Bộ Xây dựng ủng hộ thu thuế trên lãi từng lần chuyển nhượng bất động sản

Trong báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý II, Bộ Xây dựng đã đề xuất một loạt giải pháp trọng tâm, trong đó có đánh thuế bất động sản.
Cơ quan này ủng hộ chính sách thu thuế phần chênh lệch giữa các lần giao dịch nhà đất của Bộ Tài chính và cho rằng giải pháp này giúp "tránh đầu cơ, thổi giá bất động sản".
Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất áp dụng phương thức đánh thuế 20% trên giá trị chênh lệch giữa giá mua và bán bất động sản theo từng lần chuyển nhượng tại hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).
Nếu không xác định được giá mua và chi phí liên quan, thuế tính theo giá bán và thời gian sở hữu, với thuế suất từ 2–10% (dưới 2 năm: 10%, 2-5 năm: 6%, 5-10 năm: 4%, từ 10 năm trở lên 2%).
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu thêm chính sách thu thuế phần chênh lệch giá giữa mức tính tiền sử dụng đất và giá bán sản phẩm của các dự án bất động sản. Cùng đó, nhà ở, bất động sản không sử dụng cũng cần phải nghiên cứu đánh thuế.
Bộ Xây dựng cũng cập nhật tình trạng giá bán nhiều loại hình bất động sản liên tục leo thang.
Quý II, đà tăng giá chung cư Hà Nội, TP HCM lên mức cao nhất trong gần một thập kỷ. Tại Thủ đô, giá bán trung bình đã đạt 80 triệu đồng mỗi m2, tăng 33% so với cùng kỳ. Số lượng dự án mở bán trên 100 triệu đồng mỗi m2 xuất hiện ngày càng nhiều, đơn cử The Nelson Private Residences (120-180 triệu đồng), Noble Crystal (120-150 triệu) hay The Matrix One (120-150 triệu).
Trong khi đó, TP HCM ghi nhận mức bình quân 89 triệu đồng mỗi m2, tăng 36%. Dự án hạng sang tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái cũng thiết lập mặt bằng giá mới tại thị trường này. Một số dự án mở bán mới lên đến 163-200 triệu đồng một m2.
Diễn biến trên cũng được nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường ghi nhận. Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng giá bán chung cư trong quý II, lên đến 87% sau 6 năm, trung bình mỗi năm tăng gần 15%. Hết quý II, giá căn hộ trung bình ở Thủ đô đạt gần 76 triệu đồng một m2. Theo sau là TP Đà Nẵng và TP HCM với đà tăng giá bán lên đến 70% và 48%.
Với đất nền, sau khi các địa phương tăng cường quản lý thị trường địa ốc, mặt bằng giá đã được kiểm soát. Đến quý II, biên độ tăng giá đã hạ nhiệt, còn khoảng 3-5% so với quý I. Trước đó, quý I, giá đất nền tại các địa phương này tăng nhanh 20-30% trước thông tin sắp xếp đơn vị hành chính, thậm chí có nơi tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, song "các giao dịch chủ yếu là đầu cơ".
Theo Hội, tại nhiều khu đô thị, dự án đất nền, tình trạng nhà đầu cơ mua đất rồi bỏ hoang chờ tăng giá hoặc tạo khan hiếm giả diễn ra phổ biến, mục đích đều là "đẩy giá kiếm lời".
Việc áp thuế trên lãi chuyển nhượng bất động sản, theo nhiều chuyên gia thể hiện rõ định hướng điều tiết hoạt động đầu cơ, "lướt sóng" - nguyên nhân góp phần đẩy giá nhà đất tăng nóng thời gian qua. Tuy nhiên, giải pháp này cần yếu tố tiên quyết là hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai.
Tại báo cáo, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các địa phương phối hợp thực hiện chuyển đổi số để liên thông các thủ tục từ giao dịch bất động sản, công chứng, thuế và đăng ký giao dịch đất đai trên môi trường điện tử. Cùng đó, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện đề án thí điểm Trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý, dự kiến hình thành từ đầu năm 2026.
Ngọc Diễm