Bố mẹ càng ‘lùi lại’, con lại càng học giỏi?

Chia sẻ trong chuỗi podcast 'Bí kíp yêu học' do Trường Tiểu học và THCS Unigo (Unigo College) sản xuất, nhà văn Trang Hạ cho rằng, việc cha mẹ "lùi lại" đúng lúc, đúng cách, trao cho con không gian tự chủ lại chính là chìa khóa vàng giúp con yêu thích, tìm thấy niềm vui và kết quả tốt trong chính việc học của mình.
Là một người mẹ nuôi dạy 3 con và có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục, trong podcast "Bí kíp yêu học", nhà văn Trang Hạ đã mang đến một góc nhìn mới mẻ và được củng cố bằng những bằng chứng khoa học thuyết phục.
Nhà văn Trang Hạ dẫn chứng về một cuộc điều tra xã hội học tại Đài Bắc, thực hiện trên 400 gia đình có con học tiểu học. Kết quả đã khiến nhiều người phải suy ngẫm: Những gia đình để con "tự bơi", tức là tự chịu trách nhiệm với việc học của mình, có thành tích tốt nhất, đạt khoảng 80%. Ngược lại, những gia đình mà bố mẹ kèm cặp rất sát, ngày nào cũng ngồi bên cạnh đốc thúc, thành tích của con lại kém hẳn, chỉ đạt khoảng 60%.
Đáng chú ý, những gia đình biết cách tạo môi trường và cộng đồng cho con tự học như học nhóm, học gia sư, tham gia các hoạt động tương tác, tự chọn lớp học thêm… thì thành tích của con có thể lên tới 100%.
"Kết quả này không phải là sự cổ xúy cho việc phó mặc con cái. Nó cho thấy một sự thật sâu sắc về tâm lý học tập của trẻ: Sự áp đặt và giám sát liên tục sẽ làm mất đi động lực nội tại của các con. Khi bị ép buộc, việc học biến thành một nghĩa vụ nặng nề. Trái lại, khi được tự do khám phá, nó trở thành một hành trình thú vị", nhà văn Trang Hạ lý giải thêm.
Theo nhà văn Trang Hạ, thay vì đưa một cuốn sách vào tay con và bắt học thuộc từ mới, cha mẹ có thể "đi đường vòng" bằng cách cùng con xem một kênh YouTube thú vị về khoa học, đưa con đến một buổi triển lãm…Từ những trải nghiệm thực tế đó, tình yêu với lịch sử, địa lý, nghệ thuật sẽ được nảy mầm một cách tự nhiên.
Việc cha mẹ "lùi lại một bước" không phải là bỏ rơi con, mà là để quan sát con kỹ hơn, hiểu được tính cách, năng lực và đam mê của con, từ đó đưa ra sự trợ giúp đúng lúc, đúng chỗ.
Ngoài ra, nhà văn Trang Hạ cho rằng, một việc đơn giản hơn mà các bậc phụ huynh dễ dàng làm được đó là ngừng so sánh con với "con nhà người ta" và cho phép con được đi trên hành trình của riêng mình, với tốc độ của riêng mình. Bởi lẽ, học tập là một hành trình trọn đời, không phải là một cuộc đua nước rút về điểm số.
Phương pháp "lùi lại để con tiến lên" của nhà văn Trang Hạ tìm thấy sự cộng hưởng trong việc dạy môn tiếng Việt với phương pháp Cánh Buồm tại Trường Tiểu học và THCS Unigo.
Cô Thân Thị Phượng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết, thay vì lối học "đọc-chép" thụ động, phương pháp Cánh Buồm tổ chức việc học thông qua hệ thống các việc làm. Học sinh không ngồi nghe giảng một chiều, mà được chủ động tham gia vào quá trình tiếp thu tri thức. Các em được tự mình thảo luận, đóng vai, viết sáng tạo. Nhờ đó, ngay từ lớp 1, học sinh Unigo đã có thể làm những bài thơ năm ngón ngộ nghĩnh, viết những mẩu truyện ngắn đầu tay.
Đặc biệt, tại Unigo, nhà trường chủ động xây dựng một cầu nối chặt chẽ thông qua các buổi họp đầu năm, những "tin cuối ngày" cập nhật hoạt động học tập của các con để phụ huynh thấu hiểu triết lý giáo dục và cùng phối hợp thay vì phải ngồi cạnh con khi làm bài.
"Sự đồng hành này giúp cha mẹ có đủ niềm tin để "lùi lại", để thay những câu hỏi về điểm số bằng những cuộc trò chuyện mang tính chia sẻ. Khi đó, gia đình trở thành một không gian an toàn để con tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê học hỏi được khơi gợi từ nhà trường", cô Thân Thị Phượng nhấn mạnh.
Việc "kèm con học" không sai, nhưng "kèm" như thế nào mới là điều quyết định. Cha mẹ hãy can đảm "lùi lại một bước", tin tưởng vào năng lực tự chủ của con và lựa chọn một môi trường giáo dục biết cách khơi dậy tiềm năng đó, như cách Unigo đang làm với phương pháp Cánh Buồm trong giảng dạy môn tiếng Việt. Khi đó, chúng ta sẽ không chỉ có những đứa trẻ học giỏi, mà còn có những con người hạnh phúc, tự tin và sẵn sàng cho một hành trình học tập trọn đời đầy hứng khởi.
Xem chi tiết tập podcast Bí kíp yêu học với nhà văn Trang Hạ tại links: https://www.facebook.com/watch/?v=1388161682433684&rdid=98C61ZI7SJt7c6nr