Bọn lừa đảo nhắm đến học sinh, hàng trăm trẻ chuyển tiền khi cảnh sát dỏm đe dọa

Nhận cuộc gọi đe dọa từ những kẻ giả mạo cảnh sát và thẩm phán, hàng trăm trẻ em Trung Quốc dùng điện thoại của bố mẹ chuyển số tiền lớn cho chúng.
Mới đây, Tòa án Nhân dân thành phố Lô Thủy, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đưa ra cảnh báo và dẫn báo cáo của cảnh sát từ nhiều nơi trên cả nước cho hay: Nhiều kẻ lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát và các cơ quan tư pháp, sử dụng lời lẽ đe dọa và giấy tờ giả, đặc biệt nhắm vào học sinh tiểu học và trung học. Hàng trăm học sinh đã trở thành nạn nhân.
Theo bản tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, một trong hai anh em họ Lý nhận được cuộc gọi video từ người lạ khi đang xem video ngắn ở nhà. Người gọi đến mặc đồng phục cảnh sát và đưa ra giấy tờ tùy thân giả, đe dọa nam sinh họ Lý rằng cậu "bị nghi ngờ tiết lộ thông tin cá nhân của người nổi tiếng" và có thể "cả gia đình sẽ phải ngồi tù".
Quá sợ hãi, nam sinh bí mật chuyển 12.343 nhân dân tệ (gần 45 triệu đồng) bằng điện thoại di động của mẹ mình, và mãi sau đó mới thú nhận việc mình bị lừa đảo.
Một học sinh khác, Tiểu Viên, cho biết em cũng bị cảnh sát giả mạo đe dọa và đã chuyển tiền 77 lần cho chúng chỉ trong vòng vài giờ, tổng số tiền lên tới hàng trăm nghìn nhân dân tệ (100 nghìn nhân dân tệ tương đương 364 triệu đồng). Một học sinh THCS khác cũng bị kẻ lừa đảo cho xem lệnh truy nã giả mạo và yêu cầu mở màn hình chia sẻ, sau đó chuyển 120 nghìn nhân dân tệ (khoảng 437 triệu đồng).
Theo Tòa án Nhân dân Thành phố Lô Thủy, trong nửa đầu năm 2025, số vụ lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát và cơ quan tư pháp nhắm vào học sinh tiểu học và THCS trên toàn quốc đã tăng 230% so với cùng kỳ năm trước, nạn nhân chủ yếu ở độ tuổi từ 8 đến 14.
Tại sao trẻ em lại bị chúng coi là mục tiêu tốt nhất? Các chuyên gia chỉ ra rằng trẻ em vốn dĩ rất sợ cảnh sát và các lực lượng thực thi pháp luật. Khi bị buộc tội, các em dễ bị hoảng loạn và dễ dàng "hợp tác điều tra". Mặt khác, kiến thức pháp luật của trẻ còn hạn chế. Hầu hết học sinh không biết rằng cảnh sát thật sẽ không xử lý các vụ việc trực tuyến, cũng không yêu cầu chuyển tiền.
Một lý do khác được các chuyên gia Trung Quốc nêu là sự giám sát của cha mẹ còn thiếu chặt chẽ; khoảng 60% gia đình cho con cái biết mật khẩu thanh toán và thậm chí cho phép thanh toán không cần mật khẩu. Cha mẹ không cài đặt ứng dụng chống gian lận, trẻ em rất dễ bị nhắm thành mục tiêu khi ở một mình và đang trực tuyến.
Ngoài ra, thông tin cá nhân của học sinh (gồm tên, trường học, thông tin liên lạc của phụ huynh) là thứ mà bọn lừa đảo dễ dàng mua được ở chợ đen, mỗi giao dịch chỉ tốn 3 nhân dân tệ (gần 11 nghìn đồng), giúp chúng "nhắm mục tiêu và tấn công" một cách chính xác.
Để ứng phó với vấn nạn này, các chuyên gia kêu gọi nhà trường lồng ghép giáo dục chống gian lận vào chương trình giảng dạy với các kịch bản tình huống chống gian lận và hoạt động nhận dạng cảnh sát thật và giả. Về phía gia đình, cần tắt chế độ thanh toán không cần mật khẩu và đặt hạn mức chuyển khoản hàng ngày.
Chuyên gia cũng khuyên cha mẹ dặn con cái rằng nếu có cuộc gọi lạ, hãy báo ngay cho bố mẹ, đừng sợ bị mắng.