Nhảy đến nội dung
 

'Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè tiết kiệm'

Từ nhỏ, tôi sống gần những người rất chắt chiu, tiết kiệm. Có lẽ do đặc trưng của vùng quê chiêm trũng, thiên tai thường xuyên, mất mùa đói kém liên miên, nên con người sinh ra tính dè sẻn. 'Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè tiết kiệm' là câu cửa miệng mà tôi luôn được răn dạy.

Người sống tiết kiệm và tối giản nhất họ hàng hai bên gia đình tôi là bà bác bên ngoại tôi. Bác là chị ruột của mẹ tôi. Bác tôi rời quê đi kinh tế mới theo chủ trương của nhà nước từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.

Bác tôi định cư mãi tận một xã thuộc vùng khó khăn ở miền đất mà người ta gọi là "chảo lửa", quanh năm nắng nóng như rang. Mỗi lần về thăm bác, tôi luôn có cảm giác mình được sống lại ký ức thời những năm 1980, vẹn nguyên. Ngôi nhà nhỏ của bác được nhà nước hỗ trợ xây từ ngày bác vào lập nghiệp, tường gạch không tô trát, mái lợp ngói để có thể bớt đi cảm giác nóng bức. Ngôi nhà nhỏ, chỉ mình bác tôi vào ra.

Hằng ngày, buổi sáng bác tôi dậy từ rất sớm, nhóm bếp nấu cơm. Bác chỉ nấu duy nhất một lần vào buổi sáng và cứ để nồi cơm trên bếp tro giữ ấm để ăn cả ngày. Thức ăn cũng vậy, có khi còn đơn giản hơn. Bác kho ít tép hoặc mớ cá vụn trong cái nồi gang be bé rồi để ăn đến mấy ngày. Bác vẫn nấu ăn bằng bếp củi như vài chục năm trước. Trong nhà bác, ngoài mấy cái bóng điện thắp sáng mà họa hoằn lắm bác mới bật lên, chỉ có chiếc quạt cây có lẽ là vật dụng tiêu tốn nhiều điện nhất trong nhà.

Tiết kiệm điện vì thói quen hình thành từ những ngày khó khăn

Thường thì tôi ở chơi với bác một lúc rồi về, họa hoằn lắm tôi mới ở lại ngủ với bác. Có lần chuyện trò, tôi hỏi bác việc chi tiêu hằng ngày, rồi hỏi sang tiền điện vì tôi thấy bác rất tiết kiệm, bác bảo, mỗi tháng bác đóng chưa tới 20.000 đồng tiền điện. Tháng nào mà vượt quá 20.000 đồng là bác xót lắm, phải ngay lập tức giảm bật quạt ngay. Tôi thật sự ngạc nhiên, bởi ở phố, 20.000 đồng chưa đủ để ăn một tô phở cho bữa sáng.

Gợi chuyện, bác kể: "Các anh chị cũng muốn mua tủ lạnh cho bác cất trữ thức ăn, nhưng con thấy đấy, bác có ăn được gì đâu, mỗi bữa chỉ vài con tép, con cá vụn kho mặn với bát canh rau là xong bữa, có gì đâu mà phải cất đặt. Ở đây nông thôn, chợ sẵn thức ăn tươi, có khách khứa gì ù ra chợ là có ngay. Vườn sẵn cây cối, bác chặt cành phơi khô để đun nấu, quanh năm không hết, bác già rồi, nấu bếp củi thấy an toàn, chứ mấy thứ hiện đại cứ bật nút này tắt nút kia bác hãi lắm!".

Buổi tối, tôi thấy bác ngồi ngoài sân trò chuyện với mấy người hàng xóm, chỉ bật chiếc bóng đèn nhỏ như kiểu đèn ngủ, một lát thì tắt điện, đi nằm. Những trưa nắng nóng đỉnh điểm, bác đem chiếc giường xếp ra gốc cây ngoài sân nằm phe phẩy quạt rồi chợp mắt một lát, dậy lại lúi húi với mảnh vườn. Bác nằm ngoài ấy để đỡ phải bật quạt, vì sợ vượt... định mức 20.000 đồng.

Rảnh rỗi, tôi thích chạy về với bác. Tôi thích được nấu nướng bằng cái bếp củi lem nhem khói của bác, thích ăn miếng cơm cháy cạy từ đáy chiếc nồi gang ám muội than của bác, thích những vật dụng bác vẫn giữ như ở quê thời những năm 1980… Thấy bác, tôi thấy lại hình ảnh của bà ngoại tôi, mẹ tôi. Tôi còn thích nằm rúc rích nghe bác kể chuyện.

Chuyện của bác luôn khiến tôi phải nghĩ và học được rất nhiều điều, nhất là đức tính chắt chiu dè sẻn. Bác tôi tiết kiệm là vì thói quen đã hình thành từ những ngày khó khổ, vì luôn nghĩ thương con cháu tốn kém cho mình. Mỗi tháng bác không cho phép mình được tiêu xài vượt quá 20.000 đồng tiền điện, nhưng về với bác, miếng gì ngon nhất và đắt tiền nhất bác lại dành phần để cho tôi.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn