Giang
Vào tháng 5-2025, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có một cuộc tổng kết dự án hỗ trợ dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học thực hiện ba năm học. Dự án do Trường phổ thông liên cấp Marie Curie (Hà Nội) hỗ trợ cử giáo viên dạy trực tuyến.
Vào thời điểm nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - đại diện cho Trường Marie Curie - quyết định hỗ trợ, Mèo Vạc chỉ có một giáo viên dạy tiểu học, trong khi có khoảng 2.500 học sinh lớp 3 bắt buộc phải học tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sau ba năm thực hiện, 2.500 học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học. Nhưng theo ông Ngô Mạnh Cường - phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, địa phương đang đối diện với một khó khăn khi năm học tới có 8.400 học sinh cấp tiểu học phải học chương trình tiếng Anh, trong khi toàn huyện chỉ có 5 giáo viên tiếng Anh tiểu học.
Như vậy trong ba năm, địa phương này chỉ tuyển thêm được bốn giáo viên. Việc dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học chủ yếu trông đợi vào các dự án của cá nhân và một số đơn vị, nhóm tình nguyện hỗ trợ.
Không may mắn như Mèo Vạc, nhiều địa bàn khác của tỉnh Hà Giang vẫn đang thiếu giáo viên, đặc biệt nhiều nhất ở các môn nghệ thuật, tin học, tiếng Anh, toán... Theo ông Bùi Quang Trí - giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, tới cuối năm học 2024 -2025 tỉnh còn thiếu gần 3.000 giáo viên so với định biên. Ông Trí khẳng định không có nguồn để tuyển dụng giáo viên.
"Địa bàn miền núi khó khăn, trong khi cơ chế đãi ngộ chưa đủ sức hấp dẫn đối với những người có nhiều lựa chọn công việc. Việc tạo nguồn giáo viên là người địa phương cũng có những rào cản khi các trường sư phạm tuyển sinh mức điểm quá cao, học sinh vùng khó khăn khó có thể đạt yêu cầu", ông Trí cho biết.
Cũng theo ông Trí, việc đào tạo theo diện "đặt hàng" cũng có những bất cập vì quy định sau hai lần tuyển dụng không đạt thì người được hưởng kinh phí hỗ trợ có thể làm việc khác mà không cần bồi hoàn tiền. Vì thế đã có những trường hợp trong diện được hỗ trợ kinh phí học sư phạm đã tự "đánh trượt" mình ở kỳ tuyển dụng để không phải bồi hoàn kinh phí!?
Gần 60.000 biên chế vẫn "ế", vì sao?
Theo Bộ GD-ĐT, ở bậc phổ thông giáo viên thiếu nhiều nhất là cấp THCS. Và việc thiếu, thừa giáo viên cũng rất khác nhau giữa các địa phương, giữa các cấp học, môn học.
Tuy vậy, có điểm chung của nhiều địa phương là thiếu giáo viên tin học, tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc, thể dục; một số địa phương khác lại thiếu giáo viên các môn khoa học tự nhiên. Theo một số sở GD-ĐT khu vực miền núi phía Bắc thì xu thế học sinh đăng ký học sư phạm những năm gần đây chủ yếu chọn ngành khoa học xã hội. Vì thế ở thời điểm hiện tại và trong vài năm tới, giáo viên các môn khoa học tự nhiên cũng thiếu nhiều.
Chia sẻ về thực trạng này, ông Vũ Minh Đức - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) - cho biết tình trạng thiếu giáo viên đã diễn ra trong nhiều năm nhưng sau khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì càng thiếu.
"Các địa phương không tuyển hết biên chế đã giao, chủ yếu do thiếu nguồn tuyển. Nhưng cá biệt cũng có những địa phương giữ lại biên chế không tuyển để thực hiện việc giảm 10% biên chế. Việc thực hiện sáp nhập, tinh giản từ cuối năm 2024 cũng khiến một số địa phương tạm ngừng việc tuyển dụng giáo viên", ông Đức phân tích.
Đại diện Cục Nhà giáo nhận định chế độ lương, phụ cấp tuy đã cải thiện nhưng không đủ hấp dẫn, điều kiện làm việc ở một số địa phương khó khăn khiến giáo viên chịu thiếu thốn, vất vả cả về vật chất, tinh thần, sinh hoạt thường ngày. Bên cạnh đó là các áp lực từ các yêu cầu, mục tiêu giáo dục là những lý do khó thu hút người có năng lực vào ngành giáo dục.
Những môn học mới, môn học được chuyển từ tự chọn sang bắt buộc ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như tiếng Anh cấp tiểu học, mỹ thuật, âm nhạc, tin học, thể dục thiếu nhiều nhưng khả năng bù đắp chậm một phần do các trường sư phạm cũng khó tuyển sinh; phần khác do người được đào tạo đúng chuyên môn sau khi tốt nghiệp, thậm chí sau khi trúng tuyển trong các kỳ tuyển giáo viên đã thay đổi ý định chọn nghề sư phạm.